Hai ngày về nguồn Đồi thông hai mộ

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 15/08/2019 08:23

Ban đầu, hẹn gặp nhau ở quán bia Ụ Pháo phố Trúc Bạch, văn sĩ Lã Thanh Tùng giới thiệu: “Đây là kỹ sư Vũ Đình Thảo, cháu cụ Tùng Giang Vũ Đình Trung, tác giả truyện thơ Đồi thông hai mộ”. Anh Thảo tặng tôi bản phô tô Đồi thông hai mộ (In lần thứ ba. NXB Yên Sơn, Hà Nội, 1953, 150 trang).

Hai ngày về nguồn Đồi thông hai mộ
Tác giả ngoài cùng (trái) trong chuyến du khảo về Kim Bôi, Hòa Bình

Ban đầu, hẹn gặp nhau ở quán bia Ụ Pháo phố Trúc Bạch, văn sĩ Lã Thanh Tùng giới thiệu: “Đây là kỹ sư Vũ Đình Thảo, cháu cụ Tùng Giang Vũ Đình Trung, tác giả truyện thơ Đồi thông hai mộ”. Anh Thảo tặng tôi bản phô tô Đồi thông hai mộ (In lần thứ ba. NXB Yên Sơn, Hà Nội, 1953, 150 trang). Nhan đề truyện u u minh minh, rợn rợn mà tính từ giữa thế kỷ trước, hầu như ai yêu thích văn chương cũng thuộc nằm lòng mấy câu mở đầu: Anh Đinh Lăng! Giờ đây đâu nhỉ?/ Anh của em yêu quý nhất đời,/ Anh đi mù mịt xa khơi,/ Phượng hoàng tung cánh phương trời mãi bay… Về truyện Đồi thông hai mộ, quả thật tôi chỉ nghe nói và thuộc truyền khẩu đôi câu, có thấy đâu mà đọc, đành ậm ờ cho qua chuyện…

Lại hẹn hò. Một ngày nắng nung giữa hè, đoàn du khảo gồm các nhà văn Lã Thanh Tùng, Đăng Bảy, Cầm Sơn cùng Vũ Đình Thảo và tôi lên huyện núi Kim Bôi (Hòa Bình), tìm về nơi thi sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung từng tản cư, bắt gặp câu chuyện tình Đinh Lăng – Quách Mỵ Dung rồi dệt nên thiên bi tình sử Đồi thông hai mộ. Trên xe, chúng tôi bàn thảo, trao đổi, tranh luận về lời giới thiệu “Mấy dòng ký sự tản cư - Mấy trang tình sử bi hùng” viết ngày 8 tháng 4 năm 1949, mở đầu truyện thơ Đồi thông hai mộ của chính tác giả Tùng Giang Vũ Đình Trung. Lời giới thiệu cho biết khoảng không gian, địa chỉ cụ thể ở gần Ba Trại, nơi có miếu thờ cùng hai ngôi mộ đá to, cao, xây sát gần nhau: “Phía đầu hai mộ len vào giữa một tấm bia đá dựng đứng, cao gần bằng đầu tôi, rộng non một sải tay tôi. Bia khắc chữ nho, chân phương, đậm nét, kể lai lịch, tài năng, đức hạnh của đôi uyên ương hiếm có” và nguồn gốc truyền thuyết Đinh Lăng – Quách Mỵ Dung in đậm sắc màu truyền kỳ, đan xen giữa thực và hư, mờ mờ ảo ảo.

Theo hẹn, đoàn chúng tôi đến Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình, gặp Chủ tịch Lê Va, nữ sĩ Phan Mai Hương và cụ Nguyễn Hữu Duyên. Nhập đoàn rồi là đến ngay nhà cụ Duyên. Cụ sinh 1937, ngoài tám mươi, vốn chính gốc thành phố Nam Định, thời chống Pháp tản cư lên Hòa Bình rồi chốt lại đến nay. Trước đây cụ là kỹ sư xây dựng, bước chân trải khắp tỉnh, bạn bè nhiều, nói được tiếng Mường, chăm viết báo. Việc đến nhà cụ thực ra là thăm cụ bà, kém cụ ông một tuổi, cũng ngoài tám mươi rồi. Cụ bà vui chuyện: “Hôm trước tôi mơ thấy cụ Tùng Giang đấy. Sáng nay tôi thấy có người quần áo trắng xưng tên là Tùng Giang đến chơi. Tôi mở cửa ra thì chẳng thấy gì. Hay tại tôi đọc thơ cụ thì tôi tưởng ra thế?”. Ấy rồi cụ đọc Đồi thông hai mộ, đọc từng đoạn, rồi phân tích, rồi lại đọc sang đoạn khác. Cụ kể: “Tôi người gốc Gia Lộc, Hải Dương. Lúc nhỏ lận đận, vất vả lắm, được học hành gì mấy đâu. Đến thời sau hòa bình lập, tôi mười mấy tuổi, có chị người quen cho mượn quyển Đồi thông hai mộ. Cứ ê a nhập tâm thế mà tôi thuộc, thuộc hết cả quyển, nhớ mãi đến bây giờ. À, đến cái đoạn Đinh Lăng khóc cô người yêu: Hồn em thiêng theo anh từng bước,/ Mà chứng minh lời ước vì em:/ Mỵ Dung duyên đã khắc tim,/ Nguyện thề trọn kiếp không tìm duyên ai”… Cụ ông hồ hởi: “Ấy đấy, tôi đã bảo là bà ấy thuộc thật đấy. Mấy chục năm ở nhà, có bao giờ bà ấy đọc gì đâu. Đến hôm tôi mang quyển thơ này về, bà ấy xem cái tên rồi cứ thế đọc vanh vách. Tôi cũng bất ngờ vì hóa ra bà nhà tôi lại thuộc Đồi thông hai mộ đến thế”…

Sang chiều, trên chuyến xe tìm về cội nguồn Đồi thông hai mộ, cụ Duyên kể: “Này, thật hữu duyên. Vào năm 1956, tôi đã gặp cụ Tùng Giang đấy nhé… Năm ấy, tôi cưỡi cái xe đạp, phóng từ Hòa Bình về Thái Bình thăm người quen là cô đào kép Minh Nguyệt, con chủ rạp hát Tiên Phong, đoạn gần Cầu Bo. Chiều ấy thì gặp cụ Tùng Giang. Hóa ra cụ Tùng Giang với ngài chủ rạp hát quen nhau từ hồi tản cư trên Hòa Bình. Bấy giờ cụ về thăm bạn cũ hay là hẹn nhau dựng vở diễn? Chỉ biết tối ấy có diễn kịch mà đích thân ngài chủ rạp đóng vai Đổng Trác, cụ Tùng Giang vai Lã Bố, cô kép Minh Nguyệt vai Điêu Thuyền. Tôi cứ nhớ mãi, là vì cụ Tùng Giang có nhắc đến Đồi thông hai mộ. Còn tôi thì năm trước vừa đọc ké được truyện này. Nhưng bởi tính tôi không thích thơ lắm nên không thuộc được. À, sau này cô Nguyệt lấy Lê Như Tiếp là trưởng đoàn chèo Thái Bình. Bây giờ có còn chắc cũng già lắm rồi”…

Hai ô tô con nhằm phía huyện Kim Bôi, chạy tầm ba chục cây số thì đến xã Bắc Sơn. Chúng tôi vào gặp Phó Chủ tịch văn xã Bùi Văn Tứ. Anh vui chuyện, say sưa kể về lễ hội thờ thành hoàng làng Khả. Còn như câu chuyện Đồi thông hai mộ thì có nghe nói nhưng thực hư thế nào không rõ. Hỏi đến lối đi Chợ Châu, Chợ Đồn và các địa danh Ba Trại, Suối Ngang, Mường Khả đều có cả nhưng không biết có khu miếu thờ nào…

Cả đoàn lên xe, đi qua các xóm Hồi, Trám, Cầu rồi đến xóm Khả. Nghe nói thời chín năm chống Pháp, nơi đây vẫn còn hổ báo. Hai bên đường là núi đá, khe suối xen lẫn đồi thấp, liên tục là những khúc cua, ngoắt, ngoặt. Thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng vài nóc nhà, tuyệt đại là bà con người Mường. Đi gần kịch đường mới đến xóm Khả. Xe dừng lại ở một con dốc. Đã thấy có một chị đứng đợi bên vạt ngô ven đường. Thì ra trên xã gọi điện nhờ chị dẫn lối. Hỏi thì được biết chị là Bùi Thị Bảy, người Mường, năm nay tròn sáu mươi, xa gần có thể là con cháu ông cụ từng cung cấp cốt truyện cho thi sĩ Tùng Giang viết nên Đồi thông hai mộ. Nơi chân núi đá này gọi là Khe Bụt, núi đây là Lèn Cái, kia là lèn Con. Cả đoàn theo chị đi qua vạt ngô, vượt qua khe nước cạn, len lỏi qua những chỏm đá, những khóm tre rừng. Chẳng thấy đường đi đâu cả. Nhà thơ Đăng Bảy nhận: “Tôi cùng tên với chị đấy”. Chị Bảy phân bua: “Ngày xưa đây là đường mòn, từ Mường Khả bên Kim Bôi, vượt núi mấy cây số thì tới Chợ Đồn bên Lương Sơn. Từ ngày có đường to, chẳng còn ai đi đường này nữa”… Quanh co một đoạn ngắn nữa thì tới nơi có ngôi mộ cổ. Chỉ nghe các cụ truyền rằng đây là mộ của đôi trai gái không lấy được nhau, đưa nhau lên đây ăn lá ngón cùng chết. Vẫn cứ gọi là mộ Bụt, có lẽ vì mộ ở đầu nguồn Khe Bụt. Cả vùng này đều biết, ngôi mộ này thiêng lắm. Thời xưa, ai đi chợ qua đây cũng cầu khấn được phúc lộc, duyên lành, mua may bán đắt và nhặt đá xếp lên. Ngày trước là hai nấm mộ, nay xếp đá đầy thành một mộ hình chữ nhật, dài chừng hai mét mấy, bề ngang hơn mét và cao đến một mét. Chỉ có một cái bát con nhỏ, ngoài ra tịnh không thấy thứ gì khác. Phía trên đầu có tảng đá to, có cây rừng bằng người ôm mọc giữa lèn đá. Nhìn kỹ lắm may chăng mới thấy dấu vết lối mòn. Bốn bề tĩnh mịch. Mơ hồ nghe có tiếng rừng u oa, u oa, ù òa. Mọi người thắp hương rồi ra về. Anh Thảo ngậm ngùi dặn chị Bảy: “Chị ở lại đợi hết hương rồi thụ lộc”… Tôi đi sau, ngoái lại thấy bóng chị Bảy khuất dần bên nấm mộ đá trong rừng chiều âm u. Tự nhiên chân bước nhanh nhanh. Trời vẫn nóng ngột ngạt. Xuống đến vạt ngô, ai nấy mồ hôi đẫm đìa lưng áo.

Suốt sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi lòng vòng mấy địa chỉ nhưng chẳng khai thác thêm được điều gì. Trên đường về qua Hà Đông, chúng tôi rẽ vào viếng mộ thi sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung (1905-1985) ở nghĩa trang quê làng Văn Quán (Hà Đông – Hà Nội). Anh Thảo kể rằng dòng họ Vũ định cư ở làng Văn Quán khoảng vài ba trăm năm nay. Dòng tộc khá giả nhưng cũng không có ai đỗ đạt cao. Thuở nhỏ, anh có hơn mười năm được ở bên cụ Tùng Giang. Khi cụ mất, anh đã gần ba mươi tuổi. Thế nhưng cũng không được nghe cụ kể gì nhiều và cũng không biết mà hỏi những chuyện xoay quanh truyện tình Đồi thông hai mộ. Thêm nữa, ngày ấy không khí xã hội còn nặng nề, giấu đi còn chẳng được. Chỉ có từ thời Đổi mới đến nay mới có nhiều người quan tâm và chính anh cũng ngày càng quan tâm đến lai lịch Đồi thông hai mộ nhiều hơn…

Qua hai ngày cưỡi ngựa xem hoa ở vùng Kim Bôi – Lương Sơn, anh em trong đoàn du khảo cùng bàn luận rồi so sánh, đối chiếu với phần lời dẫn của chính tác giả trong truyện thơ Đồi thông hai mộ, xin tạm nêu ba điều thu hoạch. Thứ nhất, thi sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung từng tản cư đến vùng Mường Khả (nay thuộc xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi) trong những năm 1947 - 1949. Thứ hai, một phần câu chuyện tình, nhân vật, cốt truyện, khung cảnh vùng núi Kim Bôi đã được khúc xạ, chuyển hóa, sáng tạo, hư cấu, nâng cao trong mạch thơ trữ tình Đồi thông hai mộ. Thứ ba, vẫn còn những người gần cận biết về Tùng Giang Vũ Đình Trung và có cả một thế hệ đồng cảm, yêu thích tác phẩm của ông… Riêng tôi lại xa xôi nghĩ đến hiện tượng “mặt nạ tác giả” mà thi sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung với truyện thơ Đồi thông hai mộ là một trường hợp còn cần tiếp tục được thảo luận, xem xét, lý giải…
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Hai ngày về nguồn Đồi thông hai mộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO