“Hướng tới sản phẩm định vị thương hiệu Hà Nội”
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho biết, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội sẽ được tổ chức thường niên, đồng thời hướng tới sản phẩm định vị thương hiệu Hà Nội.
Lễ hội sẽ diễn ra thường niên, hướng tới sản phẩm định vị thương hiệu Hà Nội
Nội dung này được bà Phạm Thị Lan Anh đưa ra trong cuộc thảo luận nhóm “Cùng nhau thiết kế bản sắc thương hiệu thành phố” tại Tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội – Xây dựng Thương hiệu và Phát triển Nguồn lực” sáng 21/11 tại Bảo tàng Hà Nội.
Nhấn mạnh về những kết quả khi gia nhập mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đối với Hà Nội, bà Phạm Thị Lan Anh chia sẻ, 4 năm qua, cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, điều này thể hiện qua các lần Hà Nội tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội. Năm 2023, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội diễn ra trên tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố với thời gian 10 ngày (17 – 26/11), đặc biệt địa điểm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu – nơi có các hoạt động chính đầy tính sáng tạo đang nhận được sự quan tâm, thu hút của người dân và du khách.
“Trong thời gian tới, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội sẽ được tổ chức thường niên”, bà Phạm Thị Lan Anh khẳng định. Mỗi năm lễ hội sẽ có một chủ đề tác động đến một mặt nào đó của đời sống kinh tế xã hội. Ví dụ như năm 2021, thời điểm đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, mỗi một sự kiện hạn chế vài chục người tham gia cùng lúc, chúng ta có các biện pháp phòng chống dịch tốt nên lễ hội vẫn được tổ chức. Năm 2022, lễ hội đã có không gian rộng lớn hơn với các Pavillon kiến trúc của các bạn trẻ và đem lại các công trình sáng tạo trên nền tảng cũ tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Đến năm 2023, chúng ta đã làm được cả một “Dòng chảy”. Chúng tôi cho rằng “Dòng chảy” của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là dòng chảy truyền thống của Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử cách đây cả nghìn năm, từ quá khứ đến hiện tại. Thứ hai là dòng chảy sáng tạo của cộng đồng sáng tạo trong thành phố sáng tạo. Đây đều là những điều mới lạ.
Lễ hội năm nay với hơn 60 hoạt động thì tin vui là chủ yếu do cộng đồng sáng tạo Hà Nội thực hiện, không phải Nhà nước đứng ra làm như những năm trước. Điều đó cho thấy cộng đồng thiết kế đã tham gia rất nhiều, thể hiện qua việc lễ hội quy tụ hơn 200 các nhà kiến trúc, nghệ sĩ…để tổ chức các hoạt động của Hà Nội. Nguồn lực này nếu tính ra kinh tế thì sẽ rất lớn. Và chúng tôi rất mong muốn, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội sẽ là một trong những sản phẩm sáng tạo góp phần định vị nên thương hiệu của Hà Nội – Thành phố Sáng tạo”, bà Phạm Thị Lan Anh, chia sẻ.
Nghề thủ công truyền thống Hà Nội được trân trọng hơn và là “mỏ vàng” của thiết kế sáng tạo
Một số ý kiến chuyên gia chia sẻ tại cuộc thảo luận, làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội có đóng quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực thiết kế mà Hà Nội đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Về điều này, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết, trên thực tế, trước đây do khái niệm “công nghiệp thiết kế sáng tạo” còn mới mẻ, nên năm đầu tiên lễ hội diễn ra (2021) có tên gọi “Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại”. Lễ hội năm đầu tiên chủ lực là thiết kế nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian.
Bà Phạm Thị Lan Anh khẳng định, nghề thủ công truyền thống được Hà Nội xác định có thế mạnh nhất về phát triển thương hiệu, thiết kế sáng tạo Thủ đô. Vì thế, để tôn vinh các làng nghề, Hà Nội không làm theo cách truyền thống cũ như tổ chức hội chợ, triển lãm thông thường. Hiện nay Hà Nội hướng đến cộng đồng sáng tạo trẻ, mời sinh viên các trường Đại học có khoa thiết kế và khoa liên quan, đến sinh hoạt, trải nghiệm thực tế ngay tại các làng nghề.
Năm 2023, sinh viên của 9 trường Đại học khác nhau của Việt Nam và 1 trường Đại học Thái Lan đã tham gia thiết kế sản phẩm thủ công cho 10 làng nghề của Hà Nội và các thiết kế này đang được trưng bày, giới thiệu tại tầng 3 Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm này có chủ đề “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”, giới thiệu về 10 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội (Làng nghề đậu bạc Định Công, thêu Khoái Nội, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc Nhân Hiền, khảm trai Chuôn Ngọ, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, lược sừng Thụy Ứng, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc và tranh dân gian Hàng Trống).
Đó là một minh chứng rõ nét cho thấy cách ứng xử, coi trọng di sản làng nghề - sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội thời gian vừa qua. Và làng nghề truyền thống đang là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển thiết kế sáng tạo nói riêng, công nghiệp văn hóa của Hà Nội nói chung./.
Ông John Peto đến từ Thành phố Sáng tạo Văn hóa Derry-Londonderry (Vương Quốc Anh) - một trong những lãnh đạo của tổ chức nghệ thuật đa phương tiện Nerve Centre tại Derry trong suốt 20 năm qua, chia sẻ tại cuộc thảo luận, Thành phố Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với thành phố Londonderry.
Khi bắt đầu xây dựng Thành phố Sáng tạo, thành phố Londonderry cũng gặp những xung đột trong phát triển giống như Hà Nội hiện nay. Bởi vậy, vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý rất quan trọng trong việc tạo nguồn lực, cơ chế, cơ hội để tập hợp cộng đồng, khơi nguồn cho những sáng tạo phát triển.
“Yếu tố cộng đồng, con người đóng vai trò rất lớn, quyết định thành công trong việc phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo bền vững và lâu dài”, ông John Peto nêu quan điểm.