Minh họa của Hà Trí Dũng
Kể từ khi nghe tin bệnh má tái phát, Lệ không còn tâm trí làm việc nên bỏ phố mà về. Má vốn dĩ không muốn Lệ về, nên bệnh tình bao năm qua một mình bà cam chịu, chẳng tâm sự cho bất cứ ai. Cũng may có chú Sáu Đợi kế bên nhà báo tin nên Lệ mới rõ.
Lệ bỏ nhà đi thành phố, những lần về nhà ít ỏi hơn, ngoại trừ đám giỗ ba, Lệ mới tranh thủ tạt qua nhà, thắp cho ba nén nhang, mua vài bông vạn thọ mà đặt lên ban thờ, làm một vài mâm cơm nho nhỏ mời hàng xóm láng giềng rồi sau đó Lệ đi.
Má Lệ từ lâu vốn đã không trách cứ những đứa con mình đứt ruột đẻ ra, khi chứng kiến cảnh chúng bỏ bà bơ vơ, biệt xứ không mảy may tin tức. Bởi bà luôn tin vào những điều nhân quả. Như cách bà đang phải gánh chịu, sống chung với sự cô độc suốt phần đời còn lại, trong chính ngôi nhà mà bà đã nhẫn tâm ruồng bỏ một đêm giông gió. Mặc người chồng bệnh tật đang nằm hấp hối, cùng đám con thơ nheo nhóc như lũ gà con tan tác, lạc bầy.
Ấy vậy mà chưa khi nào ba oán trách má một câu nặng lời. Ngay cả cái đêm bàn tay ông nhuốm đầy máu từ cơn ho trối chết lúc Lệ đang ngồi bên máy may, dập nốt ít hàng còn lại để sáng hôm sau kịp giao cho chủ. Rồi cả trước lúc trút hơi thở cuối cùng, trên tay ông còn cầm tờ giấy với nét chữ nguệch ngoạc viết tên của má, cùng lời trăn trối dặn dò trước lúc lâm chung.
***
Ngày tiễn ba ra nghĩa địa phía đầu làng, ngang qua con đường đất chông chênh đá sỏi, Lệ mặc nhiên không khóc, nhưng trong lòng thì rưng rức đau. Nỗi đau ấy không phải vì sự ra đi của ba, bởi Lệ đã chuẩn bị tinh thần để đón chờ phút giây này từ lâu lắm. Bởi Lệ quan niệm cái chết thật ra chẳng có gì ghê gớm. Người này không chết vì tuổi già thì cũng sẽ ra đi vì bệnh tật. Mỗi người trong chúng ta đều được an bài một số mệnh, từ lúc sinh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Có chăng cái chết như một câu nói bông đùa, ngắn dài vô hạn, hoặc tựa như lời bài hát trong một câu thánh ca u buồn, mà thi thoảng ngang qua ngôi thánh đường Lệ có dịp lắng nghe.
Điều duy nhất khiến Lệ luôn canh cánh, ấy là cho đến giây phút cuối cùng của sự sống, ba vẫn không thể gặp lại người mình thương. Uổng cho những nhịp thở gắng gượng trong đêm tối mịt mù, bởi những cơn đau liên tiếp hành hạ. Uổng cho những đêm ba nằm ho sù sụ, tiếng ho át cả từng trận gió quất vào mấy tàu lá chuối khô xạc xào. Lệ chỉ biết quay mặt đi mà nghẹn ngào rưng rức.
Ba mất, khi Lệ còn chưa đưa Mẫn về. Chưa kịp thực hiện lời hứa về một đám cưới nhỏ. Rồi sinh cho ba mấy đứa cháu ngoại, để chúng bới cho ông những ngọn tóc bạc phơ đêm đêm ngứa ngáy muốn rách da đầu. Như có bữa ba nhờ Lệ dìu ông ra trước hiên nhà, ngồi ngắm hàng hoa cau đang độ trổ nụ trăng trắng li ti, lòng ba chợt buồn hiu khi thấy tiếng trẻ con nô đùa nơi mảnh sân thưa. Ba thở dài thườn thượt như nhắc khéo Lệ: “Bằng tuổi mày ngày xưa, má mày đẻ liền tù tì 4 đứa. Biết chừng nào mới đến lượt mày, để ba có thằng cháu ngoại ẵm bồng cho bằng người ta. Có kịp trước lúc ba đi…?”. Lệ nghe xong mà không cầm nổi nước mắt, nhưng Lệ không muốn ba trông thấy nên chạy vội ra sân ngồi khóc một mình. Người già không giỏi đoán về tương lai, nhưng lại rất minh mẫn để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi cuối cùng của mình về bên kia thế giới.
***
Bốn năm sau ngày cha mất, Lệ âm thầm ôm nỗi cô đơn sống trong căn nhà loang mùi mốc ẩm. Ước mơ về một gia đình nhỏ, cùng những đứa trẻ con vụt qua tầm tay của Lệ nhanh như chớp mắt. Vì lòng người đổi thay hay vì định mệnh trớ trêu khiến Lệ chẳng còn tha thiết tin vào tình yêu?
Đám cưới Mẫn diễn ra trong một chiều mưa bay lất phất. Suốt mấy ngày liền khi nghe hàng xóm kháo tai nhau, về đám cưới của Mẫn với cô gái làng bên Lệ gần như chết lặng. Từng tiếng cười nói vui vẻ của đoàn người rước dâu khi ngang qua ngõ như lưỡi dao sắc lẹm, bén vào ruột gan, khiến Lệ phải dùng chiếc khăn tay mà chấm vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má. Gương mặt mà lâu rồi Lệ không còn nhớ hình dáng nó cụ thể ra sao, tròn méo thế nào. Gương mặt mà Lệ nhớ có lần Mẫn đưa đôi bàn tay thô kệch của mình, áp vào hai gò má mình mà ghì chặt xuống dưới bờ cỏ còn sót lại vết mưa nhờ nhợ, ươn ướt mà thề thốt. Có trách thì trách Lệ vì quá nặng lòng với quá khứ, để giờ đây cứ ôm hoài hình bóng mập mờ như ánh trăng non trong góc tối của phận gái lỡ thì.
Mà phận gái ở làng này như thể bị dính phải một lời nguyền không cách nào hóa giải. Người không lỡ thì, góa bụa thì cũng phải biệt xứ mà đi. Để đàn ông ngày đêm thẫn thờ tìm kiếm. Nhưng tất cả đều luẩn quẩn trong vòng xoay của hai chữ tuyệt vọng.
***
Má trở về khi mắt bà đã nhòe đi đến nỗi không thể nhận ra những người thân của mình đang ngồi ngay bên cạnh. Do tuổi già hay do chứng ung thư trực tràng di căn khiến bà không thể nhìn rõ?
Ngày má về Lệ đang ngồi dập nốt những đường chỉ cuối. Chiếc nón rách che nửa khuôn mặt bà, cùng bộ quần áo chẳng thể nào tơi tả hơn. Nếu như không nghe má gọi tên, có lẽ Lệ sẽ nghĩ rằng đó là một bà lão ăn xin nào đó, lạc chân về miền quê hẻo lánh này, xin quần áo, chút gạo hoặc ít tiền. Vẫn là những trận lũ lụt ập đến bất ngờ, cảnh những ngôi nhà chìm ngập trong dòng nước cuồng nộ cuốn phăng đi trâu bò gà lợn. Và trong đó có cả những mạng người vô tội. Cái chết ập đến lúc người ta đang liu riu ngủ, đó là số mệnh của ông trời. Nhẹ như áng mây trôi.
Lệ dìu má vào trong. Người đàn bà mà Lệ ngày nhớ đêm mong suốt mười mấy năm qua đang đứng trước mặt là đây, nhưng tưởng như sao xa vời quá. Hệt như lúc ngồi cạnh bên ba bón từng thìa cháo, Lệ đã từng có suy nghĩ uất hận người đàn bà ấy nhiều đến chừng nào. Người ngoài nhìn vào còn bàn tán xôn xao. Họ bảo người đàn bà ấy rồi mai sau sẽ vô cùng nặng nghiệp. Nhưng sao ba vẫn không một lời oán hận, mà còn dành cho má những lời lẽ yêu thương. Chẳng lẽ chỉ vì lý do, ấy là muốn trả ơn cứu mạng của ba nơi dòng sông nhuộm phù sa quánh đặc năm xưa nên má chấp nhận về làm dâu, làm vợ. Lẽ nào chỉ vì lý lẽ đơn giản đến thế, mà cha thương má đến tận phút giây cuối cùng?
***
Má về, chỉ quanh quẩn trong nhà, ít khi nào chịu hé mặt ra gặp bà con lối xóm. Thậm chí cả hai má con còn kiệm lời đến mức, chẳng thể mở lời mà nói chuyện với nhau, dù ngày ngày vẫn ngồi cùng một mâm, sáng trưa vẫn đều đặn đôi ba lần giáp mặt.
Cũng không ít lần Lệ định mở miệng nói với má một vài câu thân mật, dù là giả vờ quan tâm một chút thôi hoặc đưa đôi đũa gắp đồ ăn đặng bỏ vô bát, nhưng rồi đôi tay Lệ lại bị chi phối bởi quá nhiều cảm xúc, đến nỗi không thể tự mình vượt qua được những mặc cảm mà mở lời tâm sự nhỏ to bằng vài ba câu thân tình. Có những viên gạch ở chính bức tường vô hình ngày một dâng cao khi càng cố gắng tỏ ra im lặng, khiến tình cảm má con chẳng thể nào hàn gắn.
Lệ quyết định bỏ nhà đi phố sau bao đêm trằn trọc. Đó là cách duy nhất Lệ có thể làm được vào lúc ấy để giúp Lệ chiêm nghiệm lại cuộc sống của mình. Chỉ vì Lệ không biết phải bắt đầu câu chuyện với má như thế nào, để nói hộ tất thảy những lời trăn trối của ba. Nhưng nếu cứ để cảm xúc cá nhân lấn át, Lệ sợ đến một lúc nào đó, mình không còn cơ hội để nói ra những lời sau cuối. Rằng ba chưa bao giờ oán trách má, dù cho trước kia má có đối xử với ba thế nào, ba cũng đều bỏ qua. Quan trọng là trong lòng má luôn hướng về ba sau bao lầm lỗi, chỉ vậy thôi là ông đã mãn nguyện.
Lệ về, bận đến mức không còn thời gian để quan tâm những lời tán tỉnh của mấy gã đàn ông vô công rồi nghề, chiều chiều ra quán nước của Tám Hói ngay bến sông tụm năm tụm bảy cà kê nhậu nhẹt. Có khi mấy trái xoài xanh, khi là ít đậu phộng rang cũng khiến họ say khướt. Mặc dù đôi lúc Lệ chạnh lòng ghê gớm, khi chứng kiến cảnh những đứa con nít với cặp má phúng phính ôm chặt vòng eo của những bà mẹ trên chiếc xe cà tàng, nơi đoạn đường từ nhà tới chợ. Lệ thèm nghe tiếng trẻ con nũng nịu, thèm một đứa con bầu bạn để giúp Lệ bớt chơi vơi trong chuỗi ngày quạnh hiu. Lệ sợ rồi một ngày nào đó mình sẽ như má, sẽ cô độc trong căn nhà ẩm mốc, chết dần chết mòn trong nỗi cô đơn dai dẳng giày vò. Để rồi chẳng biết do vì quá mong muốn, hay do nông nổi nhất thời mà Lệ quyết định trao thân cho lão, gã đàn ông ở xưởng may Lệ vẫn đến lấy hàng để về nhà gia công. Kẻ luôn dùng cặp mắt hau háu ôm trọn bầu ngực đẫy đà của Lệ, dù vợ lão cũng không phải dạng vừa. Bà ta khét tiếng là dữ dằn, ai lỡ dại gây thù hằn với vợ lão thì chỉ còn nước bỏ xứ mà đi chứ không thể nào sống yên ổn.
***
Cái thai cứ ngày một lớn nhanh, lấp ló sau vạt áo bà ba thường ngày Lệ hay mặc. Lệ đối mặt với những lời đàm tếu cũng hết sức nhẹ nhàng. Mà thật ra là Lệ chẳng còn bận tâm nghe người ta lầm rầm, bàn tán. Lệ háo hức đếm đến ngày đứa trẻ sinh ra, hệt như những người trong xóm lao động nghèo ngồi mong đến giờ xổ số, để mong một tia hy vọng nào đó cho thoát cái cảnh nghèo túng đeo bám cả cuộc đời. Còn với Lệ là mong về một gia đình, một lời hứa hẹn Lệ nợ ba mình trước lúc lâm chung.
***
Má Lệ đã khỏe hơn sau những tháng năm nằm vạ vật trên giường. Nhờ những đường rập chỉ của Lệ mỗi đêm nên có đủ tiền để thuốc thang chạy chữa. Chỉ có điều mắt bà đã không thể nhìn thấy, việc di chuyển ngày một khó khăn hơn.
Thằng bé sinh ra giống Lệ y hệt. Từ cái gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt với hàng lông mi cong vút. Lệ nhìn đứa con mà rưng rức trong lòng. Dù người ta vẫn luôn miệng đặt câu hỏi về ba của thằng bé khiến không ít lần Lệ khan giọng chẳng nói được thành câu. Lệ tự nhủ mình sẽ cố gắng bù đắp tất cả cho con, để thằng bé không phải thiếu thốn tình thương giống mẹ của nó.
Đêm, Lệ đang ngủ bỗng bàng hoàng tỉnh giấc, tựa như có ai đó chạm khẽ vào mình, khiến Lệ nhớ lại cảnh lão Hậu bấu chặt vào thân thể cô như thú hoang vồ mồi. Lệ choàng tỉnh, dáo dác nhìn quanh, nhưng chỉ có bóng đêm tịch liêu hun hút. Trong buồng má Lệ cũng đang yên giấc, thỉnh thoảng lại nghe tiếng thở của bà gấp gáp vọng ra.
Tiếng đứa con ọ ọe đòi bú khóc oang khiến Lệ sực tỉnh. Lệ nhướn người sang đón thằng bé vào lòng, đưa miệng nó vô bầu ngực căng tràn sữa. Trong khi Lệ còn đang âu yếm nhìn con thì nghe ngoài sân có tiếng người quét lá. Lệ bế thằng bé bước ra trước cửa. Thấy dáng má đang cầm cây chổi lia từng nhát chậm rãi trên sân. Lệ cứ đứng vậy trân trối nhìn mà không sao cầm nổi nước mắt. Ngoài vườn, lấp ló dưới vốc nắng đầu ngày, hàng cau già đã đồng loạt nở hoa…