Chiều 11/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao ban trực tuyến định kỳ. Dự và chủ trì phiên họp có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Trưởng ban chỉ đạo.
Ca nhiễm Covid-19 mới dương tính khi nhập cảnh tại Pháp chưa rõ nguồn gốc lây bệnhPhó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 17/8 đến nay (25 ngày), Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Ngày 9/9 ghi nhận thông tin về 1 trường hợp xét nghiệm dương tính khi nhập cảnh tại Pháp. BN là nữ 25 tuổi, tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất; là du học sinh tại Hàn Quốc nhập cảnh về Việt Nam tháng 5/2020 (được cách ly tập trung tại Đà Nẵng), ngày 10/6 kết thúc cách ly trở về Hà Nội.
Toàn cảnh phiên họp. |
|
Thời gian ở Hà Nội, bệnh nhân ít đi ra ngoài địa phương, chỉ đi chỉnh nha (PK Nha khoa quốc tế Việt Đức-84A Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) và làm thủ tục xin Visa tại đại sứ quán Pháp.
Ngày 3/9 bệnh nhân nhập cảnh vào Pháp (chuyến bay QR977 quá cảnh tại Quatar). Ngày 4/9 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 8/9 bệnh nhân có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, xác minh được 15 trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 15/15 mẫu âm tính và cách ly theo quy định.
Đại diện huyện Thạch Thất cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin bệnh nhân dương tính với Covid-19, huyện đã nhanh chóng triển khai khoanh vùng, dập dịch theo đúng quy trình chỉ đạo của TP. Qua thông tin từ gia đình được biết hiện bệnh nhân không có biểu hiện gì (ho, sốt…). Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất không xác định được yếu tố dịch tễ liên quan, không biết bệnh nhân nhiễm bệnh từ đâu. Theo lịch trình, ngày 25/5 từ Hàn Quốc về Việt Nam, cách ly tại khu cách ly Hòa Vang, Đà Nẵng và được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần đều âm tính, ngày 10/6 được về xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, bệnh nhân cũng không tiếp xúc những người nghi mắc bệnh… Hiện tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (là 15 người) đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường cho biết, với kết quả trong 9 ngày qua cả nước không có ca nhiễm mới, 25 ngày Hà Nội không có ca nhiễm mới, Nhân dân phấn khởi và càng tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và TP đã và đang thực hiện. Hiện nay, một số tỉnh đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Vì thế, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho biết Nhân dân mong muốn TP sẽ dựa theo tình hình thực tế để nới lỏng dần các biện pháp phòng chống dịch theo loại hình, tiêu chí hoạt động tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh; hướng dẫn Nhân dân các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết và tăng cường kiểm tra các an toàn thực phẩm.
Chuyển trạng thái, tập trung phòng ngừa dịch từ bên ngoài
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, qua kiểm tra, Thường trực Thành ủy đánh giá cao công tác phòng chống dịch của TP. Theo đó, BCĐ TP đã kiên quyết với các giải pháp đã đề ra nhưng vẫn tiếp tục đẩy mạnh kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân. Chủ tịch HĐND cho biết, Hà Nội là địa phương bị tác động lớn bởi dịch Covid-19, song, kinh tế vẫn tăng trưởng, thu ngân sách xấp xỉ đạt 60% dự toán. Trong điều kiện dịch bệnh, TP vẫn tổ chức tốt các hoạt động lớn như: hướng dẫn các trường tổ chức lễ khai giảng vui tươi, an toàn; tổ chức tốt nhiệm vụ: tuyển sinh đầu cấp; thi tuyển công chức, viên chức; các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu chỉ đạo phiên họp. |
|
Nhận định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp có thể bùng phát và quay trở lại nếu không có những giải pháp kịp thời, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị BCĐ phòng chống dịch TP cần lưu ý những giải pháp cụ thể hơn; đặc biệt khi việc mở lại đường bay thương mại, đối tượng cần giám sát và cách ly sẽ tăng thêm.
Theo quan điểm vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, việc nới lỏng các giải pháp sẽ tác động đến công tác chỉ đạo của BCĐ, do đó, Chủ tịch HĐND TP đề nghị cần có những giải pháp mới. Các ngành chuyên môn như y tế, quân đội, công an cần có dự báo sát tình hình để có phương án chủ động và phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, cần chuẩn bị các điều kiện về vật tư; phân công phân nhiệm; đánh giá việc thu phí cách ly cũng như những điều kiện đảm bảo an toàn đối với khu cách ly ở khách sạn.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND cũng đề nghị UBND TP giao các ngành chuẩn bị điều kiện tiếp tục nới lỏng 1 số hoạt động của thành phố; các ngành xây dựng tiêu chí cho mở cửa các hoạt động có tính chất đông người hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao; tăng cường kiểm tra tại cơ sở. Các quận, huyện, ngoài việc kiểm tra các đơn vị theo thẩm quyền cần quan tâm đến khối trường học; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép; đẩy mạnh nguồn thu nhằm bù lại những thiệt hại do Covid-19.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trung bình 1 ngày ghi nhận hơn 278 nghìn ca mắc và hơn 5.600 ca tử vong. Đặc biệt tại Ấn Độ mỗi ngày ghi nhận trên 90 nghìn ca mắc mới và trở thành tâm dịch của thế giới. “Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch khu vực trong nước tốt” – Phó Chủ tịch UBND TP nói và cho biết cơ bản các ổ dịch nguy hiểm như Đà Nẵng, Quảng Nam đã được kiểm soát.
Tại Hà Nội, qua 25 ngày đã không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ghi nhận tinh thần triển khai nhiệm vụ rất chủ động và chuyên nghiệp trong truy vết của các địa phương. Tuy nhiên, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP cũng lưu ý trong cộng đồng vẫn có mầm bệnh và có nguy cơ lây lan. “Vì thế, không thể chủ quan, lơ là phòng chống dịch trong thời điểm này”.
Lưu ý thời gian tới người Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục về nước; nước ta sẽ có các đường bay thương mại với một số quốc gia, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị chuẩn bị để chuyển trạng thái sang ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh từ bên ngoài vào.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đã quy định. Chủ động giám sát chặt chẽ dịch bệnh, khi phát hiện ca bệnh thì phải thực hiện “thần tốc” các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Chủ động xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp nghi ngờ. Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở ăn uống… Đặc biệt, cần tổ chức tốt cách ly đối với người nhập cảnh, chuẩn bị điều kiện cách ly có thu phí khi Chính phủ mở các đường bay thương mại.
Công an TP, các địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm cách ly y tế. Sở Y tế khẩn trương mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm. Các sở ngành quận huyện thị xã tiếp tục kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, đặc biệt dịch sốt xuất huyết trong thời điểm giao mùa hiện nay, tránh để dịch chồng dịch.