Văn hóa – Di sản

Lương Văn Can – lá cờ đầu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Nguyễn Thanh Tùng 19/11/2023 17:01

Lương Văn Can (1854 - 1927), tên chữ là Hiếu Liêm và Ôn Như, tên hiệu là Sơn Lão, quê ở làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội).

luong-van-can.jpg
Danh nhân Lương Văn Can.

Lương Văn Can sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng có truyền thống hiếu học và yêu nước. Thuở nhỏ, để mưu sinh và theo đuổi con đường học hành, Lương Văn Can từng làm nghề thợ sơn. Năm 1871, ông đỗ Tam trường kì thi Hương. Năm 1874, ông đỗ Cử nhân, chuẩn bị vào Huế tham dự kì thi Hội thì thân phụ mất, ông đành ở nhà chịu tang, bỏ dở sự nghiệp khoa cử. Người đương thời thường gọi ông là “cụ cử Can”. Hết tang, triều Nguyễn bổ ông làm Giáo thụ phủ Hoài Đức (Hà Nội), nhưng ông không nhận. Sau đó, thực dân Pháp lại đề cử ông vào chức ủy viên Hội đồng Thành phố Hà Nội, ông cũng kiên quyết khước từ, ở nhà dạy học. Năm 1879, Lương Văn Can mở trường dạy học tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Tháng 3 năm 1907, ông cùng một số nhà Nho yêu nước thành lập Đông Kinh nghĩa thục và giữ chức Thục trưởng (tức Hiệu trưởng), tham gia Ban tu thư và trực tiếp giảng dạy. Tháng 11 năm 1907, Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, cấm hoạt động, Lương Văn Can phải từ chức. Năm 1908, nhân vụ lính Pháp bị đầu độc ở Hà Nội, Lương Văn Can và một số đồng chí bị bắt giam. Tuy nhiên, do không khai thác được gì, thực dân Pháp đành phải thả tự do cho ông. Năm 1913, xảy ra vụ đánh bom ở khách sạn Hà Nội, thực dân Pháp nghi Lương Văn Can có liên quan nên bắt lại và kết án biệt xứ, đày đi “an trí” ở Phnômpênh (Campuchia). Trong thời gian ở Phnômpênh, ông cùng con gái, con dâu lập nhiều cửa hiệu, phối hợp với vợ ở Hà Nội và một số thương nhân ở Sài Gòn, thiết lập đường dây buôn bán xuyên quốc gia Việt Nam - Campuchia. Có thể nói, đó là những “công ty xuất nhập khẩu” đầu tiên của thương nhân Việt Nam. Năm 1921, Lương Văn Can được tha về Hà Nội. Về lại Hà Nội, ông tiếp tục mở trường Ôn Như, vừa dạy học vừa chuyên tâm soạn sách cổ vũ “tân học”. Ngày 13 tháng 6 năm 1927, ông mất tại Hà Nội. Trước khi qua đời, Lương Văn Can còn thống thiết dặn lại hậu thế trong di chúc: “Hết thảy đồng bào xin nhớ lấy sáu chữ, ai ai cũng có một lòng ấy, đời đời cũng giữ một sự ấy... Đại Việt ta có thể mở mặt ở trên địa cầu được chăng. Sáu chữ là gì? Là: “Bảo quốc hồn, tuyết quốc sỉ” (Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước). Sáu chữ ấy thật là một cái hộ phù cứu nước rất linh, rất mạnh, không gì hơn nữa”...

Ngay từ thời trẻ, Lương Văn Can đã tỏ ra là một người có khí phách và giàu lòng yêu nước. Tương truyền, ông có một người thầy cũ tham gia phong trào yêu nước chống Pháp, bị chém bêu đầu ở phủ Hoài Đức. Môn đồ của người này không ai dám xin thi hài về chôn cất vì sợ liên lụy. Riêng Lương Văn Can đã khảng khái dâng sớ xin. Triều đình nhà Nguyễn đã chấp nhận lời thỉnh cầu và ban khen ông là người có nghĩa khí. Khí phách và lòng yêu nước của Lương Văn Can được thể hiện rõ nhất qua phong trào Đông Kinh nghĩa thục mà ông chính là một yếu nhân tham gia sáng lập, điều hành và trực tiếp giảng dạy.

Là một trí thức, một công dân, đứng trước hoàn cảnh đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị thực dân đô hộ, Lương Văn Can đã lựa chọn cho mình con đường đấu tranh chủ yếu bằng tri thức, giáo dục và tinh thần “tự cường dân tộc”. Tiếp nối đường hướng của các trí thức Nho học cuối thế kỉ XIX như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ,... Lương Văn Can chủ trương tự cường dân tộc, canh tân đất nước. Ông đã để tâm nghiên cứu, học hỏi trước tác của các nhà tư tưởng tiến bộ trên thế giới như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc), Voltaire, Montesquieu (Pháp), Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) (Nhật Bản), v.v... nhằm thực hiện ý tưởng đó. Tiếp thu bài học về sự thành công của cuộc cải cách Minh Trị (Mei-ji) ở Nhật Bản, ông cùng bạn bè, đồng chí dần dần hình thành ý tưởng thành lập một trường học kiểu mới, mô phỏng trường Khánh Ưng nghĩa thục (Keio Gijuku) của Phúc Trạch Dụ Cát lập ở Nhật Bản, mong muốn làm cuộc cách mạng về xã hội - văn hóa, củng cố niềm tự hào dân tộc, nâng cao dân trí cho người dân và cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp của họ. Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời với mục đích đó. Trường không thu tiền của người học mà dựa vào sự đóng góp tự nguyện của các hội viên, học sinh và những người hảo tâm. Ban đầu trường được đặt ngay tại nhà của Lương Văn Can, nhưng sau đó, do quy mô trường ngày càng lớn nên phải mở rộng thêm sang số 10 phố Hàng Đào, sau đó mở ra các làng xã ở Hà Nội với 4 cơ sở, gồm: Canh, Tây Mỗ (huyện Hoài Đức), Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Tân Hội (huyện Đan Phượng). Thành viên chính của phong trào gồm Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Đặng Kinh Luân, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Hoàng Tăng Bí,... Mục đích của phong trào Đông Kinh nghĩa thục là bài trừ tư tưởng Nho giáo, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ Quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục, báo chí, tuyên truyền, cổ động; chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển công thương,.... Để thực hành tư tưởng đó, đồng thời cung cấp tài chính cho nghĩa thục và ủng hộ phong trào Đông du, một số thành viên của nghĩa thục đã mở các hiệu buôn ở Hà Nội như Đồng Lợi Tế, Tụy Phương, Hồng Tân Hưng, Công ty Đông Thành Xương... Bản thân gia đình Lương Văn Can cũng có mấy hiệu buôn riêng, đóng góp một phần tài chính không nhỏ cho nghĩa thục. Cũng từ đây, tư tưởng coi trọng thương nghiệp của Lương Văn Can nảy nở. Trong sách Thương học phương châm (1928), ông từng chỉ ra thực trạng đất nước, đặc biệt phân tích sâu sắc sự yếu kém của thương nghiệp và thương giới Việt bao gồm 10 điểm sau: Người mình không có thương phẩm; Hai rằng không có thương hội; Ba là không có tin thực; Bốn rằng không có kiên tâm; Năm rằng không có nghị lực; Sáu là không biết trọng nghề; Bảy là không có thương học; Tám rằng kém đường giao thiệp; Chín rằng không biết tiết kiệm; Mười rằng khinh nội hóa... Đó cũng là động lực thôi thúc ông sau này bỏ công soạn các sách chuyên về thương nghiệp rất có giá trị. Tiếng tăm của phong trào Đông Kinh nghĩa thục nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, v.v... Ở các tỉnh này, các nghĩa thục, các hội ái hữu, tương tế cũng được thành lập theo phương châm, chương trình hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục. Nhiều nơi, phong trào còn biến thành các cuộc đấu tranh trực diện với bọn thực dân và bè lũ tay sai. Mặc dù tồn tại không lâu, nhưng phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã có tác động mạnh mẽ, dài lâu đến quốc dân, đồng bào, thổi luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội đang trì trệ lúc bấy giờ, thức tỉnh tinh thần yêu nước, kích thích tinh thần đổi mới, “tự cường dân tộc”, chấn hưng đất nước. Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò rất lớn của Lương Văn Can. Ông và gia đình đã bỏ ra nhiều tài lực, tâm lực, trí lực cho hoạt động chung, trở thành ngọn đuốc sáng, lá cờ đầu của phong trào Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỉ XX.

Gia đình Lương Văn Can cũng là một gia đình giàu tinh thần yêu nước, cách mạng. Bà Lê Thị Lễ là người vợ thủy chung, tháo vát, cũng chính là người đồng chí, đồng lòng trong suốt sự nghiệp vì nước, vì dân của ông. Bà đã hết lòng ủng hộ ông trong việc thành lập, phát triển Đông Kinh nghĩa thục, kể cả việc bán của hồi môn, sản nghiệp gia đình. Khi người con trai là Lương Ngọc Quyến bị bắt vì cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại, lúc đó chồng đang bị lưu đày, bà đã kiên cường vượt qua bao nỗi đau đớn để đứng vững và tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho chồng, cho con. Trước tòa đại hình của thực dân, bà đã từng vặn hỏi bọn quan tòa: “Con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý của gia đình và của đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn?”. Rồi bà động viên người con trai anh dũng: “Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân của nước Việt đến hơi thở cuối cùng”. Khi bà mất, Dương Bá Trạc có đôi câu đối viếng như sau:

- Tân khổ vị tông bang, tư tử vọng phu, song nhiệt lệ

(Xót đau vì giống nòi đất nước, thương con ngóng chồng, đôi hàng lệ nóng)

- Ái ưu hữu hiền trợ, thành nhân thủ nghĩa, nhất đan tâm

(Trọn lẽ lo toan bán buôn tài đảm, nên người giữ nghĩa, một lòng son)

Người con trai cả Lương Trúc Đàm (còn có tên là Lương Ngọc Liêu) cũng là một thành viên của Đông Kinh nghĩa thục, tham gia Ban Tu thư và Ban Giáo dục. Những bài giảng của Lương Trúc Đàm được tập hợp thành cuốn Nam quốc địa dư (Địa lí nước Nam). Người con trai thứ Lương Ngọc Quyến là một thành viên của phong trào Đông du, sau tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên cùng Đội Cấn (1917), đã hi sinh anh dũng khi cuộc khởi nghĩa bất thành. Vợ Lương Ngọc Quyến là Nguyễn Thị Hồng Đính cũng là một người xả thân vì nghĩa, từng sát cánh bên chồng, bên cha chồng trong hoạt động cứu nước. Người con trai thứ Lương Nhị Khanh là thành viên của phong trào Đông du, sau cũng bị bắt, đày sang Campuchia. Con trai thứ Lương Ngọc Bân là trợ thủ đắc lực cho cha khi Đông Kinh nghĩa thục bị đàn áp, nên năm 1913, ông bị thực dân Pháp xử 5 năm tù treo, phải vào Thanh Hóa dạy học. Vợ Lương Ngọc Bân là Nguyễn Thị Vân Thiềm cũng là trợ thủ đắc lực của chồng. Con gái Lương Thị Tín cũng tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục và các phong trào khác. Con gái Lương Thị Trí, con trai thứ Lương Ngọc Môn cũng tích cực cùng cha vận động cho các phong trào cách mạng yêu nước đầu thế kỉ XX. Một người con rể của ông là Nguyễn Phương Sơn cũng vì tham gia hoạt động cách mạng mà bị lưu đày... Có thể nói, gia đình Lương Văn Can là một gia đình yêu nước tiêu biểu đương thời.

Sinh thời, để phục vụ cho lí tưởng của mình, Lương Văn Can đã biên soạn và tham gia biên soạn khá nhiều công trình có giá trị như Quốc sự phạm lịch sử (Lịch sử quốc sự phạm), Ấu học tùng đàm (Bàn góp về việc học của trẻ thơ), Hán tự tiệp kính (Con đường tắt đến chữ Hán), Gia huấn (Lời dạy trong gia đình), Hạnh đàn loại ngữ (trích dịch sách Luận ngữ), Trâu thư loại ngữ (trích dịch sách Mạnh Tử), Luận ngữ cách ngôn diễn giải (Diễn giải về những lời giáo huấn trong Luận ngữ), Lương gia tộc phả (Gia phả họ Lương, ghi chép hành trạng từ thân phụ đến bản thân và các con), Kim cổ cách ngôn (Lời dạy xưa nay), Thương học châm ngôn (Châm ngôn về ngành thương nghiệp)... Ông còn tham gia biên soạn cuốn Đại Việt địa dư (1925) diễn ca thơ lục bát về 39 tỉnh Bắc Kì, Trung Kì và 6 tỉnh Nam Kì, Hán tự quốc âm (Dùng quốc ngữ ghi chữ Hán)... Các sách Luận ngữ cách ngôn diễn giải, Hạnh đàn loại ngữ, Trâu thư loại ngữ là những cuốn sách giáo khoa đơn giản, soạn ra với mục đích giúp cho các thế hệ thanh niên mới nắm bắt, kế tục được tư tưởng cơ bản của Nho giáo, từ đó ứng dụng vào thực tế đời sống với tinh thần mới. Các sách Hán tự tiệp kính, Hán tự quốc âm giúp cho người học chữ Hán được nhanh chóng, tiện lợi, góp phần bảo tồn cổ học. Cuốn Quốc sự phạm lịch sử, Ấu học tùng đàm là những sách giáo khoa nhập môn cho người mới học. Cuốn Đại Việt địa dư là cuốn diễn ca về địa lí nước Việt. Mục đích của nó là giúp cho người học nắm được khái quát địa dư nước nhà, đồng thời nắm rõ lịch sử dân tộc từ đó hình thành niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Ông đã nói rõ điều đó khi viết: Dân ta ở khắp các nơi/ Ngồi nhìn cố thổ, cảm hoài xiết bao/ Người không nghĩ trước nghĩ sau/ Tịch Đàm quên tổ nghìn thâu để cười... Các sách Gia huấn, Gia phả lại có ý nghĩa giáo dục luân lí, đạo đức, truyền thống rất sâu sắc. Các sách Kim cổ cách ngôn, Thương cổ châm ngôn... bàn về thương nghiệp lại là những tri thức, bài học về nghề có ích cho giới thương nhân và cho công cuộc chấn hưng kinh tế của đất nước thời bấy giờ. Nhiều tri thức được trình bày trong các sách này cho đến nay vẫn còn giá trị thời sự. Chẳng hạn, bàn về đạo đức kinh doanh, Lương Văn Can viết: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy. Giả dụ như người tích luỹ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép kinh doanh vậy!” (Kim cổ cách ngôn), v.v...

Lương Văn Can không có ý định lập thân bằng văn chương, mặc dù không phải không có tài. Ông để lại không nhiều sáng tác thơ ca. Nhưng tất cả các tác phẩm thơ ca của ông đều thể hiện hai nội dung chủ yếu: tinh thần yêu nước và tư tưởng duy tân. Thơ ông viết là để “khuyến khích tấm lòng trung nghĩa”: Áo cơm lộc nước đã bao lâu/ Một tấm lòng trung trả nghĩa sâu/ Mưa gió giữ gìn bền chí mãi/ Non sông gánh vác ghé vai vào Rửa hờn gia quốc theo Lê tướng/ Xong nợ công danh học Phạm hầu/ Sự nghiệp quân dân là bổn phận/ Thân này quan trọng dám quên đâu (Khuyến trung). “Trung” ở đây là trung với “non sông đất nước” chứ không phải tinh thần “trung quân” thủ cựu. Trở về nước sau 9 năm lưu đày, ông xúc động làm bài thơ Cảm tác khẳng định chí hướng trước sau như một của mình: Chín năm xa nước và xa nhà/ Lần lữa ngày qua tháng lại qua/ Buôn tính hơn thua toan mặc trẻ/ Sách vui soạn thuật tự quên già Đồng tâm thêm rộng tri giao nữa/ Quá nhãn càng nhiều kiến thức ra/ Tổ quốc trở về lòng luống những/ Ta nay nào đã khác xưa ta... Vịnh một đồng chí cách mạng, ông hết lời ca ngợi tấm lòng kiên trinh, yêu nước của người này:

Duy tân sự nghiệp vĩnh lưu phương,

Tùng Thoại anh thư xuất dị thường.

Quốc sỉ gia cừu tư tuyết,

Thiên nhai hải giác diệc trùng dương.

Liễu bồ nhược chất khinh phong lãng,

Tùng bá kiên trinh ngạo tuyết sương,

Thành bại anh hùng nan định luận,

Bách niên tâm sự tự chiêu dương.

(Vịnh Tùng Thoại)

Bản dịch thơ:

Vẻ vang sự nghiệp Duy tân,

Cô tư Tùng Thoại vĩ nhân khác thường.

Thù nhà nợ nước cưu mang,

Ven trời góc bể hiên ngang đi về.

Phận bồ sóng gió chẳng ghê,

Bá tùng tiết cả chi nề tuyết sương.

Anh hùng thành bại chuyện thường,

Một bầu tâm huyết tấm gương muôn đời.

Bài thơ viết về Tùng Thoại - một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trinh đầu thế kỉ XX - nhưng cũng có thể coi là bài tổng kết cho cuộc đời và sự nghiệp của Lương Văn Can - một người anh hùng thực sự. Đúng là “chuyện anh hùng thành hay bại khó mà bàn bạc dứt khoát” nhưng tâm sự trăm năm thì “sáng như mặt trời”.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần 20 chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hơn 3.000 người dân Thủ đô được thăm khám, sàng lọc sức khoẻ miễn phí
    Ngày 8/12, tại phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Sống khỏe mỗi ngày - Vì một Việt Nam khỏe mạnh.
  • Triển lãm "Kinh Bắc art 3"- nơi gặp mặt của hội họa miền quan họ
    Triển lãm "Kinh Bắc art 3" khai mạc vào 17h ngày 7/12 và kéo dài đến ngày 13/12 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh - 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Lương Văn Can – lá cờ đầu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO