Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn dự tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác tháng 6 và quý II, từ đó đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho tháng 7 và thời gian còn lại của năm 2020. Đặc biệt, hội nghị giao ban trực tuyến được tổ chức đến các xã, phường, thị trấn nhằm thống nhất thực hiện từ thành phố đến cơ sở.
Mức tăng trưởng đạt khá so với mức chung cả nước
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 3,39%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của thành phố, tuy nhiên, trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, mức tăng này là khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước.
Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 124.843 tỷ đồng, đạt 44,8% dự toán, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư toàn thành phố là 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch giao, trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố là 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%); tổng mức bán lẻ tăng 0,5%.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 9,2%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân ước tăng 3,68% (cùng kỳ tăng 4,1%). Ngành Du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%, trong đó khách quốc tế giảm 68,8%; tổng thu từ du lịch giảm 61,5%; công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ…
Trong bối cảnh đó, thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm thứ hai liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm thứ ba liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng ước đạt 152.100 tỷ đồng, tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,02%). Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 3%, tổng dư nợ tăng 2,8%. Có 12.649 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 175 nghìn tỷ đồng; tuy giảm 7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Đặc biệt, ngày 27-6, thành phố đã tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là hội nghị quy mô lớn chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm
Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, thành phố đã dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành.
Cụ thể, Kịch bản 1: Tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước, từ 4,4% đến 5,2%). Kịch bản 2: Tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước, từ 3,6% đến 4,4%).
Để phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất trong 6 tháng còn lại của năm 2020, thành phố đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trọng tâm là thành phố triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và UBND một số quận, huyện đã tham luận, làm rõ tình hình kinh tế - xã hội cụ thể trong 6 tháng qua, xác định mục tiêu, giải pháp 6 tháng cuối năm. Các đại biểu đánh giá, tăng trưởng kinh tế, tình hình thu, chi ngân sách ở các địa phương còn khó khăn.
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.159 tỷ đồng, đạt hơn 34% dự toán; ước cả năm đạt 75% dự toán thành phố giao. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản dự tính mới đạt khoảng 13,6%, dự báo hết năm chỉ đạt khoảng 24,1% dự toán.
Quận Hoàn Kiếm cũng ước thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng qua đạt 3.908,8 tỷ đồng, bằng 39% dự toán thành phố giao, giảm 20% so với cùng kỳ. Chi ngân sách của quận đạt khá cao, nhưng cũng chỉ bằng 43,8% kế hoạch.
Quận Ba Đình cũng chỉ đạt mức thu ngân sách bằng khoảng 34% dự toán được giao.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, đối với khối các địa phương, trong khi nhiều nơi đạt thấp, vẫn có những địa phương duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tiêu biểu như huyện Đông Anh, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức 6,2%, cao gần gấp đôi so với mặt bằng chung (GRDP thành phố tăng 3,39%). Huyện Đông Anh cũng cam kết hoàn thành 100% dự toán thu ngân sách năm 2020 với hơn 2.000 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đậu Ngọc Hùng cho biết, với sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong thực hiện "nhiệm vụ kép”, đến tháng 5-2020, sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi. Bước sang tháng 6-2020, hầu hết các ngành, lĩnh vực đã phục hồi và lấy được đà tăng trưởng so với tháng 5 và so với cùng kỳ năm 2019. Một số ngành không những tăng so với cùng kỳ, mà còn tăng khá so với cùng kỳ năm trước như ngành thương nghiệp, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vận tải hàng hóa, bưu chính chuyển phát...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, 6 tháng đầu năm, mặc dù số đầu con lợn giảm, nhưng sản lượng vẫn tăng và bằng khoảng 90% sản lượng thịt so với năm 2019; số lượng gia cầm tăng. Năng suất lúa xuân - hè 2020 cũng tăng 2,3 tạ/ha so với vụ xuân năm 2019... Nhờ đó, trong quý I, nông nghiệp thành phố tăng trưởng âm nhưng bước sang quý II đã vượt lên, đạt 1,6%. Với đà này, ngành Nông nghiệp tin tưởng có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 4,12% như kế hoạch đề ra. Ngành cũng phấn đấu trong năm nay có thêm 6 huyện, thị xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng khẳng định, 6 tháng qua, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng chỉ số thương mại của thành phố có nhịp độ ổn định và phát triển cao; kích cầu tiêu dùng trong nước đang phát triển tốt. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng mà 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố đưa ra rất cao, trong khi hiện nay, chỉ số tăng trưởng kinh tế mới đạt 3,39%. Vì thế, thời gian tới, các cấp, các ngành phải tập trung vào 7 giải pháp mà thành phố đưa ra thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Giám đốc Sở Công Thương cũng đề nghị, các địa phương phối hợp tăng cường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho sản xuất công nghiệp và thúc đẩy triển khai các công trình, dự án...