Chuyển động Hà Nội

Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới

Phạm Quỳnh 14/12/2024 06:26

Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.

Từ “quả ngọt” xây dựng văn hóa trong kinh tế

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế Thủ đô, trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa gắn với tăng trưởng kinh tế, Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định: “Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tỉnh thần vững chắc của Thủ đô, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Thủ đô vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời khẳng định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

anhphong-pbieu.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế.

Cùng với đó Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã nhận định rõ một số nhiệm vụ mới cần làm trong phát triển văn hóa gắn với kinh tế là xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, góp phần chuyển hóa các nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh có đóng góp giá trị kinh tế vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Xây dựng văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế, có sự phát triển đồng bộ, đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thủ đô, đây là một trong những nhiệm vụ mới, nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố vào năm 2030 và 10% GRDP năm 2045.

Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ Thành phố nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư vốn trong và ngoài nước và các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã dần hình thành, thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa của Thủ đô, tạo những bước tiến mới, mang lại giá trị đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Tính đến năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố.

son-tay-ok.jpg
Ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua.

Điểm nhấn trong xây dựng, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế là việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” với mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế thông qua du lịch văn hóa, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.

Xác định mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; thân thiện với môi trường. Nhờ đó, trong những năm qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, là nền tảng để đưa Hà Nội giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Để tạo đà cho phát triển văn hóa theo hướng bền vững, năm 2019, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước trở thành thành viên Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng “Thành phố sáng tạo”, Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa Thủ đô. Việc hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế về văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng các hoạt động văn hóa, hiệu quả hoạt động văn hóa đã thực sự tạo được nhiều dấu ấn văn hóa mới cho Thủ đô.

Công tác thông tin đối ngoại, quảng bá giá trị văn hóa du lịch được đẩy mạnh tăng cường; các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với quốc tế có nhiều khởi sắc. Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế đặc biệt là “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội” trong 5 năm trở lại đây.

…đến thành tựu nổi bật xây dựng văn hóa trong chính trị

Đối với việc xây dựng văn hóa trong chính trị, ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm” gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong triển khai, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Thường xuyên chăm lo xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố tới cơ sở, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

thanh-xuan.jpg
Bộ phận "một cửa" của UBND quận Thanh Xuân nghiêm túc trực giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với việc sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 05-KH/TU và Kế hoạch số 12-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm: “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện. Nhìn chung, cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thể hiện tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ; từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm chế độ giờ giấc làm việc cũng như hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp được nâng lên.

Điểm nổi bật trong xây dựng văn hóa chính trị của Đảng bộ Thành phố trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là việc thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 8/7/2024 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội” với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, hiệu quả đối với công việc được giao; khơi dậy tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng, tâm huyết xây dựng, phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Tập trung nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội. Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính trong thực thi công vụ, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc tự soi, tự sửa, liên hệ bản thân với nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa để kịp thời có giải pháp khắc phục.

Việc thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU ngày 28/10/2021 về quy định đánh giá xếp loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện hai quy tắc ứng xử Thành phố đã đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đánh giá cán bộ của Thành phố được làm thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm tính thiết thực, tạo động lực cho cán bộ các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác trong hệ thống chính trị.

lthong.jpg
Hướng dẫn người dân tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” quận Long Biên

Công tác cải cách hành chính của Thành phố và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm. Thành phố Hà Nội nghiêm túc triển khai Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2040 trong đó tăng cường phân cấp, ủy quyền trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ dịch vụ công, đề cao vai trò của văn hóa công vụ tạo nền tảng xây dựng nền văn hóa công vụ trong hệ thống chính trị hoàn thiện theo hướng hiện đại, minh bạch, nhanh và hiệu quả cao./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO