Văn hóa – Di sản

Lê Đình Diên – nhà giáo yêu nước

Nguyễn Đào Nguyên 13/11/2023 14:29

Lê Đình Diên (1819-1878), hiệu là Cúc Hiên, Cúc Linh, người thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội).

le-dinh-dien.jpg
Chùa Lý Triều Quốc Sư (trước kia là đền Tiên Thị) còn văn bia lưu bút tích của nhà giáo yêu nước Lê Đình Diên.

Lê Đình Diên từng theo học thầy Vũ Tông Phan (1804-1862). Ông thi đỗ Cử nhân năm Mậu Tuất, niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất (1848) và đỗ Hội nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ hai (1849). Sau đấy ông được bổ vào ngạch học quan, làm giáo thụ ở các phủ rồi đốc học ở các tỉnh. Năm 1860, ông giữ chức Đốc học tỉnh Nghệ An, làm việc ở đây năm năm và được các sĩ phu xứ Nghệ nể trọng. Năm 1865, ông được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Hà Nội. Tại đây ông có nhiều học trò thành danh, chẳng hạn Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên, thân phụ nhà chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925). Năm 1870, ông được triệu vào Huế làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám nhưng ông cáo bệnh không đi và xin nghỉ hưu. Sau đó ông mở trường dạy học tại ngôi nhà 39, phố Hàng Đậu. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Trường của ông có nhiều tên: Trường cụ Đốc Mọc, trường Cúc Hiên, trường Nghĩa Lập; là một trường đại tập, tức dạy những học sinh đi thi hương, tức học sinh đã lớn, đã qua chín, mười năm đèn sách (...). Học sinh Hà Nội và lân cận theo học khá đông. Tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được bộ vựng tập gồm những bài làm văn thuộc các thể loại của nhiều thế hệ học sinh trường Cúc Hiên. Đó là các tập: Cúc Hiên biểu tuyển (gồm 5, 6 bài biểu của các học sinh, có lời bình điểm của thầy), Cúc Hiên chiếu tuyển (gồm 5, 6 bài chiếu), Cúc Hiên luận tuyển (gồm 35 bài luận), Cúc Hiên tứ lục (gồm 81 bài chiếu biểu, văn sách làm theo thể tứ lục, từng vế 4 chữ, 6 chữ đối nhau)...”.

Đương thời Lê Đình Diên sáng tác khá nhiều thơ văn. Trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một số tác phẩm của ông như Cúc Hiên tiên sinh thi văn tập, Cúc Hiên tiên sinh văn loại, Lịch triều sử ký văn tuyển. Ông cũng có thơ văn trong các sách: Cúc Hiên thi tập, Đinh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Hà Nội thành bi ký...

Lê Đình Diên là người yêu hoa cúc. Đương thời ông có bài từ Tứ nãi (Bốn lại) với nội dung coi trọng cuộc sống bình dị và thú đọc sách cao sang. Bản dịch bài từ như sau:

Người đều đánh cá biển khơi,

Ta lại đánh cả ở nơi núi rừng.

Nơi núi rừng vốn không có cá,

Núi quanh co như thể sóng dồn.

Người đều kiếm củi đầu non,

Ta lại kiếm mãi ở mom biển ngoài.

Ngoài biển cả khảo ai ra củi?

Chỉ nhấp nhô sóng đuổi núi cao.

Người đều cày ruộng bằng trâu,

Ta lại đem bút thay trâu mà cày.

Cày bút vắng tiếng trâu hì hục,

Chữ từng hàng gấm vóc nở hoa...

Người đều miệng đọc ngâm nga,

Ta nay tâm đọc lại là phần hơn.

Tâm đọc sách không vang thành tiếng,

Mà thiên kinh vạn quyển đều trơn.

Thanh cần, tâm đắc là hơn...

Bộ sử Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn có hai lần nhắc về ông, trong đó có đoạn chép việc ông bị bọn Đồ Phổ Nghĩa (Jean Duipus) hành hung: “Quan Viện Cơ mật tâu với vua (Tự Đức): Đoàn thuyền của Đồ Phổ Nghĩa từ mùa đông năm ngoái đột nhập tỉnh Hà Nội, mượn cớ vận tải súng đạn sang Vân Nam, ngang ngược làm càn, đánh nguyên Đốc học Lê Đình Diên bị thương, bắn chết lý trưởng xã Kim Liên, ngầm chở muối gạo cho bọn phỉ Hoàng Sùng Anh”... Lúc bấy giờ Pháp cử Jean Duipus (sử cũ phiên là Đồ Phổ Nghĩa) thám hiểm sông Hồng vừa để buôn bán vũ khí sang Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời cũng là một cái cớ sâu xa khác để sau Pháp đưa Garnier ra chiếm Bắc Kỳ. Đoàn thuyền của Duipus rất ngang ngược và tỏ thái độ khiêu khích. Chúng vừa bán hàng cho bọn quân phiệt tỉnh Vân Nam, vừa bán gạo muối cho bọn phỉ cờ trắng Hoàng Sùng Anh, lại mộ thêm một số thổ phỉ rồi kéo trở về Hà Nội. Triều đình Huế phải cử Nguyễn Tri Phương ra trấn áp nhưng không làm gì được, thậm chí Duipus còn cho lính tràn lên bờ, vào các phố xá, khiêu khích, bắt một số người xuống tàu làm con tin. Theo tư liệu của Nguyễn Vinh Phúc, ngày 20 tháng 6 năm 1873 “nguyên Đốc học Hà Nội là Lê Đình Diên, nhà ở cửa ô Nghĩa Lập (nay là phố Hàng Đậu, số nhà 39) có việc đi lên Thụy Khuê. Ngồi trên võng, khi qua Chính Bắc Môn (nay là Cửa Bắc ở trên đường Phan Đình Phùng), ông thấy có hai tên Pháp người của Dupuis và một tay sai người Việt đang đi lại xem xét cửa thành. Chúng còn rút dây ra đo đạc. Lê Đình Diên thấy hành động phi pháp (vì người thường không được đo đạc thành trì) của ba tên đó, liền cho người ra nói với tên tay sai người Việt về hành động phi pháp của chúng. Tên này thông ngôn lại cho hai tên Pháp nghe và thế là cả bọn xông vào hành hung ông nguyên Đốc học. Mấy người khiêng võng vừa xúm vào gỡ cho chủ, vừa kêu cứu. Dân đổ xô tới. Ba tên bỏ chạy sau khi bắn vài phát súng chỉ thiên. Lê Đình Diên được võng về nhà, thuốc thang chạy chữa. Và thế là ngay sau đó, các trai trẻ Hà Nội được Cử nhân Ngô Văn Dạng tập hợp thành đội nghĩa sĩ trên 300 người. Họ kéo ra bờ sông chặn đánh bọn Dupuis. Khí thế của nghĩa sĩ ngút trời khiến lũ giặc phải co cụm dưới thuyền. Chỉ hai tháng sau, khi Pháp cử Garnier ra Bắc tiếp tay thì chúng mới ho he khiêu khích trở lại”...

Nhìn chung, Lê Đình Diên là một nhà sư phạm có tiếng ở Hà Nội nửa sau thế kỷ XIX, đồng thời ông cũng là một nhà yêu nước đáng trân trọng. Cần phải giới thiệu hơn nữa các trước tác văn thơ của ông cũng như sự nghiệp của ông để nhiều người được biết./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lê Đình Diên – nhà giáo yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO