Một số vấn đề khi xây dựng văn hóa trong bối cảnh hội nhập

Arttimes| 03/03/2022 10:26

Từ Đổi mới (1986) đến nay, mặt trận văn hóa ngày càng có vị thế quan trọng, được quan tâm đặc biệt và đề cao thành một trong bốn trụ cột chính trong sự nhiệp kiến quốc (chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội).

Thời cơ và nhận thức

Trong điều kiện cách mạng và chiến tranh lĩnh vực/mặt trận văn hóa được xác định bằng chính cương (đường lối): “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”, “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh). 

Trong tác phẩm Văn hóa Việt Nam (1945-1975), do Giáo sư Nguyễn Xuân Kính chủ biên (NXB Hồng Đức, 2019), chúng ta nhận thấy rõ nét đặc trưng sau: Những người làm văn hóa đã nỗ lực hết mình với cái tâm và tầm cao ngút tựa Hoả Diệm Sơn, theo tinh thần “tay không bắt giặc”. 

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7/1948) không lâu, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập. Văn nghệ sỹ hăng hái tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức (đầu quân, thực thế sáng tác vào các mũi nhọn đời sống công - nông - binh, nhiều nghệ sĩ hy sinh anh dũng vì sự nghiệp văn hóa, VHNT như Trần Đăng, Thâm Tâm, Nam Cao...). Trong cách mạng và chiến tranh, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, “dĩ công vi thượng” rất cao.

Từ Đổi mới (1986) đến nay, mặt trận văn hóa ngày càng có vị thế quan trọng, được quan tâm đặc biệt và đề cao thành một trong bốn trụ cột chính trong sự nhiệp kiến quốc (chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội). Văn hóa đổi mới được nhận thức trong quan hệ biện chứng với giáo dục, được dành nhiều thời gian quan tâm và đầu tư xứng đáng (có thể lên tới 2% GDP); văn hóa đặc biệt nhận được sự cổ vũ của tinh thần khai phóng trong quyết sách, chỉ đạo thực hiện (qua ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021). Mặt khác, văn hóa dân tộc tồn tại và phát triển trong bối cảnh thế giới phẳng/mở có tính chất đa phương. Các khái niệm “công nghiệp văn hóa”,“sức mạnh mềm” đang hiện thực hóa xét theo hiệu quả kinh tế. 

Hơn bao giờ hết, nhận thức “văn hóa là hồn cốt dân tộc, là “sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững”, đã mở ra những chân trời mới cho hoạt động tinh thần của con người thời đại. Trong điều kiện mới có nhiều thuận lợi, vấn đề “nhân lực” và “vật lực” để làm văn hóa tất nhiên phải thay đổi.

Nhân lực làm văn hóa

Nhân lực nói ở đây là con người - cụ thể là văn nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, VHNT khác nhau (văn chương, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật,..). 

Hiện nay chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sỹ đông đảo (Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có đến mấy chục ngàn hội viên, hoạt động sôi nổi ở đều khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, chưa kể những nghệ sĩ hoạt động tự do không nằm trong hội đoàn nào). Nhưng trong nghệ thuật có quy luật khắt khe, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, không chừa ai. Nếu về mặt xã hội chúng ta thường nói “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, thì trong lĩnh vực văn hóa, VHNT sự bình đẳng ấy cũng không có ngoại lệ. Nhìn kỹ hơn vào một hội nghề nhiệp cụ thể - Hội Nhà văn Việt Nam, hiện có hơn 1.200 hội viên (một con số biết nói); dân gian gọi vui đây là “hội người già” (tuổi trung bình trên 60). 

Trong sự hài hước dân gian ấy phảng phất sự đắng đót về nhân lực sáng tạo văn chương. Chính vì thế, BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (Nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đặc biệt quan tâm tới “văn trẻ”. Khẩu hiệu của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (dự định tổ chức vào tháng 12/2021, tại Thành phố Đà Nẵng, phải hoãn vì lý do đại dịch COVID-19) giương cao khẩu hiệu “Vì sao chúng ta viết?”. Nhưng từ chính cương (chiến lược) đến thực thi (chính sách) là cả một khoảng cách. 

Ngày nay, có một thực tế là người trẻ tuổi không thực sự mặn mà làm văn hóa, VHNT. Vì sao? Vì rất nhiều lý do trong đó có lý do nếu chọn con đường/nghiệp hơn nghề này để dấn thân và nhập cuộc thì gian lao khổ ải là nhiều, may mắn và thuận lợi là hiếm gặp. Nên ít người nặng lòng và thủy chung với một công việc đều “vô tiền”, nhưng không “khoáng hậu”.

Trong vấn đề nhân lực làm văn hóa có một thực trạng không mấy lạc quan: Những cán bộ được cấp trên điều động/bổ nhiệm làm công tác quản lý văn hóa thường có mặc cảm thua thiệt so với đồng chí của mình trong các lĩnh vực tổ chức nhân sự, giáo dục, đối ngoại, kinh tế, pháp luật...Thêm vào một lý do nữa - điều có thể coi là then chốt - những cán bộ làm quản lý văn hóa không phải ai cũng được đào tạo và trang bị vốn văn hoá đầy đủ và tinh thông để chấp chính công việc, đôi khi chỉ như là “tay ngang”. 

Tất cả những nguyên nhân sâu xa trên, theo chúng tôi, khiến cho vấn đề“nhân lực văn hóa” hiện nay rơi vào tình trạng bối rối, không dễ bề tháo gỡ ngày một ngày hai. Ai đó nói, phải có thời gian, phải kiên nhẫn chờ đợi đồng chí của mình...Không có gì là không đúng. Nhưng chờ đợi thời gian bao lâu thì không ai quả quyết trả lời.

Vật lực làm văn hóa

Nhân lực tình trạng đã như vây, còn vật lực làm văn hóa thì như thế nào? Không bi quan, cũng không lạc quan tếu, có thể nói ngay “thiếu và yếu”. Như trong điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy - khi dư luận xã hội lên tiếng phê phán về trào lưu “Việt hóa” phim nước ngoài thì người trong cuộc thanh minh bằng cái gọi là “giải pháp tình thế” (bởi liên quan đến “vấn đề đầu tiên”- tiền đâu?). Thoạt nghe có vẻ có lý, có tình. Nhưng suốt mười ngàn ngày (1945-1975) cách mạng và kháng chiến, chúng ta không có nhiều tiền, song le nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, không hề tụt hạng. Mặt khác cũng cần hiểu rõ hơn và công bằng hơn khi đánh giá, có những ngành nghệ thuật muốn bứt phá thì cần vật lực tương xứng (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhạc giao hưởng, điêu khắc, khiêu vũ...).

Nếu Nhà nước sắp tới tăng mức đầu tư cho văn hóa cao hơn trước, liệu tình hình văn hóa, VHNT có thể khả quan hơn? Người phương Tây có câu: “Người giàu không phải là người nhiều tiền, mà là người biết tiêu tiền”. Thật chí lý. Khi Nhà nước quan tâm và dành cho văn hóa vật lực xứng đáng thì vấn đề được đặt ra là “tiêu tiền như thế nào?” mới quan trọng. Nếu cứ theo “lối cũ ta về” (chia đều theo tinh thần bình quân chủ nghĩa) thì cuối cùng có thể người người hỉ hả. Nhưng tựu trung không có sản phẩm văn hóa, VHNT nào có chất lượng cao, thành thương hiệu, vừa đủ tiêu dùng trong nước, vừa có thể xuất khẩu tốt.

Chủ trương xã hội hóa các hoạt động sản xuất văn hóa, VHNT là đúng đắn, nếu nhìn về cả chiến lược và sách lược. Nhưng có một số ngành nghề, vẫn cần sự bảo trợ cao của Nhà nước để sáng tạo nên nhiều “bảo vật quốc gia văn hóa”.  Suy cho cùng, văn hóa là của để dành cho nhiều thế hệ, các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Pháp...đều có những thiết chế và chính sách ưu việt về vật lực văn hóa để bảo vệ và lưu tồn các giá trị tinh thần bất tử của dân tộc đó.

Khi chúng ta nhận thức “văn hóa là hồn cốt dân tộc”, là “sức mạnh nội sinh” để kiến tạo một xã hội phát triển bền vững, toàn diện thì các chính sách văn hóa hợp thời/hợp lý chính là đòn bẩy, tạo đà, bệ phóng để kiến thiết nên vật lực văn hóa trong ý nghĩa đầy đủ của khái niệm này. Chúng ta có quyền hy vọng vì đã ló rạng những điều kiện đáng lạc quan cho một tương lai văn hóa nước nhà mạnh cả về nhân lực, cả về vật lực, đưa văn hóa Việt chấn hưng/phục hưng ngang tầm với một “nền văn hiến đã lâu” (chữ của Nguyễn Trãi).

(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề khi xây dựng văn hóa trong bối cảnh hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO