Dưới tít bài thơ “Uống“ nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý ghi tặng bạn bè. Mặc dù tuổi đời chênh nhau nhưng tôi thường uống với các nhà thơ Quảng Bình công tác tại Hà Nội: Nguyễn Hữu Quý, Mai Nam Thắng, Trần Quang Đạo... lâu không ngồi lại “phôn” đến quán bia Đường Thành uống với nhau cho đỡ nhớ. Cũng không nhớ bao nhiêu lần uống bia với Nguyễn Hữu Quý mà “lâng lâng men Hà Nội” thấm vào tâm hồn nhà thơ, đột nhiên có cú huých “chiều rẽ vào Đường Thành” ngỡ như ngẫu hứng mà trong sự thăng hoa nhà thơ đã dựng lên “cái khung cấu trúc” khá chặt chẽ của “văn hóa bia” mà thâu nhận nhiều dáng vẻ của kết cấu mở. Này đây không gian thời gian khi gần khi xa và chứa đầy ẩn dụ, cả linh khí “địa linh nhân kiệt”: “Uống châu thổ sông Hồng/ lâng lâng men Hà Nội.../ Uống như là đang nhớ/ hồn thu thảo lung linh”. Hương sắc, hương vị của đất trời Hà Nội như dồn tụ vào diễn biến xúc cảm của Nguyễn Hữu Quý khiến bài thơ sống động hơn, có hồn, có vía: “Hiên nắng thềm mưa/ uống đất uống trời/ thảo thơm tứ quý... / Khi rót lặng im/ khi nâng ồn ã/ bạn dụ mây trắng về/ tôi bất ngờ ngẫu hứng heo may. Và quy tụ lại vẫn là cái Đẹp muôn thuở “em là chuyên đề không gì thay thế được”, với “mắt bồ câu”, với “mắt lá răm”; “uống với xinh tươi nồng nàn không làm cho thơ thất thế”. Và Nguyễn Hữu Quý đã tuyên ngôn sứ mệnh của khát vọng sáng tạo thi ca trong phụng sự cái đẹp: “hoa khôi nhiều thế kia thơ làm sao chịu chết/ thơ không còn em sẽ đẹp cho ai”. Trong dòng đời hối hả, nhịp sống căng thẳng, sức ép đô thị gấp gáp hơn, nhiều khi con người cũng cần “sống chậm lại” để suy ngẫm lại mình, để tạo cân bằng tâm lý, cần “nhàn” hơn theo hướng tích cực của thụ hưởng đời sống quanh mình “chẳng cần phải dông dài” mà sống với nhau thật hơn, nhân hậu hơn, vị tha hơn, để tạo điểm tựa chống lại “dối lừa, giả trá“ trong bon chen đố kị không ít ở cuộc đời này.
Mạch thơ trong “Uống“ của Nguyễn Hữu Quý khép mở bất ngờ, có nhiều bước ngoặt ngạc nhiên, hình ảnh mờ chồng đan xen thực - ảo “lãng đãng như gần như xa” và dẫn đến sự chuyển hóa trọn vẹn ý tưởng mang đầy tính ẩn dụ là sự được và hay của bài thơ này. Như vậy, có phải nhà thơ Nguyễn Hữu Quý “tham” quá chăng? Theo tôi, “văn hóa bia” của nhà thơ thật tinh tế: “có lúc cần thong thả/ uống mấy cốc xuân - hạ thu - đông...”. Với anh “sau cốc vàng rượi như sự thanh lọc chu đáo của mùa màng ta có bạn bè“. Thế là đủ!