Làng gốm đã trải qua hơn 400 năm tồn tại và phát triển không ngừng. Làng nghề truyền thống này có nguồn gốc từ cuối thời Lý- Trần với nghề sản xuất gốm từ đất sét trắng. Từ thời điểm đó, ở đây đã quy tụ được nhiều người từ những dòng họ có tay nghề cao như ở Ninh Bình và Thanh Hóa ra lập nghiệp. Với bàn tay khéo léo và sự đam mê, yêu nghề của những nghệ nhân đã sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo.
Cái tên làng nghề gốm truyền thống được thể hiện rất rõ khi mỗi du khách đặt chân đến đây. Bởi lẽ, ngay từ đầu làng chúng ta đã bắt gặp hình ảnh những chiếc lộc bình, những chiếc vò,… với đủ các màu sắc và hoa văn bắt mắt.
Ở Bát Tràng có rất nhiều địa điểm để du khách tham quan như: Chợ gốm Bát Tràng, đình làng Bát Tràng, đền Mẫu,… Bên cạnh đó, hầu hết du khách khi đến Bát Tràng đều háo hức trải nghiệm cảm giác trở thành một người thợ gốm.
Với những nguyên liệu gốm có sẵn cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của các người thợ lành nghề nơi đây, du khách hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm theo ý thích của mình và được tận mắt chứng kiến quá trình những viên đất mềm biến chuyển thành các sản phẩm gốm long lanh.
Với việc trở thành thợ làm gốm nghiệp dư trong vòng một ngày, được tạo ra những sản phẩm gốm cùng gia đình và bè bạn, bạn có thể cùng mọi người tạo nên những kỷ niệm thật đáng nhớ và mang những sản phẩm do tự tay bạn làm ra để tặng cho những người mà mình yêu quý.
Đồ dùng trang trí hòn non bộ được chế tạo rất công phu và tinh xảo (ảnh Mai Sương)
Đến với Bát Tràng, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan chợ gốm Bát Tràng – nơi trưng bày những sản phẩm gốm sứ với rất nhiều mẫu mã, hoa văn sắc sảo và đa dạng.
Đa phần những tác phẩm mà làng nghề Bát Tràng làm ra chính là những vật dụng gốm sứ hết sức quen thuộc trong cuộc sống của người Việt. Nó không chỉ có tác dụng để trưng bày, sưu tầm mà còn được đưa vào sử dụng cả trong thực tiễn như đồ thờ cúng, ly tách, bộ ấm chén,...
Chính sự đa dạng về mẫu mã và sự thông dụng trong các sản phẩm, gốm Bát Tràng ngày càng chiếm được sự quan tâm của nhiều người.
Qua thời gian, nhu cầu thị hiếu của người sử dụng tăng cao, đòi hỏi các nghệ nhân phải không ngừng sáng tạo để cho ra đời thêm nhiều các sản phẩm chất lượng hơn, phong phú hơn cả về hình thức lẫn chất liệu.
Hình ảnh thợ làm gốm đang tạo hình hoa văn trên bình gốm (ảnh Mai Sương)
Chính sự đa dạng về sản phẩm gốm sứ Bát Tràng cũng tạo nên sự đa dạng về công dụng của chính những sản phẩm ấy từ đồ thờ tự, trang trí nội ngoại thất đến những sản phẩm gia dụng hay đồ lưu niệm như lư, đỉnh, đèn thờ, lọ, bình, bát đĩa, cốc chén,..
Những sản phẩm có nguồn gốc từ đất sét trắng tạo ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làm chúng ta phải kinh ngạc vì vẻ đẹp rất có hồn của chúng. Với muôn vàn các dáng dấp cong, thẳng, góc cạnh, vát chéo,… các sản phẩm ở đây vẫn giữ được sự tươi sáng, bóng ngời của nước men nhiều màu như trắng, nâu, vàng, xanh ngọc… rất khác biệt.
Bên cạnh những sản phẩm dùng để trưng bày như bình phong, lư,… các sản phẩm trang trí cũng được bày bán rất nhiều ở đây. Từ những chiếc chuông gió với đủ loại kích cỡ đến hình ảnh 12 con giáp được làm bằng sứ hay các sản phẩm dùng để trang trí hòn non bộ với những màu sắc bắt mắt thu hút ngay mọi người ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Hầu hết mọi gia đình trong làng đều theo nghề truyền thống của cha ông để lại nên nhà ai cũng có xưởng gốm. Khi đến tham quan xưởng gốm, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy các công đoạn của quá trình làm ra các sản phẩm gốm. Bạn sẽ bất ngờ hết cái này đến cái khác trước sự khéo léo của bàn tay những nghệ nhân khi họ tạo hình những chiếc cốc, chiếc bình hay vẽ lên đó những hoa văn sắc sảo.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, giữa sự nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại, làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng vẫn giữ nguyên được nét đẹp, nét tinh hoa vốn có. Những sản phẩm ấy được sinh ra bằng đất Việt và được thổi vào đó tâm hồn của con người Việt ta từ xa xưa cho tới ngày nay. Chúng là một nét đẹp về truyền thống văn hóa, là tinh hoa của dân tộc đã lưu giữ qua nhiều đời nay.