Sở VH-TT Hà Nội trao Giấy khen cho tập thể và cá nhân của CLB Chèo tàu Tân Hội. |
Tại buổi lễ, ông Ngô Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (Đan Phượng) cho biết, Chèo tàu Tổng Gối (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) là nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng Đồng bằng Bắc Bộ và là di sản mà người dân Tổng Gối xưa sáng tạo.
Trải qua 300 năm, những làn điệu Chèo tàu Tổng Gối vẫn còn lưu giữ và lưu truyền nguyên vẹn đến ngày nay. Để đạt được kết quả đó, trong suốt 20 năm qua, CLB Chèo tàu Tân Hội (thành lập vào ngày 28-5-1998) đã làm tốt công việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản này. Ngay khi vừa thành lập, CLB đã tập hợp các thanh thiếu niên trong xã, tổ chức khóa học giảng dạy, truyền đạt cách hát Chèo tàu, tổ chức các hội hát Chèo tàu để người dân giao lưu và hiểu hơn về di sản.
Theo ông Ngô Văn Mạnh, Chèo tàu có 76 năm gián đoạn, không tổ chức được hội hát (từ năm 1922 đến 1998) do chiến tranh vì thế việc thu thập lưu giữ và truyền bá, vận động người tham gia gặp vô vàn khó khăn. Vì thế, những nỗ lực tìm kiếm tư liệu, lưu truyền và phát huy giá trị của di sản Chèo tàu mà CLB Tân Hội làm được là thành quá đang ghi nhận.
CLB Chèo tàu Tân Hội đến nay đã phát triển được 200 hội viên với 6 khóa học được mở. Mỗi lớp học được mở ra thu hút được khoảng 30 – 35 học sinh là con em của người dân Tân Hội.
Chèo tàu Tổng Gối - Tân Hội (Đan Phượng) đã thực hiện tốt việc giữ gìn, phát huy di sản khi tìm kiếm nhiều tài năng trẻ (ảnh sưu tầm). |
Chèo tàu hiện nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, được Sở VH-TT Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Phòng Văn hóa huyện Đan Phương sưu tầm, khai thác và bảo tồn. Các bài hát đã được ghi vào băng đài, diễn xướng được lưu lại bằng ảnh màu và video lưu trữ. Tuy nhiên, việc bảo quản này hiện đang gặp không ít khó khăn do công nghệ lưu giữ vẫn chưa đáp ứng được, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và những người yêu di sản văn hóa.
Tại lễ kỷ niệm, Sở VH-TT Hà Nội trao Giấy khen cho 4 cá nhân, 1 tập thể của CLB Chèo tàu Tân Hội vì đã có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Chèo tàu. Sở VH-TT Hà Nội cũng trao gần 300 cuốn sách nghệ thuật trình diễn Chèo tàu cho cộng đồng để làm tư liệu lưu trữ, tuyên truyền giới thiệu di sản.