Chuyển động Hà Nội

Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Hướng đến một Thủ đô kiểu mẫu

Hải Truyền 29/09/2023 08:17

Từ ngày 1/8/2008, Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới. Diện tích lớn tạo ra không gian phát triển lớn, đồng thời cũng kéo theo nhiều thách thức trong công tác quy hoạch, xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

z4736278322316_cbc8bec8b876ed7c74c1e8734e7f2345.jpg
Họp báo về Hội thảo khoa học "Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 với mục tiêu xây dựng Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đô thị năng động, có môi trường sống, làm việc tốt, cơ hội đầu tư thuận lợi. Theo quy hoạch, Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 sẽ là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Sau 12 năm các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1259/QĐ-TTg đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội trong quá trình xây dựng cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế mà trong giai đoạn tới cần có những điều chỉnh phù hợp. Trên cơ sở đó, Hà Nội tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp hiến kể của các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý vào công tác định hướng điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để giải quyết triệt để những tồn tại và hạn chế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh thời hạn trong nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cùng với tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 đồng thời với nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cũng là điều kiện tạo đột phá trong nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch, có tiếp cận đa ngành, huy động được thế mạnh nội lực và tập trung trí tuệ của Thủ đô.

Với yêu cầu đồng bộ giữa điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô thì việc tổ chức không gian diện mạo Thủ đô trong phát triển Thủ đô là vấn đề quan trọng, là bước đi đầu tiên để tích hợp yêu cầu từ tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với các đô thị đã có quá trình phát triển lâu dài như Hà Nội thì tổ chức không gian đòi hỏi phải đảm bảo phong phú, đa dạng theo vùng, khu đặc thù và các trục không gian.

Tương tự các mô hình Thủ đô đã thành công ở nhiều nước phát triển, Quyết định 1259/QĐ-TTg định hướng Hà Nội quy hoạch theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, hệ thống đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn ngăn cách bởi hành lang xanh, kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với trục hướng tâm. Bên cạnh đó là xem xét những đề xuất sáng tạo phù hợp với đặc điểm của Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy các cấu trúc không gian đã xác định chưa phát huy được như kỳ vọng, các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái chậm triển khai hạ tầng kết nối, chưa xác lập triển khai chính quyền đô thị thích hợp kịp thời.

Các khu vực xây dựng hành lang xanh (khu vực nông thôn mới) xảy ra tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, bảo tồn khu cảnh quan tự nhiên và đặc thù bị buông lỏng. Các vành đai xanh, nêm xanh chưa đúng chức năng. Một số khu đô thị mới còn phát triển cục bộ, thiếu liên kết. Các đô thị vệ tinh chưa phát triển do thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, sáng tạo.

Bên cạnh đó, áp lực từ việc gia tăng dân số nhanh cũng gây khó khăn cho việc tổ chức không gian đô thị trung tâm, việc di dời cơ sở công nghiệp bệnh viện, trường đại học… để chuyển mục đích chưa đạt kế hoạch. Khu vực Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4 chưa thu hút đầu tư, quỹ đất khai thác chưa hiệu quả.

Là một trong 3 nội dung trọng tâm trong năm 2023 của UBND TP Hà Nội, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức, sắp xếp không gian nhằm huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả để xây dựng và phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô trình Quốc hội tháng 10 tới, Hà Nội sẽ mời các nhà khoa học, nhà quản lý, trí thức, chuyên gia của các cơ quan bộ ngành trung ương, Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng và học viện tại Hà Nội tham mưu, hiến kế trong Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức vào 29/9.

Theo kế hoạch, dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung mô tả 4 điểm nhấn chính về hình ảnh Thủ đô trong tương lai.

Thứ nhất, Hà Nội là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số;

Thứ hai, Hà Nội là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; hệ thống cây xanh và mặt nước là điểm nhấn tiêu biểu của đô thị; trung tâm khoa học công nghệ - giáo dục đào tạo, chuyển đổi số của cả nước; chính quyền số, xã hội số, công dân số; người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam;

Thứ ba, Hà Nội là thành phố sáng tạo, đặc sắc, điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao, là nơi tổ chức các sự kiện quốc tế thường niên;

Thứ tư, Hà Nội là thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, của đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Từ những yêu cầu trên, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tuân thủ các quy định của các luật, nghị định liên quan. Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng đến lợi ích, sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh, bảo đảm đời sống tinh thần cho người dân.

Cùng với đó, việc điều chỉnh quy hoạch cần tính toán để đáp ứng hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư. Đồng thời, phải bảo đảm việc điều chỉnh quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên chịu tác động của quy hoạch đó, và phải thông báo công khai, minh bạch.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Hướng đến một Thủ đô kiểu mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO