Văn hóa – Di sản

Giang Văn Minh – Vị Sứ thần làm vẻ vang đất nước

Hà Kỉnh 07/11/2023 16:07

Sau lưng là dãy núi Ba Vì sừng sững. Trước mặt là sông Hồng quanh năm nặng đỏ phù sa với con sông Tích uốn quanh từ chân núi Ba Vì đổ xuống lượn vòng êm ả quanh làng rồi lững lờ chảy về xuôi nhập vào sông Hát. Tấm bia đá làng Cam Lâm dựng ngày 8 tháng 10 năm Quang Thái thứ ba (1390) đời Trần Thuận Tông còn ghi rõ: “Nguyên xưa kia đất đai xứ này là núi rừng trùng điệp, gọi là Đường Lâm.”. Đường Lâm còn giữ được nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa cổ đáng quý.

giang-van-minh.jpeg
Tranh minh họa Giang Văn Minh đi sứ.

Đường Lâm, nhất là Mông Phụ, xưa có rất nhiều người học hành đỗ đạt, có nhà cha con nối tiếp nhau đỗ đạt cao và làm quan to dưới thời phong kiến. Nhưng vinh hiển và lẫy lừng hơn cả là cụ Thám hoa họ Giang, mà ngày nay ngôi nhà thờ “Giang Thám hoa công tự” ở ngay sát đình làng Mông Phụ, còn có bia đá ghi những nét cụ thể về cuộc đời và sự nghiệp. Nhà thờ họ bằng gạch, mái lợp ngói cổ, tuy không to lắm nhưng vẫn giữ dáng dấp của ngôi nhà cổ chồng diềm 4 mái. Trong nhà câu đối hoành phi treo la liệt, nhưng đáng chú ý là câu đối treo giữa nhà:

- Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp

(Trăm năm lễ nghĩa làng Mông Phụ)

- Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn

(Nghìn thuở thanh danh, cửa Thám hoa)

Ngọc phả họ Giang cùng hai tấm bia đá “Thám hoa công truy trạng bia” và “Bản xã tiên hiền bi ký” khắc năm Vĩnh Thọ thứ 1 (1658) đời Lê Thần Tông và những câu chuyện truyền khẩu của bà con trong xã cho biết:

Giang Văn Minh, tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung tiên sinh, sinh ngày mồng 6 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1582) tại làng Mông Phụ, ấp Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội).

Từ thuở nhỏ, ông tuấn tú, thông minh, học đâu nhớ đấy, văn thơ lưu loát, ứng đối lanh lợi, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Ông thường đi lại chơi bời, vịnh thơ, xướng họa cùng với ông Phùng Công Thế, người thôn Kim Bí, huyện Tiên Phong và ông Lã Công Thời người làng Cam Đà, huyện Minh Nghĩa (nay đều thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội).

Năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông, cả ba ông cùng đi dự khoa thi Đình. Ông Minh đỗ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, còn hai ông Thời và Thế cũng đều đậu Tiến sĩ.

Ông được bổ ra làm quan. Năm Đức Long thứ ba (1631) ông được phong chức Thái bộc tự khanh, tước Phúc Lộc bá. Đến năm Dương Hòa thứ 4 (1638) ông lại được Thanh Đô vương Trịnh Tráng phong cho chức Tả phủ tây quốc công và mùa đông năm ấy cử ông đi trấn thủ Nghệ An.

Cuối thế kỷ thứ XVI sang đầu thế kỷ thứ XVII, triều đại phong kiến nhà Minh bước sang thời kỳ suy vong đến cực độ. Những cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra rầm rộ khắp nơi, lôi cuốn hàng vạn, hàng triệu nông dân nghèo khổ vào những cuộc đấu tranh mãnh liệt.

Tình hình khủng hoảng và suy yếu cực độ ấy không cho phép nhà Minh trở lại xâm lược nước ta. Tuy vậy, nhà Minh vẫn tận dụng mọi thời cơ để uy hiếp và hạch sách nhũng nhiễu triều đại phong kiến thống trị của nước ta.

Mùa đông năm Dương Hòa thứ ba (1637), tức là năm Sùng Trinh, thứ 10 của nhà Minh, Lê Thần Tông cử một phái bộ do ông Giang Văn Minh làm chánh sứ cùng với các ông Nguyễn Duy Hiếu, Nguyễn Quang Minh, Trần Nghị,... đi sứ sang “Thiên triều” để xin cầu phong cho vua Lê Thần Tông.

Khi phái bộ của Giang Văn Minh sang đến Yên Kinh gặp lúc sắp đến tiết khánh thọ nên không được vào bệ kiến ngay, mà phải ăn chờ nằm chực ngoài dịch xá.

Cuốn Giang Thám hoa phả tộc và truyền thuyết lưu giữ trong ký ức nhân dân địa phương kể rằng: Thế rồi, thời gian trôi đi, thấm thoát đã được gần một năm nằm ở dịch xá, nhưng vẫn chưa được “Thiên triều” gọi vào yết kiến.

Một hôm, sau những ngày mưa rơi tầm tã, khí hậu ẩm thấp và rét buốt, nhân được buổi nắng ráo, ông Minh liền đem mũ áo và đồ văn thư nghiên bút ra phơi nắng. Tiện thể ông cởi áo, phanh ngực và bụng ra để sưởi nắng. Bọn cận thần của nhà Minh thấy sứ giả An Nam có hành động lạ thường, bèn vào tâu với vua Minh, Minh Tông liền cho mời ông vào chầu và hỏi: “Sau những ngày mưa rét, hôm nay trời nắng ấm, theo lệ thường là ngày vui vẻ của toàn dân, mọi người rủ nhau đi chơi ngắm cảnh, thưởng thức những ngày ấm áp trên đất Yên Kinh, sao sứ thần không đi đâu mà lại nằm phanh bụng ra phơi nắng là ngụ ý thế nào?”...

Ông Minh liền tâu: “Chẳng giấu gì Thiên triều, thần từ nhỏ vốn người ham đọc sách thánh hiền, học đâu nhớ đấy nên bao nhiêu bồ chữ trong thiên hạ, thần đã thu về để nằm im trong bụng. Từ ngày sang quý quốc, khí hậu ẩm thấp, thần sợ chữ sách thánh hiền lâu ngày không dùng đến sẽ bị mốc, nên nhân ngày nắng ấm, thần vạch bụng ra phơi cho khỏi mốc chữ đó mà thôi!”...

Thấy tài ứng đối lanh lợi lại thông minh và thấy có nhiều điều lạ, biết ông Minh không phải là người thường nhưng để thử tài cao học rộng và trí thông minh của ông đến đâu, vua Minh liền phán: “Đã lâu nay Thiên triều được nghe tin khanh là bậc thông minh, tài giỏi, nhưng trẫm chưa có dịp để tiếp kiến. Nay nhân ngày vui vẻ trẫm ra một vế câu đối, khanh thử đối lại xem sao. Rồi vua Minh liền đọc:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục

(Cột đồng trụ tới nay rêu đã xanh)

Trong vế ra, vua Minh cố ý nhắc lại chuyện Mã Viện nhà Đông Hán у xưa kia sang đánh nước ta đã dựng một cột đồng trụ để bêu xấu, khinh miệt nhân dân ta.

Nghe xong, căm giận trước sự xúc phạm tới danh dự của dân tộc mình, không cần suy nghĩ lâu, ông kiêu hãnh và dõng dạc đọc luôn vế đối:

Đằng giang tự cổ huyết do hồng

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)

Vế đối thật hoàn chỉnh, lời lẽ đanh thép và đầy khí phách anh hùng của người chiến thắng, cố ý muốn nhắc lại chuyện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), Lê Hoàn đánh tan quân Tống (981) và Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông (1288) trên sông Bạch Đằng, để nhắc lại cái nhục của những quân xâm lược phương Bắc đã bao lần lăm le muốn cướp nước Nam ta nhưng đều bị đánh cho tơi bời, tan tác.

Khiếp phục trước tài ứng đối, trí thông minh và lòng tự hào dân tộc của ông, một phần uất ức trước việc sứ thần An Nam dám ngạo mạn nhắc lại cái nhục đi cướp nước của “Thiên triều”, bất chấp cả luật lệ bang giao, vua Minh liền nổi trận lôi đình hầm hầm nét mặt, quát tháo inh ỏi: “Sứ thần An Nam cố ý làm nhục Thiên triều, tội đáng xử trảm”, liền ra lệnh cho quân sĩ lấy trám đường gắn vào hai mắt và bịt miệng ông lại rồi cho mổ bụng ông xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến chừng nào?”. Ngày ấy là ngày 2 tháng 6 năm Dương Hòa thứ năm (1639) tức là năm Sùng Trinh thứ 12 đời Minh. Giang Văn Minh bị sát hại năm 57 tuổi.

Sau khi giết hại Giang Văn Minh, vua Minh liền sai người lấy thủy ngân hãm vết mổ, cho ông ngậm nhân sâm rồi cho vào quan tài đóng kín có hai lớp gỗ dày (trong quan ngoài quách) rồi trao trả cho sứ bộ mang thi hài ông về nước an táng.

Thế là phái bộ chưa hoàn thành được nhiệm vụ vua giao đã phải lên đường về nước. Sau gần 6 tháng ròng, phái bộ đã phải vượt qua bao nhiêu chặng đường vất vả mới mang được linh cữu Giang Văn Minh về đến quê hương và quàn tại quán Đồng Dưa (nay ở gần thôn Phụ Khang) chờ vua Lê và chúa Trịnh về làm lễ an táng.

Được tin sứ thần Giang Văn Minh đã chết một cách anh hùng, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng vô cùng thương tiếc. Đích thân vua Lê và chúa Trịnh đã về tận quê hương để dự lễ an táng ông. Đứng trước linh cữu vị sứ thần dũng cảm và thông minh, không chịu khuất phục trước uy vũ của quân thù để bảo vệ danh dự của Tổ quốc; vua Lê Thần Tông than rằng: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Đi sứ không trái mệnh vua, không để nhục nước, xứng đáng là anh hùng thiên cổ) và truy tặng ông “Công Bộ Tả thị lang Minh Quận công”. Trong lời văn truy điệu ông, có đoạn viết:

Thục bất hữu sinh,

Sinh như công gia.

Sinh ư khoa giáp,

Kỳ sinh gia vinh.

Thục bất hữu tử,

Tử như công gia.

Tử ư quốc sự,

Kỳ tử do sinh..

(Ai chẳng có sống,

Sống mà như ông.

Sống nơi khoa giáp,

Sống là hiển vinh.

Ai chẳng có chết,

Chết mà như ông.

Chết vì việc nước,

Mất cũng như còn)...

Lễ an táng ông thật là trọng thể. Thi hài ông được bà con mai táng tại xứ Gò Đông, trước mặt khu đồi Văn Miếu của tỉnh.

Hiện nay, ngôi mộ của ông vẫn còn và được bà con họ Giang xây bệ gạch tay ngai, xung quanh có tường hoa để bảo vệ. Còn ngôi quán, nơi làm lễ an táng ông, được nhân dân địa phương gọi là quán Giang để ghi nhớ sự tích của vị sứ thần khảng khái đã làm vẻ vang cho đất nước./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giang Văn Minh – Vị Sứ thần làm vẻ vang đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO