Văn hóa – Di sản

Lê Hữu Trác – nhà y học, nhà văn, nhà thơ

Tạ Ngọc Liễn 26/11/2023 18:27

Nhà y học lớn nhất nước ta thời xưa Lê Hữu Trác cũng là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc ở thế kỷ XVIII. Lê Hữu Trác có một cuộc đời khá đặc biệt. Ông sinh năm 1720 trong một gia đình cha là tiến sĩ làm quan tới chức thị lang bộ Công được truy phong Thượng thư, quê làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

le-huu-trac.jpg
Tranh minh họa danh nhân Lê Hữu Trác.

Lê Hữu Trác là con thứ bảy nên người ta thường gọi ông là “cậu Chiêu Bảy”. Lê Hữu Trác lớn lên trong bối cảnh xã hội cuối triều Lê đầy biến động: Tại Thanh Hóa, Lê Duy Mật nổi lên. Tại Hải Dương, Sơn Tây khởi nghĩa của Quận He, Quận Hẻo làm rung chuyển triều đình. Ôm hoài bão “trị quốc, bình thiên hạ”, Lê Hữu Trác theo học binh pháp, võ nghệ rồi tòng quân và có khá nhiều chiến tích trong trận mạc. Nhưng khi nghe tin anh trai ốm chết, mẹ ông sống ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã ngoài 70 tuổi, không ai chăm sóc, ông bèn ra khỏi quân đội trở về phụng dưỡng thân mẫu. Tuy đã giã từ thanh gươm yên ngựa song cái chí muốn được vẫy vùng ngang dọc vẫn ám ảnh Lê Hữu Trác.

Thập niên ma nhất kiếm,

Phong nhẫn chính quang mang.

Sát khí hoành ngưu đẩu,

Nghiêm uy động tuyết sương...

(Mười năm mài một lưỡi gươm,

Nhọn sắc tỏa hào quang.

Sát khí ngang trời,

Oai nghiêm rung động tuyết sương)...

Con người đầy chí lập công danh ấy bỗng mắc bệnh nặng và trong mấy năm liền ông đã đấu tranh với bệnh tật, tìm thấy thuốc chữa trị, đồng thời học lấy nghề thuốc để tự chữa bệnh cho mình, chữa bệnh cho người. Lê Hữu Trác đã thành công lớn, trở thành một thầy thuốc nổi tiếng. Ông không dừng lại ở mức độ đã đạt được mà quyết tâm “làm cho hết sức mình, dựng lên một lá cờ trong y giới”. Lê Hữu Trác dành toàn bộ tâm lực 26 năm nghiên cứu, nghiền ngẫm, tổng kết kinh nghiệm, viết xong bộ sách đồ sộ về y học mang nhan đề Lãn Ông tâm lĩnh, tức Hải Thượng y tông tâm lĩnh, trong đó chứa đựng nhiều tư tưởng y học sâu sắc và cả tư tưởng triết học. Bộ Tâm lĩnh được nhiều người truyền nhau sao chép để học. Có người lập bàn thờ, thờ sống Ông già lười để tỏ lòng kính trọng và biết ơn. Không chỉ viết sách, chữa bệnh, Lê Hữu Trác còn mở trường dạy nghề thuốc, đào tạo học trò, truyền bá y đạo. Năm 1780, chúa Trịnh Sâm sai triệu Lê Hữu Trác vào kinh chữa bệnh cho chúa và cho thế tử Trịnh Cán. Trong ngót một năm ở Thăng Long, Lê Hữu Trác đã viết cuốn Thượng kinh ký sự nổi tiếng, là quyển 65 trong bộ Tâm lĩnh. Lê Hữu Trác qua đời năm 1790, thọ 70 tuổi.

Trong văn học sử Việt Nam, Lê Hữu Trác được đánh giá là một tác giả xuất sắc về văn xuôi và cả về thơ. Ở nước ta thời xưa nếu như loại hình tiểu thuyết chương hồi có quy mô lớn, không có truyền thống, thì loại hình tản văn như truyện chí, ký, lục, tùy bút... lại phát triển mạnh và có những thành tựu đặc sắc. Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác là một tác phẩm tiêu biểu nhất ở thế kỷ XVIII thuộc loại hình ký, lục (ghi việc, kể chuyện). Đọc Thượng kinh ký sự, chúng ta không chỉ thấy những người thực, việc thực cùng cuộc sống của giới quí tộc vua chúa, quan lại Việt Nam hồi thế kỷ XVIII mà còn thấy ở Lê Hữu Trác một tài năng tuyệt vời, vừa tinh tế, vừa sinh động trong quan sát, trong mô tả nhân vật, sự việc. Thượng kinh ký sự vừa có giá trị văn học lớn, vừa có giá trị sử liệu cao.

Trong Thượng kinh ký sự có ghi chép một số bài thơ của Lê Hữu Trác viết từ khi ông khởi hành đi Thăng Long đến lúc trở về Hương Sơn. Những bài thơ này là tiếng nói của một trái tim thi sĩ đích thực. Từ biệt người nhà và bạn bè đến tiễn đưa, Lê Hữu Trác lên thuyền lòng đầy xúc cảm:

Sa nhạn thân như tống,

Du ngư cấp dục truy.

Vân gian Hương lĩnh thụ,

Thái bán dĩ tà huy.

(Nhạn bay như múa thân thiết vẻ tiễn đưa,

Cá bơi nhanh muốn đuổi theo.

Cây núi Hương Sơn ở trong mây,

Quá nửa đã nhuộm bóng chiều)

Những xúc cảm nồng nàn giầu ý vị như thế thấm đậm khắp trong thơ Lê Hữu Trác. Thơ ông luôn luôn có cái đẹp thanh tú, diễm lệ của sông, núi, của gió trăng và ẩn chứa đường nét, hình vẻ của những phong cảnh trong tranh thủy mặc:

Nhất giang yên thủy tĩnh,

Khách tứ mãn quan hà.

Phong trọng chinh phàm cấp,

Sương thâm khứ nhạn tà.

Hàn sơn lai dạ khách,

Viễn phố xuất ngư ca...

(Một dòng sông nước như khói tĩnh lặng,

Ý tứ trong lòng lữ khách đầy cảnh núi sông.

No gió cánh buồm đi gấp,

Sương dày nhạn bay thấp.

Núi lạnh đêm có khách đến,

Bến xa vang lên tiếng hát dân chài)...

Dường như bài thơ nào của Lê Hữu Trác cũng có câu hay, câu lạ, hoặc về hình tượng, hoặc về lối đặt câu, đảo ngữ.

Tả cảnh phải lặn lội đi trong núi giữa trời mưa rét, Lê Hữu Trác viết:

Nam vọng thiên sơn như đại sắc,

Sầu quân khách lộ tại kỳ trung.

(Nhìn về nam nghìn ngọn núi sắc xẫm đen,

Buồn cho chàng làm khách đi đường trong chập trùng núi non đó)

Lê Hữu Trác có một bài thơ nói về mối tình lỡ dở của mình rất hay và đây có lẽ là bài thơ tình yêu độc nhất trong thơ cổ Việt Nam từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XVIII? Theo tự truyện của tác giả Thượng kinh ký sự thì khi còn nhỏ gia đình có dạm hỏi cho ông con gái một vị quan ở Sơn Nam, nhưng rồi ông phải về Hương Sơn và câu chuyện ăn hỏi trước không thực hiện được. Người con gái đau khổ thề suốt đời không lấy ai nữa và đi tu. Trong thời gian ở Thăng Long chữa bệnh cho chúa Trịnh, tình cờ Lê Hữu Trác gặp lại người cũ đã thành một bà sư già. Hai người nhận ra nhau, trò chuyện, thăm hỏi nhau, Lê Hữu Trác có ý muốn giúp đỡ bà sư già “cố nhân” xưa, song bà từ chối và chỉ mong một việc đơn giản: “Nghe nói trong Nghệ có nhiều cỗ áo quan tốt, muốn mua một cỗ”...

Lê Hữu Trác “gặp người cũ” vô cùng thương cảm, đã làm bài thư như sau:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,

Kim nhật tương khan khổ tự ta.

Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,

Song mâu xuân tận hiện hình hoa.

Thử sinh nguyện tác càn huynh đệ,

Tái thế ưng đồ tốn khất gia.

Ngã bất phụ nhân, nhân phụ ngã,

Túng nhiên như thử nại chi hà?

(Vì vô tâm thành chuyện làm nhầm lỡ cho người,

Ngày nay nhìn nhau đắng cay than thở.

Một nụ cười bao tình cảm, lệ tuôn chảy,

Hai tròng mắt đã hết xuân bỗng hiện hình hoa.

Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa,

Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.

Ta không phụ người mà người phụ ta,

Nếu phỏng như thế thì làm thế nào đây?)

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Lê Hữu Trác – nhà y học, nhà văn, nhà thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO