Văn hóa – Di sản

Huế đón Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO, khánh thành điện Thái Hòa và động thổ phục hồi điện Cần Chánh

Hà Oai 09:02 24/11/2024

Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”, Công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và Động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”.

Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”

Ngày 23/11, tại sân Đại triều điện Thái Hòa - Đại nội Huế (TP Huế) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”, Công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và Động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”. Sự kiện được tổ chức nhân dịp 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024).

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương… Buổi lễ bắt đầu bằng chương trình tái hiện tinh hoa văn hóa cung đình triều Nguyễn với nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa là dâng biểu mừng hoàn thành điện Thái Hòa và ban thưởng của triều đình đã mang đến không gian uy nghi, trang trọng của một triều đại huy hoàng.

Video tái hiện nghi lễ thiết triều tại sân điện Thái Hòa.
z6061863215752_71082f7a221372ab4d25cd56a3e67f4a.jpg
Nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa.

Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 – 1837 và được đặt trước sân Thế Tổ Miếu nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế thể hiện trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu Đỉnh cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu Đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến mà hình ảnh kênh Vĩnh Tế trên Cao Đỉnh là một minh chứng rõ nét. Ông Nguyễn Văn Thoại khi làm chức Trấn thủ Vĩnh Thanh đã trực tiếp chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế hà) dài hơn 87km trải hơn 5 năm (từ 1819 - 1825) tạo nên một cột mốc quan trọng trong lịch sử giao thông, thương mại, biên phòng cũng như về trị thủy ở vùng đất Nam Bộ. Trong thời gian đào kênh đầy gian truân, bà Châu Thị Vĩnh Tế (quê ở Vĩnh Long, vợ của Thoại Ngọc Hầu) đã tận tụy giúp chồng chăm lo đại sự, những lúc chồng bận việc công cán thì bà Châu Thị Vĩnh Tế đã thay chồng đôn đốc và giám sát việc đào kênh, sau khi công trình này hoàn thành và cảm phục trước công sức khó nhọc của bà Châu Thị Vĩnh Tế vua Minh Mạng đã lấy tên của bà để đặt tên cho con kênh là kênh Vĩnh Tế.

z6061904908982_eb5455fbd2b7a5abf7a6b0fb08d5289a.jpg
Trao Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, dù đã trải qua gần 200 với bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn còn vẹn nguyên tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông.

Hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hoà”

Trong sự kiện ngày hôm nay (23/11), Thừa Thiên Huế chính thức công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”. Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế.

hie04873.jpg
Nghi thức hoàn thành "Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa".

Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805 với thiết kế theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau) với diện tích mặt bằng là 1.360m2. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832 và đến năm 1833 hoàn thành. Sau hàng trăm năm tồn tại, điện Thái Hoà đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử và đã 22 lần trùng tu nhưng dưới tác động của thời gian, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải cứu nguy.

Trước thực trạng đó, Dự án đã được khởi công theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND và Quyết định số 1491/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 23/11/2021 khởi công Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, với nỗ lực lớn của tập thể đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản, Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà đã về đích trước thời hạn 9 tháng.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa bao gồm nhiều hạng mục như bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống kết cấu chịu lực bằng gỗ, hệ mái, tường và nền, bảo quản, tu bổ, phục hồi chi tiết các trang trí ngoại thất và nội thất công trình. Qua ba năm triển khai, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tuân thủ đầy đủ các quy trình khoa học, từ khảo sát, nghiên cứu đến thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản tối đa yếu tố gốc của di tích, quyết tâm gìn giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ và phải đảm bảo sự bền vững trong kỹ thuật và tôn vinh giá trị mỹ thuật truyền thống.

z6062269106337_756130a959417e6e8d3d64e0e857611d.jpg
Đại biểu tham quan điện Thái Hòa.
z6062269320998_40268e0706e4a788c9ec6c91db295c6a.jpg
Tái hiện nghi lễ thiết triều tại sân điện Thái Hòa.

Theo đánh giá chung, công tác bảo tồn, tu bổ điện Thái Hoà đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn di tích. Hơn 20 năm trước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (khi đang là Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thông tin) đã từng nhận xét về công cuộc bảo tồn di sản ở Huế bằng những hình ảnh rất ấn tượng với đại ý như sau “hàng ngày chúng ta đã và đang chứng kiến những người thợ không quản mưa nắng, nhọc nhằn, vất vả để giành giật từ thần mưa, thần gió, thần sấm, thần chớp… từng centimet vuông di sản ở cố đô”. Công cuộc bảo tồn di sản ở Huế hiện nay, những người thợ, những người nghệ nhân trên công trường vẫn là người trực tiếp, thay mặt hiện tại để đối thoại cùng quá khứ nhằm trả lại cho thời gian những giá trị chân xác mà chính thời gian, thời tiết, thiên tai đã bào mòn, hủy hoại.

Phục hồi điện Cần Chánh

Điện Cần Chánh là nơi vua làm việc hàng ngày được xây dựng vào năm 1804 và là nơi tổ chức lễ Thiết Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng, tổ chức các lễ Nguyên Đán, Vạn Thọ Đại khánh cũng như yến tiệc vào các dịp khánh hỷ. Tháng 2/1947, điện cần Chánh bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại phần nền móng.

Trải qua hơn 60 năm nghiên cứu, đặc biệt từ giai đoạn năm 2000 – 2024 công cuộc nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tư liệu có giá trị từ các thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, các chuyên gia của UNESCO và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, công cuộc nghiên cứu đã có đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai dự án phục hồi điện Cần Chánh.

Dự án “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh” (Đại nội Huế) có kinh phí gần 200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong 4 năm. Dự án sẽ nỗ lực tu bổ, phục dựng lại tổng thể kiến trúc nội ngoại thất và cảnh quan của điện Cần Chánh với tính chất tiệm cận với nguyên bản.

z6062269106313_687266a0beb6242e595979002cd3d8e3.jpg
Nghi lễ động thổ dự án “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa chính trị của xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945). Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam, minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô. Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng, được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hoá của nhân loại đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.

z6062269213454_c954b3622febe17722a86c34a06c4c33.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, việc Thừa Thiên Huế chính thức công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh” đã chứng minh, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương trân trọng cảm ơn Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), sự chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Quốc gia và các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân… đã quan tâm, hỗ trợ tích cực cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn, quảng bá di sản thời gian qua. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát huy hiệu quả, đưa Huế phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, tôi rất vinh dự được có mặt cùng quý vị trong ngày hôm nay tại TP Huế, chúng ta ở đây để cùng kỷ niệm di sản “Cửu đỉnh bằng đồng tại Đại nội Huế” được ghi danh là di sản tư liệu UNESCO. Di sản tư liệu của thế giới chính là di sản của tất cả chúng ta, các di sản đó cần được gìn giữ và bảo tồn một cách toàn vẹn và được tiếp cận một cách vĩnh viễn, được công nhận một cách đúng đắn về các hoạt động thực hành văn hóa và tính thiết thực của văn hoá đó, được dành cho tất cả công chúng và không có sự cản trở.

z6062269213436_00f7748799da1fec9b4028a3bb4c0c2a.jpg
Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 8/5/2024, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tại Ulaanbaatar (Mông Cổ) “Chùm phù điêu Cửu đỉnh đồng tại Đại nội Huế” của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Sự công nhận danh giá này đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên con số mười, trong đó có ba di sản tư liệu thế giới và bảy di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết thêm./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026
    Sáng 9/12, tại trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
  • Bắn súng Việt Nam dành 2 Huy chương Vàng ở giải vô địch Đông Nam Á
    Giải vô địch bắn súng Đông Nam Á 2024 diễn ra từ ngày 5 đến 14-12, tại Philippines, thu hút hơn 150 vận động viên, huấn luyện viên của 7 quốc gia tranh tài. Đội tuyển bắn súng Việt Nam có 3 cán bộ đoàn, 2 huấn luyện viên và 10 xạ thủ tranh tài cả 2 nội dung là bắn đĩa bay trap và skeet.
Đừng bỏ lỡ
Huế đón Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO, khánh thành điện Thái Hòa và động thổ phục hồi điện Cần Chánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO