Đời sống văn hóa

Kỷ vật quý của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Hà Oai 24/07/2024 06:58

Trước khi đi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất” ở chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết vội bức thư để lại cho đồng đội gửi đến mẹ già, vợ hiền và người thân của mình ở quê nhà đầy cảm động.

Kỷ vật quý của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Những ngày tháng 7/2024 cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và trong dịp này cũng có rất đông cán bộ, cựu chiến binh, người dân… khắp mọi miền Tổ quốc đến tri ân, thăm viếng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) bởi nơi đây đã từng diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, được coi là nghĩa trang không nấm mồ và là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước.

z5660771504395_e968a4701bbe5275c4ec65e906c485c9.jpg
Đoàn công tác của Tạp chí Người Hà Nội và Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Hiện nay, tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị (Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị) đang lưu giữ và trưng bày nhiều di vật, hình ảnh… của các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm nhưng xúc động hơn cả và “lấy đi nhiều nước mắt” những người đến đây chính là bức thư dài 10 trang được trưng bày trong lồng kính của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) viết và gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trước khi đi chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đang là sinh viên năm thứ 4 (khóa 13) Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đang có mối tình đẹp với một cô gái cùng quê tên là Đặng Thị Xơ. Dịp Tết Dương lịch năm 1972, anh Lê Văn Huỳnh xin trường từ Hà Nội về quê Thái Bình thăm nhà và thông báo với người yêu “Anh sắp lên đường nhập ngũ” nên đôi tình nhân trẻ tranh thủ những ngày ngắn ngủi và quyết định làm đám cưới để anh Lê Văn Huỳnh lên đường nhập ngũ.

Đám cưới của anh Lê Văn Huỳnh và chị Đặng Thị Xơ được tổ chức vào ngày 2/1/1972 ấm cúng tại quê nhà Thái Bình nhưng vợ chồng trẻ mới cưới chỉ ở bên nhau được vẻn vẹn 7 ngày thì anh Lê Văn Huỳnh lên đường nhập ngũ rồi đã ra đi mãi mãi. Trước khi hy sinh liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết vội bức thư dài 10 trang và sau này được đồng đội của anh tìm thấy trong ba lô, năm 2002 nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị bức thư được gia đình trao tặng cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Lá thư đầy dự cảm được liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với nhiều đoạn, mỗi đoạn là tâm tư, tình cảm dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ trẻ mới cưới, cho anh trai, chị dâu, cho ba mẹ vợ, cho bạn thân thủa nhỏ và cho bà con hàng xóm. Những ai đến Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị và đọc được nội dung bức thư thì sẽ khó ngăn được những dòng nước mắt…

Bức thư của của liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị lấy đi nhiều nước mắt

Nội dung bức thư là những câu chuyện cảm động về dự cảm, xác định cái chết, ngày ra đi đến với mình, là tình thương gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình và trên hết là lý tưởng “Tổ quốc là trên hết” mà không chút đắn đo do dự của người lính trẻ trước vận mệnh “ngàn cân treo sợi tóc” của dân tộc. Bức thư viết “Quảng Trị, ngày 11/9/1972. Toàn gia đình kính thương!... Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột”.

z5660778850646_58ea35413826f85f06c42dfee8207017.jpg
Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Trong thư người đầu tiên mà liệt sỹ Lê Văn Huỳnh nhắc đến trong bức thư là người mẹ “Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Bên cạnh đó, bức thư của người liệt sỹ cũng không quên viết đôi dòng thể hiện tình cảm và căn dặn người vợ trẻ nơi quê nhà “Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất… Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh…”

Đặc biệt, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh còn chỉ đường cho vợ để có thể đến đưa hài cốt của mình về “Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó…”

Toàn bộ bức thư được viết trong những ngày cuối khốc liệt nhất của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nhưng qua 10 trang thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh không hề có hình ảnh của sự sợ hãi hay bi lụy mà là niềm tin vào hòa bình, đất nước thống nhất. Với sự tàn khốc của chiến tranh, liệt sỹ Lê văn Huỳnh đã hy sinh vào ngày 2/1/1973, đúng kỷ niệm tròn 1 năm ngày cưới (sau khi viết thư được 3 tháng 20 ngày).

Sau ngày hòa bình lập lại, vào năm 2002 gia đình đi theo chỉ dẫn trong bức thư vào Quảng Trị và tất cả đều diễn ra đúng như anh mô tả, chỉ khác một chút là mộ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, chứ không phải ở thôn Nhan Biều 1 (hai thôn này nằm cạnh nhau). Rất nhiều người về với Thành cổ Quảng Trị và đọc được bức thư đã rơi lệ, đã khóc vì cảm động trước những tình cảm mà người lính dành cho gia đình, khâm phục tinh thần quả cảm, bất khuất và kinh ngạc trước sự linh thiêng của linh hồn người liệt sỹ.

Những người đọc bức thư của Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị đều không cầm được nước mắt bởi bắt gặp sự chân thành xuất phát từ sâu thẳm trái tim người lính, những lời căn dặn người thân ở hậu phương “sống trong hoà bình hãy nhớ tới anh” cũng chính là lời nhắn nhủ thế hệ hôm nay, hãy sống xứng đáng với những gì cha anh đã dày công vun đắp và anh dũng hy sinh.

z5660784341879_a90a1e4d08adde1799640c6e45898a37.jpg
Bức thư được liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè đỏ lửa 1972 chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, hàng vạn cán bộ chiến sĩ bất chấp mọi hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn giữa mưa bom bão đạn chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, máu xương các anh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trong lòng đất mẹ Thành cổ Quảng Trị anh hùng khi tuổi đôi mươi. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ (thị xã Quảng Trị) đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam./.

Bài liên quan
  • Khai mạc Lễ hội Vì hòa bình “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”
    UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao tổ chức khai mạc Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước mang lại, các cây bút trẻ thời nay - những người luôn ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của bản thân với đất nước - một lần nữa làm sống lại hình tượng đất nước trong văn chương.
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Kỷ vật quý của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO