Sự kiện & Bình luận

Luật Thủ đô (sửa đổi): 4 tác động tích cực từ chính sách Luật tới người dân và xã hội

Trung Kiên 05/09/2024 14:56

Thông qua việc đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) khi xây dựng dự án Luật, Bộ Tư pháp đã dự báo một số tác động đến doanh nghiệp, người dân và xã hội khi Luật có hiệu lực thi hành. Bộ Tư pháp cho rằng sẽ có 4 nhóm tác động tích cực của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng trên quan điểm, đó là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

luathudo-vhoa.jpg
Bộ Tư pháp dự báo sẽ có 4 nhóm tác động tích cực của của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi) đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. (Ảnh tư liệu/minh họa).

Đồng thời, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô (sửa đổi) đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô. Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), các cơ quan hữu quan bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa, phát triển các quy định của Luật Thủ đô 2012 đã được triển khai thi hành hiệu quả trên thực tiễn; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (tại các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm không quy định trùng lặp lại tại Luật Thủ đô (sửa đổi); nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 28/6/2024, bao gồm 7 Chương với 54 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Thông qua việc đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) khi xây dựng dự án Luật, Bộ Tư pháp đã dự báo một số tác động đến doanh nghiệp, người dân và xã hội khi Luật có hiệu lực thi hành. Cụ thể:

1. Việc tổ chức mô hình chính quyền giảm tầng nấc, liên thông, tinh gọn hơn sẽ giúp cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố hiệu lực, hiệu quả hơn; các hoạt động cung ứng dịch vụ công sẽ nhanh nhạy, kịp thời và giảm quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng được cải thiện theo hướng vừa đảm bảo tốt hoạt động quản lý nhà nước vừa phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội.

nhan-luc-cao.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra cú hích Hà Nội thu hút người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thành phố theo mục tiêu Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. (Ảnh minh họa).

2. Khi nhân lực chất lượng cao có thêm nhiều cơ hội sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa khu vực công và khu vực tư để thu hút người tài, qua đó các doanh nghiệp cũng phải tìm cách cải thiện môi trường, cải thiện chính sách trọng dụng nhân tài, tạo ra động lực cho sự phát triển. Khi thu hút được người có năng lực vào các vị trí việc làm phù hợp sẽ gia tăng được hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia tăng chất lượng các dịch vụ công, giúp người dân được thụ hưởng những lợi ích mang lại từ các hoạt động có chất lượng.

3. Đảm bảo nguồn lực ngân sách cho chi thường xuyên và cho đầu tư phát triển sẽ đóng góp trực tiếp cho các mục tiêu về văn hóa - xã hội của Thủ đô. Tăng trưởng kinh tế được bảo đảm vững chắc nhờ các khoản đầu tư công và nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, từ xã hội nhờ các hiệu ứng kích thích và lan tỏa từ đầu tư công cũng tạo nền tảng vững chắc để mang lại lợi ích về xã hội cho 8,5 triệu người dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt thể hiện qua các cải thiện về chỉ số: tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, số giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thủ đô...

4. Việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn nhưng không quá hai lần và mở rộng phạm vi áp dụng mức xử phạt trên địa bàn toàn thành phố đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực như văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bảo đảm tốt hơn việc ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm hành chính; các vi phạm hành chính sẽ giảm.

Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó, bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố; giảm chi phí trong việc bố trí nguồn lực, thời gian, kinh phí, con người cho việc phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời tăng thêm một phần nguồn thu cho thành phố để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về trật tự hành chính, trật tự an toàn xã hội. An ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Luật Thủ đô (sửa đổi): 4 tác động tích cực từ chính sách Luật tới người dân và xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO