Văn hóa – Di sản

Đệ trình Cửu Đỉnh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Hương Giang 07/05/2024 20:39

Đệ trình công nhận "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10 tại Ulaanbaatar (Mông Cổ).

hoi-nghi-toan-the-lan-thu-10-tai-ulaanbaatar-mong-co-.jpg
Hội nghị toàn thể lần thứ 10 tại Ulaanbaatar, Mông Cổ (ảnh: Di tích Huế).

Ngày 7/5, thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Uỷ ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) phối hợp với Bộ Văn hóa Mông Cổ và Ủy ban Quốc Gia UNESCO Mông Cổ tổ chức khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 10 tại Ulaanbaatar (Mông Cổ) vào ngày 7/5.

Theo đó, hội nghị diễn ra từ ngày 6 - 10/5/2024 tại Khách sạn Best Western Premier Tuushin (Ulaanbaatar, Mông Cổ) có 80 đại biểu quốc tế đến từ 23 nước trong khu vực và khoảng 30 đại biểu từ các ban ngành Trung ương, các địa phương của các nước có di sản tư liệu thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được công nhận đến dự. Sau khai mạc là các phiên họp chính thức của MOWCAP (từ sáng 7 - 8 /5/2024) để đánh giá kết quả hoạt động của MOWCAP gồm xem xét đánh giá các chương trình hoạt động được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9, tóm tắt các hoạt động và dự án, chương trình trọng điểm do Mowcap thực hiện, tóm tắt các hoạt động, dự án và chương trình quan trọng của các văn phòng UNESCO ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tóm tắt các dự án và chương trình chính được thực hiện trên toàn cầu, phát động và báo cáo hoạt động của Trung tâm di sản Tư liệu Quốc tế (ICDH) của UNESCO, báo cáo về chương trình tài trợ của ACC – MOWCAP, thông qua bộ hướng dẫn mẫu đăng ký hồ sơ sửa đổi và bộ quy tắc nghề nghiệp, các báo cáo của các Ủy ban Quốc Gia Chương trình Ký ức thế giới và ủy ban Quốc gia UNESCO về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị toàn thể lần thứ 10 sẽ xem xét 20 hồ sơ đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương để công nhận năm 2024. Hồ sơ "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" (Cửu Đỉnh – Hoàng cung Huế) của Thừa Thiên Huế và duy nhất của Việt Nam sẽ được bảo vệ trong ngày 8/5/2024, đệ trình công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cửu Đỉnh (9 đỉnh) đặt ở sân Thế Miếu trong Hoàng Thành Huế được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thời vua Minh Mạng. Cửu Đỉnh biểu thị ước mơ về sự trường tồn mãi mãi của triều đình nhà Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước.

cuu-dinh-hoang-cung-hue-.jpg
Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế (ảnh: Di tích Huế).

Giá trị của Cửu Đỉnh nằm ở tầm vóc to lớn và trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công Phường Đúc (TP Huế). Chiếc cao nhất tới 2,5m và thấp nhất 2,3m, chu vi vòng lưng từ 4,64m tới 4,72m, trọng lượng chiếc nặng nhất 2061kg và chiếc nhẹ nhất 1935kg. Về mỹ thuật, mỗi đỉnh có 17 bức hình chạm nổi chủ đề về trời biển, núi sông, chim, cá, hoa, quả và binh khí (những danh thắng, sản vật nổi tiếng của Việt Nam). Tất cả có 153 mảng hình trên Cửu Đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta đầu thế kỷ XIX.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đệ trình Cửu Đỉnh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO