Văn hóa – Di sản

Mạc Đăng Dung – võ công còn mãi

Lê Thị Dương 06/11/2023 08:52

Lần tìm lại quá khứ sẽ có nhiều vấn đề phải bàn về vương triều Mạc - một vương triều từng bị các sử gia phong kiến coi là không chính thống, là “ngụy triều” và người khai sinh ra vương triều đó - Mạc Đăng Dung từng bị coi là “nghịch thần, phản quốc”.

Nhận xét trên đây về nhân vật Mạc Đăng Dung đã phổ biến trong một thời gian khá dài, phải đến những năm cuối thế kỉ XX mới có những đánh giá lại về triều Mạc nói chung và Mạc Đăng Dung nói riêng. Dưới cái nhìn đổi mới sử học, chân dung Mạc Đăng Dung được nhìn nhận toàn diện và khách quan hơn. Và rõ ràng, không thể phủ nhận những công lao của ông đối với thành Thăng Long suốt những năm tháng thịnh trị của triều Mạc.

mac-dang-dung.jpeg
Tranh minh họa Mạc Đăng Dung.

Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão (1483) tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Xương, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông là cháu đời thứ 7 của Mạc Đĩnh Chi. Theo sử sách ghi chép, Mạc Đăng Dung vốn xuất thân trong một gia tộc danh vọng song về sau bị sa sút, rơi vào cảnh bần hàn. Ông sống bằng nghề đánh cá, dưới thời vua Lê Uy Mục từng có lần dự thi đấu vật, trúng đô lực sĩ, được sung vào chân túc vệ chuyên cầm dù theo xe vua. Từ một thanh niên “chân đất”, Mạc Đăng Dung tiến rất nhanh trên đường làm quan.

Năm Ất Sửu (1505), Mạc Đăng Dung được thăng chức Đô chỉ huy sứ. Năm Tân Mùi (1511) mới 29 tuổi đã được tấn phong tước bá, hiệu Vũ Xuyên và kết duyên cùng công chúa Ngọc Minh. Năm Bính Tý (1516), triều đình sai Đăng Dung làm trấn thủ Sơn Nam, gia phong Phó tướng Tả Đô đốc. Trải qua ba đời vua Lê, Đăng Dung được phong Thái sư Nhân Quốc công rồi đến An Hưng Vương.

Nhà Lê nhiều lần giao cho Đăng Dung cầm quân đi dẹp loạn. Những lần đó ông đều lập công lớn, góp phần bảo vệ triều đình và kinh thành Đông Đô. Uy quyền và thanh thế Mạc Đăng Dung nhờ vậy ngày một lớn mạnh. Trong khi đó, vua Lê hoang tàn, ươn hèn, triều đình rối ren, các phe phái tranh giành xâu xé lẫn nhau, đời sống nhân dân cùng cực. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai lên kinh ép vua Lê nhường ngôi. Chiếu nhường ngôi nhà Lê cho nhà Mạc có đoạn viết: “Từ cuối đời Hồng Thuận (niên hiệu vua Lê Tương Dực, dân gọi là “vua lợn”) gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trần Cảo bắt đầu gây loạn. Trịnh Tung lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải là của nhà ta vậy. Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục. Nay theo lẽ phải nên nhường ngôi cho”...

Về sự kiện này, có khá nhiều tư liệu ghi chép, ý kiến đánh giá cũng không thống nhất, các sử gia phong kiến nhìn nhận hành động của Mạc Đăng Dung hết sức gay gắt, coi đó là một sự “sỉ nhục” và kịch liệt lên án ông. Những năm gần đây, rất nhiều nhà nghiên cứu đã đặt lại vấn đề và “giải oan” cho Mạc Đăng Dung, đánh giá cao tài năng của Đăng Dung, trong đó luôn nhấn mạnh sự ủng hộ của quần chúng đương thời đối với ông. Do vậy, việc Mạc Đăng Dung tiếm ngôi được coi là một hành động tất yếu của lịch sử khi mà nhà Lê đã rơi xuống đáy của vực sâu suy tàn.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung lập nên nhà Mạc, vẫn giữ quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (nay là Hà Nội), đồng thời cho xây dựng Dương Kinh - kinh đô riêng của nhà Mạc ở Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Kiến An, Hải Phòng). Nhà Mạc tồn tại suốt 150 năm (1527 - 1677), là một trong năm triều đại có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Gần một nửa thời gian, các đời vua nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long (65 năm), đây là giai đoạn hưng thịnh nhất của triều đại này, 85 năm còn lại đóng đô ở Cao Bằng, cũng là thời kì nhà Mạc đi dần đến suy vong. Mạc Đăng Dung ở ngôi ba năm rồi nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh, lui về Dương Kinh làm ngoại viện và tự xưng là Thái thượng hoàng. Trên thực tế, mọi việc chính sự vẫn do ông quán xuyến. Năm Canh Tý (1540), Mạc Đăng Doanh mất, Mạc Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên nối ngôi.

65 năm định đô tại Thăng Long, nhà Mạc, đặc biệt là ba đời vua đầu tiên: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Diện mạo thành Thăng Long thời kì này đã có những đổi thay quan trọng.

Sau khi lên ngôi, bên cạnh việc kế thừa toàn bộ luật pháp, định chế xã hội của nhà Lê, Mạc Đăng Dung đã có những điều chỉnh nhất định để phát triển triều đại, trước hết là điều chỉnh về binh chế, điền chế và lộc chế; cho đúc tiền bằng kim loại (tiền “Minh Đức thông bảo”) để thuận tiện trong mua bán, trao đổi.

Về triều chính, ông cho tổ chức lại bộ máy nhà nước, tuyển lựa người tài của triều Lê có ý trung thành với nhà Mạc, và đưa người hoàng tộc vào làm việc trong bộ máy chính quyền.

Cùng đó, ông lập ra Hàn lâm viện nhằm thực hiện các công việc chép sử, viết chiếu cho vua và đào tạo đội ngũ quan lại.

Chính sách đối nội của Mạc Đăng Dung được coi là rất khôn khéo. Ông cũng là vị vua rất quan tâm đến giáo dục và có nhiều nỗ lực chấn hưng văn hóa nước nhà sau một thời gian dài chìm đắm trong sự tăm tối của thời cuộc “vua quỷ, vua lợn”. Mạc Đăng Dung mở ra một cơ quan chuyên lo việc học hành của con cháu hoàng thân, lập lại Quốc Tử Giám để phát triển nền văn hiến. Năm 1529, ông cho tổ chức thi Hội và cho dựng bia đá lưu danh những người trúng tuyển.

Về các phương diện chính trị, quốc phòng, Mạc Đăng Dung đều xây dựng được những bộ phận mang tính “chuyên môn” đảm đương các công việc khác nhau. Mạc Đăng Dung và hai đời vua sau (Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải) chủ trương chú trọng nông nghiệp đồng thời khuyến khích giao thương. Việc buôn bán trong nước được đẩy mạnh, trong các văn bia thời Mạc đã ghi rõ những hoạt động xây cầu, lập chợ của các chính quyền địa phương, đặc biệt là vùng triền sông, ven biển. Các đô thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến ngày một phồn vinh, đời sống nhân dân được cải thiện.

Về tôn giáo, nhà Mạc cho xây dựng nhiều đình, đền, chùa nhằm phá vỡ vị trí độc tôn của Nho giáo, thúc đẩy tự do tín ngưỡng tôn giáo. Việc làm này của nhà Mạc không chỉ góp phần rộng mở về mặt tư tưởng mà các đình, đền được dựng lên vào thời kì đó đã mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc đình làng và nền văn hoá làng xã trong các thế kỉ tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của quần chúng, vương triều Mạc cũng phải đối phó với những sự chống đối quyết liệt từ các phe phái dưới danh nghĩa phù Lê, từ nhà Trịnh ở Thanh Hóa và cả từ phía nhà Minh. Nhưng với những cải cách và đường lối ngoại giao khéo léo, Mạc Đăng Dung và triều đình nhà Mạc đã đưa đất nước tránh được cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc cũng như bình ổn tình hình trong nước, thúc đẩy nền kinh tế ổn định và phát triển.

Dù bị các sử sách phong kiến miệt thị, song thực tế, Mạc Đăng Dung rất được lòng dân, không những thế, đương thời ông còn tập hợp được quanh mình nhiều trí thức lớn như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Kế Giáp Hải...

Về sự việc Mạc Đăng Dung đầu hàng, cắt đất cho nhà Minh cũng có nhận định trái chiều nhau. Một số sử gia lên án gay gắt hành động này, số khác coi đó là chính sách khôn khéo, nhằm tránh việc nhà Minh kéo quân vào Đại Việt. Danh nho Nguyễn Văn Siêu cho rằng: “Nhà Mạc trả lại cho nhà Minh đất cũ đã lấn, không phải là cắt đất để đút lót vậy”. Trong khi đó, học giả lại tỏ ra hết sức phẫn nộ: “Đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc” (Việt Nam sử lược)... Sau này, nhà sử học Trần Quốc Vượng xác định: “Tất cả ứng xử của nhà Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ với Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thật sự” ... Chính sử nhà Minh cũng phải thừa nhận rằng Mạc Đăng Dung chỉ “dâng” những cái tên đất không chứ đâu có đất thực; hoặc là vốn là đất của Trung Quốc rồi chứ đâu phải là đất Việt mới cắt sang” (1991)...

Ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu 1541, Mạc Đăng Dung qua đời, chôn cất ở Long Sơn, mộ hiệu là An Lăng, thụy là Nhân Minh Cao Hoàng Đế, miếu hiệu Thái Tổ.

Nhìn nhận một cách khách quan, rõ ràng vương triều Mạc do Mạc Đăng Dung sáng lập đã có nhiều cải cách tiến bộ trên mọi lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, chấn hưng văn hóa, làm thay đổi diện mạo thành Thăng Long và lịch sử Đại Việt. Hai mươi năm đầu của triều Mạc là thời kì thịnh vượng, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử nước nhà suốt thế kỉ XVI. Sử cũ tuy tỏ ra rất gay gắt với Mạc Đăng Dung song cũng phải công nhận khi Mạc Đăng Dung về Thăng Long “chuẩn bị cướp ngôi, nhân dân đều ra đón”. Chính Lê Quý Đôn dù rất căm ghét nhà Mạc cũng không phủ nhận tài năng quân sự của Mạc Đăng Dung. Uy tín của cha con Mạc Đăng Dung còn được đời sau nhắc đến: “Cái đức chính của đời Minh Đức (1527-1530), Đại Chính (1530-1540) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên vận trời đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết” (Phạm Đình Hổ - Vũ trung tùy bút). Cho đến nay, công trạng và những hạn chế của Mạc Đăng Dung cùng những cứ liệu lịch sử về ông cũng như vương triều Mạc vẫn là đề tài được nhiều người quan tâm./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mạc Đăng Dung – võ công còn mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO