Văn hóa – Di sản

Hoàng Diệu – tấm gương sinh tử vì Hà Nội

Vũ Khiêu 13/11/2023 16:49

Hoàng Diệu, tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai, xuất thân trong một gia đình Nho học ở xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.

hoang-dieu.jpg
Danh nhân Hoàng Diệu.

Ông sinh năm 1828. Thông minh, chăm chỉ, học giỏi, ông lớn lên và sớm thành đạt. Năm 20 tuổi đỗ Cử nhân (1848), năm 25 tuổi đỗ Phó bảng (1853), ra làm quan được bổ làm Tri phủ Tuy Phước, rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định).

Năm 1864, khi nhậm chức Tri phủ Hương Trà (Thừa Thiên), do có nhầm lẫn trong tra xét vụ Hồng Tập, ông bị cách chức, nhưng ít lâu sau Đặng Huy Trứ dâng sớ giải oan cho ông, nhấn mạnh vai trò của hiền tài đối với đất nước đã đánh giá ông “là người cương trực, mẫn cán, từng kinh qua địa phương hoặc kinh qua phủ huyện, cai trị không nhiễu dân. Tuy mắc lỗi lầm chưa được khôi phục, nhưng khi ở địa phương hay phủ huyện đều được chúng dân tin yêu, khi ra đi được mọi người tưởng nhớ...” (Sở dâng vua ngày 1 tháng 8 năm Giáp Tý - 1864). Ngay sau đó, Hoàng Diệu được điều về làm Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên) rồi thăng Án sát tỉnh Nam Định, Bố chánh tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1873, ông được thăng chức Tham tri Bộ Hình, rồi Tham tri Bộ Lại kiêm Đô sát viện, sung Cơ mật đại thần.

Năm 1878, ông được bổ làm Tổng đốc An Tĩnh, được cử làm Phó Toàn quyền của Việt Nam đàm phán với Tây Ban Nha về hoạt động thương mại của Tây Ban Nha ở Việt Nam.

Năm 1879, ông lại được thăng Thượng thư Bộ Binh.

Năm 1880, vào những năm tháng đen tối của đất nước trước sự xâm lăng của đế quốc Pháp, ông được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình).

Hoàng Diệu đến Hà Nội khi lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam đã bị triều đình bạc nhược nhà Nguyễn cứ cắt dần cho thực dân Pháp, cắt dần đến những mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.

Hà Nội đón rước ông như vị cứu tinh mà triều đình gửi tới. Tên tuổi, tài năng, đức độ của ông đã được nhiều người biết tới, qua 10 năm ông làm quan tại các tỉnh huyện chung quanh Hà Nội: Phúc Yên, Bắc Giang, Nam Định, Bắc Ninh...

Nhân dân Hà Nội kính trọng Hoàng Diệu, cũng như trước đây đã quý trọng Nguyễn Tri Phương, vị Tổng đốc Hà Nội đã cùng nhân dân chiến đấu oanh liệt chống lại sự tấn công lần thứ nhất của thực dân Pháp và Hà Nội.

Nhưng tiếc thay đối với Hoàng Diệu lúc đó, cũng như đối với Nguyễn Tri Phương khi trước, triều đình đã dội gáo nước lạnh vào nhiệt tình chiến đấu của nhân dân Hà Nội và người cầm đầu đầy tâm huyết của họ. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Hà Nội đã diễn ra trong hoàn cảnh không thuận lợi, trước hết là do thái độ bạc nhược và chủ hoà của triều đình Huế.

Sáng sớm ngày 20/11/1873, bọn xâm lược Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội. Quân dân ta tuy đông nhưng vì phải chờ lệnh triều định nên đối phó bị động. Tuy vậy, khi súng đã nổ thì quân dân ta chiến đấu rất anh dũng. Suốt 6 tiếng đồng hồ, địch không tiến lên được và bị tiêu diệt rất nhiều. Các dũng sĩ của ta đã hy sinh đến người cuối cùng ở cửa ô Quan Chưởng. Nguyễn Tri Phương đã hăng hái lên cửa thành phía Nam trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Nhưng súng của ta không thể sánh được với hoa lực của địch. Giặc tràn vào, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ác liệt trên mặt thành. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng ở bụng. Người con của Nguyễn Tri Phương là Đô uý Nguyễn Lâm cùng với Hiệp quản Trần Văn Cát và Suất đội Ngô Triều vẫn xông ra và hy sinh tại trận.

Khi giặc vào thành, Nguyễn Tri Phương không chịu để cho giặc băng bó. Ông tuyệt thực để cùng chết với thành, nêu trước nhân dân tấm gương yêu nước và bất khuất.

Sau cái chết của ông, ngọn lửa kháng chiến của nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục bùng cháy dưới sự chỉ huy của các sĩ phu, văn thân yêu nước. Phùng Tề Nghĩa tề cờ ra quân ở Cổ Nhuế. Trai làng Chèm theo Tôn Thất Thuyết đánh tàu chiến Pháp trên sông Hồng. Hai cánh quân lớn của ta kéo về áp sát và uy hiếp Hà Nội. Tên Garnier chỉ huy quân đội xâm lược sa vào trận địa phục kích của quân ta, đã đền tội tại Cầu Giấy ngày 21/12/1873, Chiến công Cầu Giấy làm nức lòng Hà Nội, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân.

Chín năm sau, năm 1882, giặc Pháp quay trở lại tấn công Hà Nội lần thứ hai. Một lần nữa, chúng lại đụng phải tinh thần kháng chiến của nhân dân, đứng đầu là Tổng đốc Hoàng Diệu.

Ngay từ khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã cho thao dượt quân sĩ, tổ chức phòng thủ chặt chẽ, xây dựng công sự chiến đấu, đưa ra kế hoạch bảo vệ Hà Nội và vùng trung châu, đồng thời xin triều đình tăng viện, nhưng triều đình đã làm ngơ. Ông ra lệnh cho người ngoại quốc muốn vào thành Hà Nội phải xin phép chính quyền Việt Nam. Ông rất ghét những người liên lạc với Pháp và ỷ thế người Pháp. Có lần ông đã cho bắt và đánh đòn một viên thông ngôn xấc xược.

Nhân dân Hà Nội nhiệt liệt đồng tình và hưởng ứng thái độ của Hoàng Diệu. Lệnh bất hợp tác với địch đã được nghiêm chỉnh thi hành. Chính giặc Pháp phải thừa nhận rằng không một giáo dân hay thường dân nào đâm lui tới nơi chúng đóng quân. Quân giặc lâm vào tình thế ngày càng nguy khốn. Các giếng nước uống bị bỏ thuốc độc. Ban đêm, kho thuốc súng của chúng trên bờ sông nhiều lần bị đốt cháy.

Sau khi được tăng viện quân số và vũ khí từ Sài Gòn và Hải Phòng, quân Pháp liền mở cuộc tấn công vào thành Hà Nội.

Tiếng súng của kẻ thù vừa vang nổ, Hoàng Diệu đã hăng hái dẫn đầu tướng sĩ lên thành chiến đấu. Một Hiệp quản bắn chết một sĩ quan Pháp, ông kịp thời thưởng tại trận 30 lạng bạc để cổ vũ tinh thần quyết chiến trong quan quân.

Tinh thần yêu nước chống giặc xâm lược của nhân dân Hà Nội lúc này lại có dịp bùng cháy. Ngay từ giờ phút đầu tiên, đông đảo nhân dân Hà Nội đã nô nức từng đoàn mang theo khí giới đến cửa thành xung phong giết giặc. Các nhà dân và đình chùa đều đánh trống, gõ mõ, khua chiêng vang dội để khoa trương thanh thế áp đảo địch và hỗ trợ cho tinh thần của quan quân trong thành. Cùng lúc đó có hàng nghìn dân quân vũ trang giáo mác, gậy gộc do Cử nhân võ Nguyễn Đồng, người làng Bích Câu (nay là phố Bích Câu - Đống Đa) đốc quân kéo nhau đến tập hợp trước đình Quảng Văn (vườn hoa Cửa Nam bấy giờ) rồi thẳng tiến vào thành tham gia chiến đấu. Tiếc rằng chưa vào được đến nơi thì kho thuốc súng trong thành đã bốc cháy... Quan quân trong thành bắt đầu núng thế và tan rã.

Quân địch vượt được hào, dùng thang tre vào thành. Ở góc tây bắc, viên quản độ Hùng Nhuệ bị đạn chết. Chỉ còn Thuỷ sự lãnh binh Nguyễn Đình Đường chống cự đến phút cuối cùng ở Cửa Nam.

Tổng đốc Hoàng Diệu khi thấy quân giặc tràn vào, biết không thể cứu vãn, ông quay về dinh, lấy máu viết lời di biểu gửi triều đình. Sau đó ông thắt cổ tự vẫn trong vườn Võ Miếu, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân.

Di biểu của Hoàng Diệu là để gửi về triều đình, nhưng nhân dân còn coi đó là những điều tâm huyết mà ông nhắn nhủ cho nhân dân yêu quý của mình. Hoàng Diệu mất đi, nhưng tâm huyết của ông vẫn còn đó.

Qua di biểu, từ âm mưu đen tối và hành động điên cuồng càn rỡ của giặc Pháp xâm lược, đến thái độ bạc nhược vô trách nhiệm của triều đình Huế và bộ mặt đê hèn của lũ quan lại ham sống sợ chết; từ tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm đến những tấm gương hy sinh oanh liệt của quân dân ta; tất cả đều được phản ánh rất chân thật, mộc mạc và đầy cảm xúc.

Hoàng Diệu bộc bạch rằng: “Tôi từ khi vâng mệnh ra đây, đã được 3 năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa. Ngờ đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng. Ngày tháng 2 năm nay bỗng thấy tàu Tây tụ tập, dồn quân thêm nhiều. Quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao. Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nên một khi mà sụp đổ, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo. Vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kịp tư cho cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó”...

Tình hình nghiêm trọng đến thế, nhưng triều đình lại làm ngơ! Vậy không thể không vạch rõ trách nhiệm của triều đình trong việc để mất thành: “Không ngờ mấy lần có chiếu xuống, hoặc trách tôi nắm binh quyền mà loè nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý không được thích nghi. Cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui”...

Bởi thế mới có tình trạng: “Chúng nó sung sức mà quân ta tuột hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt. Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì”...

Và bi kịch đời ông đã xẩy ra. Ông viết lời đau xót từ đáy lòng: “Nơi trung thổ trở nên đất địch, sống thẹn cùng nhân sĩ Bắc Hà. Lòng cô trung thề với thành Long, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất”...

Hoàng Diệu mất đi, nhưng ngay sau đó nhân dân ta noi gương ông vẫn tiếp tục chiến đấu kiên cường chống quân xâm lược.

Quân Pháp vào Hà Nội. Chúng đóng quân trong thành phố, nhưng hai cánh quân của Hoàng Tá Viêm và Trương Quang Đản vẫn bao vây vòng ngoài. Nhân dân không hợp tác với địch, không bán lương thực cho chúng. Khắp nơi thành lập các đội dân quân đánh địch. Quân ta pháo kích từ Gia Lâm sang Đồn Thuỷ, đột kích căn cứ nhà thờ Hàm Long. Chung quanh Hà Nội có dán những tờ cáo thị thách thức tướng giặc, lúc này là Rivie, đưa quân ra đánh.

Sáng sớm ngày 19/5/1883, Rivie bí mật mở cuộc tấn công, toan đánh úp quân ta ở phủ Hoài Đức. Trận chiến diễn ra ác liệt. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, hơn 300 quân giặc bỏ mạng trên đường Cầu Giấy - Dịch Vọng. Rivie chết gục tại trận. 200 tên giặc sống sót bỏ chạy về Hà Nội. Đó là chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai của quân ta.

Hoàng Diệu mất đi, nhưng tinh thần và khí phách của ông vẫn còn mãi với những bài sử ca và hàng loạt tác phẩm mang đề tài nóng hổi về người anh hùng Hoàng Diệu và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội của quân dân ta.

Sử sách nghìn năm còn truyền tiết liệt,

Người cô thần lấy cái chết để tỏ gan trung nghĩa...

Nghìn năm núi Nùng còn nêu chinh khí,

Khách anh hùng lời đó dòng lệ ngổn ngang.

(Sĩ tử Hà Thành viếng Hoàng Diệu)

Hà Thành chính khí ca phản ánh khí thế hào hùng của quân ta đánh giặc:

Lửa phun súng phát bốn bề,

Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.

Bắn ra kể chết cũng nhiều,

Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm.

Còn đây, ngược lại, là thái độ của lũ quan lại hèn nhát:

Khi bình làm hại dân ta,

Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì.

Đến khi hoạn nạn gian nguy,

Mắt trông ngơ ngác, chân đi gập ghềnh...

Về điều này, Hà Thành thất thủ ca cũng vạch mặt bọn chúng “đều ăn cơm mặc áo trên đời”, nhưng Đến khi có việc tày trời/ Trợ trợ chỉ thấy một người tận trung…

Tấm gương bất diệt của Hoàng Diệu và tinh thần chiến đấu dũng cảm, sáng tạo của nhân dân Hà Nội từ những năm đầu của chính quyền thực dân, đã chuẩn bị cho những cao trào cách mạng trong thế kỷ XX ở Hà Nội và trong toàn quốc. Năm 1946, 63 năm sau ngày tuẫn tiết của Hoàng Diệu, thực dân Pháp lại một lần nữa đánh chiếm Hà Nội. Thanh niên thủ đô với tinh thần Hoàng Diệu cảm tử cho tổ quốc quyết sinh, đem xương máu bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Hà Nội, bảo vệ thành phố được mang thêm tên danh dự nữa là thành Hoàng Diệu.

Hoàng Diệu trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần chống Pháp xâm lược của người Hà Nội./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tiếp thêm sức sống cho nghề truyền thống Thủ đô
    Là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống Hà Nội đang không ngừng sáng tạo trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làng nghề. Sự sáng tạo không chỉ mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho các làng nghề mà còn gợi mở những không gian trải nghiệm văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách.
  • Khởi công xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền
    Sáng 26/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
  • Trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam”
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Huế phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá Thể thao tổ chức Triển lãm trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam”.
  • Hà Nội: Thêm 9 di tích được xếp hạng cấp thành phố
    Ngày 10/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Công nhận hội Lim ở Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Hội Lim là nơi các giá trị lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành, bảo tồn và lan tỏa, thể hiện tính gắn kết bền chặt và tinh tế giữa các làng Quan họ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Hoàng Diệu – tấm gương sinh tử vì Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO