Văn hóa – Di sản

Lộc biếc làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

Khôi Nguyên - Bích Vân 06/02/2024 20:53

Nghề làm hương có ở nhiều địa phương ở nước ta và Thủ đô Hà Nội góp tên với xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) - vùng đất ngoại thành lưu giữ nghề tăm hương hơn trăm năm nay. Tết Giáp Thìn 2024 đang về, đường làng ngõ xóm Quảng Phú Cầu rực rỡ hơn bởi những “đóa chân hương” hồng, đỏ, tím, xanh cùng mùi hương trầm, bạch chỉ, hoa hồi, quế chi… thoang thoảng hòa gió xuân đến với mọi nhà.

quang-phu-cau-1.jpg
Người dân Quảng Phú Cầu tất bật với nghề làm hương truyền thống khi Tết đến xuân về.

Xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn đều được công nhận làng nghề. Nhưng nghề tăm hương truyền thống chiếm 70% (khoảng 3.000 hộ dân) tại vùng đất ngoại ô của thành phố. Như nhiều làng nghề khác của Thủ đô, xã Quảng Phú Cầu bước vào “mùa vàng” khi Tết đến. Nơi này sôi động, nhộn nhịp hơn thường nhật kể từ tháng Chạp bởi tiếng máy xẻ, máy se hương, tiếng nói cười của người dân làm nghề vang lên rộn rã.

Chúng tôi đến xã Quảng Phú Cầu vào đầu tháng Chạp. Ngang qua chợ quê của xã đã thấy đào, quất “bật” lên màu Tết ở vùng đất ngoại thành. Nhưng ấn tượng hơn cả, dọc hai bên đường xã Quảng Phú Cầu đến các ngõ xóm, các khoảng đất, sân nhà, sân đình là những bó chân hương đủ sắc màu đang xòe ra đón nắng xuân. Những chiếc xe tải chở vầu, tre dùng để làm hương cũng ngược xuôi khắp lối. Hình ảnh người phụ nữ đội nón, chỉ còn lộ đôi mắt sau chiếc khẩu trang cùng đôi tay thoăn thoắt chẻ nan, phân loại nan… trong sự khẩn trương cũng không khó để bắt gặp tại Quảng Phú Cầu những ngày này.

Đào mai khoe sắc là thời điểm người dân Quảng Phú Cầu tất bật nhất với nghề làm hương truyền thống. Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Cầu Bầu, một đầu mối thu gom hương thành phẩm tại Quảng Phú Cầu cho biết, hầu hết các hộ gia đình, xưởng làm hương nơi này từ tháng Chạp đều “nóng máy” từ sáng sớm đến 7 – 8 giờ tối. Có nhiều xưởng, cơ sở sản xuất phải tăng ca, nhân công làm thêm giờ, chạy đua với thời gian để đủ số lượng giao cho khách hàng nhưng ai ai cũng vui vẻ. Thậm chí sự bận rộn dịp Tết là niềm vui với người làm nghề hương tại Quảng Phú Cầu, vì thu nhập của mọi người cũng tăng lên. Tùy theo công đoạn, độ lành nghề, trung bình người làm hương ở Quảng Phú Cầu được trả công từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày lúc làng nghề vào vụ Tết.

Bà Nguyễn Thị Mai, một công nhân sơ chế tăm hương ở thôn Cầu Bầu, tay vừa chẻ những thanh vầu, vừa hồ hởi chia sẻ, người dân nơi này làm tăm hương quanh năm nhưng Tết thì làm “mệt nghỉ”. Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, hầu như gia đình người Việt nào vào ngày Tết cũng đều thắp nén hương trên bàn thờ gia tiên. Vậy nên, trước Tết vài ba tháng, nhất là từ tháng Chạp, đơn đặt hàng tăm hương tại Quảng Phú Cầu tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Thường ngày, xã Quảng Phú Cầu tiêu thụ hàng trăm tấn vầu (nguyên liệu làm hương) từ các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến miền núi phía Bắc gồm Lạng Sơn, Bắc Kạn... đưa về địa phương.

“Không kể ngày thường hay ngày Tết, để làm ra một que hương thành phẩm phải trải qua hơn 30 công đoạn”, bà Mai cho biết thêm. Từ việc pha chế, tẩm ướp đến se sợi, nhúng que, vót tăm, nhuộm chân, se hương, làm thân hương, phơi khô… đều được làm theo quy trình chứ không thể “đốt cháy giai đoạn”. Trước kia, người dân làm thủ công nhưng hiện nay, nhiều gia đình cũng như các cơ sở sản xuất tại Quảng Phú Cầu đã đầu tư máy se hương hiện đại, giúp tăng năng suất và giảm sức người, hơn nữa que hương cũng đều và đẹp hơn. Xưa kia thường làm lúc nông nhàn, thì giờ đây, nghề tăm hương đã trở thành công việc chính đem lại thu nhập cho người dân tại Quảng Phú Cầu.

Điểm khác biệt tạo nên thương hiệu của tăm hương Quảng Phú Cầu chính là ở nguyên liệu truyền thống có trong tự nhiên như trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, rễ cây hương bài, than xoan… được đa số hộ dân sử dụng để làm hương. Cùng với bí quyết cha truyền con nối, tùy thuộc vào mỗi loại hương mà người dân Quảng Phú Cầu pha trộn với tỷ lệ thích hợp, khi que hương thắp lên có mùi thơm thoang thoảng dễ chịu và không gây dị ứng với mọi người, đồng thời cây hương cháy đều.

Có hơn 30 năm theo nghề của quê hương, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, truyền thống làm hương ở Quảng Phú Cầu, đó là làm hương không chỉ để có thu nhập trang trải cuộc sống mà còn để chuyên chở những giá trị truyền thống tâm linh tốt đẹp tới người người, nhà nhà. Chính vì điều này, người làm hương tại Quảng Phú Cầu rất cẩn thận. Mỗi mẻ hương, người dân nơi đây đều phải “check hàng” bằng cách đốt thử que hương xem có cháy đều, cháy hết không, mùi thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào. Khi các tiêu chí này được đảm bảo, người dân sẽ tạo ra những mẻ hương cả vạn que, đóng gói và đưa ra thị trường. Để rồi những mẻ hương ấy góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt trong ngày lễ, Tết.

Đáng nói hơn, từ khi đại dịch Covid-19 đi qua, Quảng Phú Cầu trở thành điểm du lịch làng nghề được nhiều người tìm đến. Ngày chúng tôi có mặt tại Quảng Phú Cầu, có các nhóm khách đến tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh “check in” tại khu trưng bày tăm hương, trình diễn nghề tại đây. Những vị khách phương xa được trải nghiệm các công đoạn làm hương, thích thú trước những bó tăm hương nhuộm màu rực rỡ, đầu tăm xòe tròn đều tạo thành những “tác phẩm nghệ thuật”.

Trong hành trình chúng tôi tới Quảng Phú Cầu những ngày cận Tết, mùi hương dịu nhẹ thoảng trong gió khiến chúng tôi xốn xang, nao nức như được “chạm” vào Tết cổ truyền của dân tộc, bên mâm cơm cúng gia tiên ngày cuối năm. Niềm vui nhân đôi bởi người làm hương tại Quảng Phú Cầu cho biết, người dân nơi đây ai ai cũng vẫn đang sống được với nghề, cùng gìn giữ và phát triển nghề ông cha để lại. Thêm nữa, nghề truyền thống của địa phương đang được khai thác để cùng phát triển du lịch làng nghề Hà Nội. Đó chính là những chồi non, lộc biếc của vùng đất làm tăm hương nức tiếng của Thủ đô ngàn năm văn hiến - Quảng Phú Cầu.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Ca sĩ Xiri “trình làng” MV đầu tay mang đậm nét phim Châu Tinh Trì
    Hà Anh cùng Vinny Vũ tổ chức đêm nhạc ra mắt ca sĩ mới của HAY Bros: Nữ ca sĩ Xiri vào tối ngày 10/12 vừa qua. Đây cũng là buổi giới thiệu tới công chúng những thành công nho nhỏ mà HAY Bros đạt được trong gần 2 năm hoạt động.
  • SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm
    Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
Đừng bỏ lỡ
Lộc biếc làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO