Chuyển động Hà Nội

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo sự chủ động, phân quyền nhiều hơn cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy chính quyền

Trung Kiên 22/05/2024 20:39

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung Chương II “Tổ chức chính quyền đô thị”, các quy định về tổ chức bộ máy chính quyền trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hà Nội so với Dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XV lần đầu vào tháng 10/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND Thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường.

hdnd-ha-noi.jpg
Quang cảnh Kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 16) HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 15/5/2024. (Ảnh tư liệu).

Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi chỉnh lý gồm 7 Chương và 55 Điều (giảm 4 Điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023), trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 Điều, bỏ 6 Điều, bổ sung mới 2 Điều. Theo nội dung Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6) sẽ xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Điều này được minh chứng khi Khoản 4 Điều 9 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, HĐND thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và có nhiệm vụ, quyền hạn:

Quyết định số lượng đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách; số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách, số lượng thành viên các Ban của HĐND. Ban hành Quy chế làm việc của HĐND Thành phố, trong đó có nội dung về đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác; bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước.

Quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các Ban của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố. Xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.

hdnd-ha-noi-ltd-2.jpeg
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) qua chỉnh lý đã bổ sung các nội dung tạo sự chủ động, phân quyền nhiều hơn cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy chính quyền. (Ảnh tư liệu).

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên (dự thảo Luật trình Quốc hội lần đầu quy định không quá 9 thành viên), gồm: Chủ tịch HĐND, không quá 3 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực HĐND Thành phố do HĐND Thành phố quyết định (Khoản 2 Điều 9).

Đồng thời, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong thời gian HĐND Thành phố Hà Nội không họp, Thường trực HĐND Thành phố quyết định các nội dung: Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; Điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công; Việc hỗ trợ cụ thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật này căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm đã được Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất (khoản 5 Điều 9). Quy định này giúp Hà Nội giải quyết các vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý đến thời điểm này đã bổ sung nội dung quan trọng, đó là HĐND thành phố Hà Nội được thành lập không quá 6 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể. Số lượng, tên gọi và phạm vi lĩnh vực phụ trách của các Ban do HĐND Thành phố quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND hoặc Thường trực HĐND khóa trước trong trường hợp quyết định tại kỳ họp thứ nhất của HĐND.

Ban của HĐND thành phố Hà Nội gồm Trưởng ban do HĐND bầu; Phó Trưởng ban và các Ủy viên do Thường trực HĐND Thành phố phê chuẩn. Thường trực HĐND quyết định số lượng Phó Trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 2 người trên một Ban. Ban có bộ phận hoạt động chuyên trách để giúp giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian Ban không họp (Khoản 3 Điều 9)./.

***

(Trong bài viết, những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 được Tạp chí Người Hà Nội thể hiện bằng chữ in nghiêng).

Bài liên quan
  • Chắp cánh cho văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội vươn cao
    Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có sự cập nhật về “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”, hứa hẹn sẽ chắp cánh cho Hà Nội phát triển mạnh các lĩnh vực này. Thông qua đó, văn hóa – thể thao – du lịch Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế theo định hướng của Trung ương cũng như mục tiêu của Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo sự chủ động, phân quyền nhiều hơn cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy chính quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO