Ông Nguyễn Văn Thành, người thôn Bồng Mạc (xã Liên Mạc) cho biết: "Chúng tôi đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng không chỉ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bà con mà còn thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với sự phát triển chung của địa phương".
Tương tự, tại thôn Xa Mạc, 3/4 xóm cũng đã xây dựng được điểm sinh hoạt cộng đồng và đều được bố trí trang thiết bị cơ bản, bảo đảm cho nhân dân tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa và tập luyện thể dục thể thao.
Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Tình cho biết, địa phương nhận thức rõ vai trò, vị trí của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, chủ trương xuyên suốt của Đảng ủy, UBND xã là tập trung huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đồng thời, xã yêu cầu các thôn, xóm thông báo, niêm yết công khai những đóng góp của người dân để nhân dân cùng biết, cùng bàn, cùng làm, cùng kiểm tra, giám sát. "Đóng góp của người dân dù là nhỏ nhất về vật chất hay tinh thần cũng đều góp phần giúp địa phương tiến gần mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao", ông Nguyễn Văn Tình chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, ngoài nguồn lực huy động trong dân, những năm qua, xã Liên Mạc còn được huyện bố trí khoảng 125 tỷ đồng nâng cấp trường học 3 cấp, làm mới hệ thống giao thông nội đồng, đèn chiếu sáng công cộng...
Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện còn phê duyệt đề án chuyển đổi 40 mô hình sản xuất, tạo ra những vùng chuyên canh tập trung lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn... Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân xã Liên Mạc đến cuối năm 2021 đạt khoảng 56 triệu đồng/năm; xã không còn hộ nghèo.
Hiện nay, UBND huyện Mê Linh đã yêu cầu các phòng, ban chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để hoàn thành tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đưa Liên Mạc "về đích" nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.