Lý luận - phê bình

Thơ truyền thống trong thời đại số

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh 28/11/2024 09:20

Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.

Phá cách và hài hước

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn nhận định: “Thời kỳ khuôn phép đã qua, thi đàn thay đổi xuất hiện đa dạng rất nhiều hình thức: Tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, ngắt dòng, thơ Haiku… tuy nhiên hình thức chỉ là cái vỏ, không có chuyện thể loại, hình thức này hay hơn hình thức kia. Thơ vẫn tồn tại, luôn luôn có người đọc, chỉ khác là tùy từng loại thơ mà có các đối tượng tiếp nhận khác nhau.
Quan sát thơ truyền thống trong thời đại số dễ dàng nhận thấy đặc điểm nổi trội đó là sự phá cách. Phá cách thể hiện trong cách ngắt vần, nhịp. Chẳng hạn như trong bài “Ngẫu hứng hoàng hôn” của Phạm Công Trứ:

Chiều xuống
là lúc gió lên
Nắng tắt
là lúc bóng đêm chôn ngày
Mắt không là khói
mà cay
Người không là gió
mà bay là là
Hay, trong thơ bốn chữ của Hàm Anh:
Ta là mây trắng
mãi mãi đến sau
thơ dại bạc đầu
trôi…

(Mây)

Thơ năm chữ của Trần Vũ Long:
Bốn phương và tám hướng
Bụi đường hút chân mây
Trả vay đời vô lượng
Chạm vào men rượu say

(Rượu một mình)

Cũng có khi tác giả sử dụng thanh điệu, trình bày sắp đặt ngôn từ như trò chơi:
“Sắc 0
sắc 00 sắc đều 00
sắc 00
sinh ra từ 0
…..
0 em thơ anh ngày
thế là
phải lòng
ký ức

(Sắc 0 - Nguyễn Thị Thúy Hạnh)

Một đặc điểm dễ nhận thấy của thơ truyền thống trong thời đại số đó là giọng điệu hài hước. Đặc trưng này tương phản với dòng thơ chủ đạo, và thường mang nhiều cấp độ, sắc thái: Giễu nhại, trêu ghẹo, châm biếm, mỉa mai, đả kích… Nhìn chung rất tươi mới, trẻ trung, chuyển tải được những nội dung sâu rộng, phức tạp của đời sống xã hội và con người hiện đại. Nhiều bài thơ như một trò chơi bông đùa ứng dụng ngôn ngữ mạng, nói lái để tạo ra tiếng cười tếu táo. Tiêu biểu cho giọng thơ này có thể kể đến nhà thơ Bảo Sinh, Trần Hưng… Nhiều bài thơ của họ đã được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng mạng gần như những câu cửa miệng.

Xin được dẫn thơ của Bảo Sinh làm minh chứng: Chân lý ở giữa hai chân/ Tâm hồn cách rốn độ gần một gang,

hay:
Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi
Rủi mai hóa cát bụi rồi
Xin em đốt vía cho tôi áo này

(Xin em - Văn Thùy)

Khoảng trống và thách thức

Thực tế cho thấy, số lượng thơ xuất bản hàng năm lớn hơn nhiều so với thời trước, mỗi ngày có đến vài chục tập thơ đang được duyệt tại cục xuất bản. Đa phần các tác giả thơ ra mắt tác phẩm không phải để kiếm tiền mà do nhu cầu giải tỏa, làm thơ là một liệu pháp khích lệ tinh thần.

Tuy nhiên, trái với sự gia tăng về số lượng xuất bản, thơ truyền thống hiện nay dường như đang sụt giảm. Người làm thơ truyền thống ngày càng hiếm đi, người trẻ không mặn mà viết thơ lục bát, và cũng không còn nhiều sân chơi cho thơ truyền thống. Nhiều nhà thơ chưa ý thức được việc làm thế nào để chạm đến trái tim người đọc, đáp ứng sự đón đợi, cũng như thay đổi nhận thức của người đọc, chưa kể là tác động đến cuộc sống xã hội. Có nhiều tác giả tham lam đưa vào tập thơ một mớ hổ lốn, vụn vặt, ôm đồm như một tập nhật ký mà không hề có bố cục chủ đề, nên đã không thể hiện được phong cách lại thiếu dấu ấn cá nhân. Đọc qua thấy đèm đẹp, dễ vào, nhưng để phê bình thì không biết nói gì.

Vậy làm thế nào để tiếp tục khơi dòng chảy thơ truyền thống nhất là trong bối cảnh của công nghệ số hiện nay. Theo nhà thơ Trần Hưng việc phân chia hình thức không quan trọng, bởi hình thức nào cũng nhanh cũ. Điều cần lưu ý hơn đó yếu tố đời sống của thời đại số ảnh hưởng tới thơ và nhà thơ. Từ góc nhìn của người sáng tác nhà thơ Trần Hưng lưu đến yếu tố từ vựng. Anh quan niệm, chữ (ngôn từ) chính là yếu tính là nội dung tạo nên thơ, là vật liệu (đời sống) của thơ thời hiện đại. Nói như nhà thơ Lê Đạt thì chỉ cần dùng chữ nghĩa cho “đúng chỗ”, “hợp văn cảnh” là có thơ hay.

“Ngôn từ tiếng Việt biến chuyển không ngừng, ngôn ngữ toàn cầu xuất hiện, tiếng Anh, ngôn ngữ mạng cũng được đưa vào thơ, do vậy nếu viết theo thể lục bát thì khó bắt vần được, do đó nhà thơ cần cách diễn đạt khác để biểu đạt được ý đồ nghệ thuật, hơi thở cuộc sống. Việc đưa những từ vựng ngoại lai đi vào tác phẩm khá dễ, nhưng vấn đề là phải đưa vào như thế nào để người đọc chấp nhận. Muốn vậy tác giả cần phải xử lý tạo nên hiệu ứng nghệ thuật cho những từ vựng đó (ví như như Tiếng Anh thường là từ đa âm tiết, khi dùng cần tách âm ra như “Online” = “On” + “line” hoặc có thể chỉ cần dùng từ “on”) chỉ khi ấy những từ ngoại lai mới hòa nhập, mới thuần Việt”, nhà thơ Trần Hưng nêu quan điểm. Điều này anh cũng đã vận dụng khá rõ nét trong thơ mình:

Ước gì Net hiểu cho Com
Lượt like này đã bao gồm tình yêu
….
Tôi thấy tôi là copy
Xin em một bản Tứ Kỳ nay mai
Vài dòng trăm tag nghìn like
Bao nhiêu chữ cái thì ngoài nhớ quên

(Đứng dậy khỏi máy tính - Trần Hưng)

Bên cạnh yếu tố từ vựng, nhà thơ Trần Hưng cho rằng cần chú trọng những thử nghiệm của các trường phái mới, ý tưởng mới nhưng nội dung vẫn truyền tải những vấn đề muôn thuở: Triết lý nhân sinh và tâm trạng, nỗi đau thân phận con người, tình yêu…
Tác phẩm văn học như một quá trình trong đó tác giả, văn bản và người đọc luôn gắn bó hữu cơ. Nếu tác phẩm chưa đến được với người đọc thì vẫn chỉ là văn bản. Điều này dẫn tới “cái chết” của tác phẩm bởi qua mỗi người đọc với cái nhìn, cách nhìn riêng, tác phẩm lại có những ánh xạ riêng.

Dẫn khái niệm của phương Tây “làm thơ là biến thế giới của mình thành thế giới của người khác”, nhà thơ Hoàng Liên Sơn cho rằng trong bối cảnh truyền thông số vai trò của phê bình thơ và các nhà phê bình thơ rất quan trọng để kéo công chúng độc giả đến với thơ. Khi mà cơ chế thị trường không còn chuyện hữu xạ tự nhiên hương, thì việc tác giả tự tiếp thị thơ cũng là một tất yếu.

“Công chúng tiếp nhận thơ như thế nào cũng là một yếu tố quan trọng (thậm chí có tính chất quyết định). Hiện nay, người thưởng thức thơ hết sức dân chủ và đa thanh. Làm sao để thơ hiện đại khiến người đọc phải suy nghĩ, trăn trở để tìm kiếm ý đồ nghệ thuật của tác giả cũng như những điểm đặc sắc trong tư duy nghệ thuật của mỗi nhà thơ; làm sao để người đọc thực hiện vai trò “đồng sáng tạo”, đó cũng là thách thức đối với các nhà thơ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thơ truyền thống trong thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO