Chắp cánh cho văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội vươn cao
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có sự cập nhật về “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”, hứa hẹn sẽ chắp cánh cho Hà Nội phát triển mạnh các lĩnh vực này. Thông qua đó, văn hóa – thể thao – du lịch Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế theo định hướng của Trung ương cũng như mục tiêu của Hà Nội.
Điều 21 “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã qua chỉnh lý so với Dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XV lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), xác định xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Đồng thời ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Thời gian qua, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch và thể thao trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời Thành phố đã, đang có nhiều giải pháp tháo gỡ, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách cho văn hóa, thể thao và du lịch để các lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Các khu vực, di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo Luật Thủ đô (sửa đổi) có: Khu vực Ba Đình; Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đặt Khu di tích Cổ Loa và các di tích quốc gia đặc biệt khác, các di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trên địa bàn Thủ đô; di tích cấp Thành phố; di sản văn hóa trong danh mục được kiểm kê; Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây; Phố cổ, làng cổ và làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu; Biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị thuộc diện tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị.
HĐND thành phố Hà Nội quy định danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị; di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trên địa bàn Thủ đô quy định tại các điểm c, d, e và g khoản này.
Theo nội dung Khoản 4 Điều 21 “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên theo khả năng cân đối ngân sách Thành phố đối với trường hợp:
Người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; Việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Vận động viên, huấn luyện viên của Thành phố tham gia đào tạo, huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao, tập huấn đội tuyển thể thao thành tích cao của Thành phố, đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia; Đào tạo, bồi dưỡng vận động viên trở thành huấn luyện viên, trọng tài viên quốc gia, quốc tế; Vận động viên, huấn luyện viên, người hoạt động nghệ thuật bị tai nạn, suy giảm sức khỏe do đào tạo, huấn luyện, thi đấu, biểu diễn nghệ thuật; vận động viên, huấn luyện viên, người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được học nghề để chuyển nghề khi không còn đáp ứng yêu cầu thi đấu, huấn luyện, hoạt động nghệ thuật. HĐND thành phố Hà Nội quy định mức thưởng bổ sung đối với huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại giải thể thao thành tích cao.
Điều 21 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND thành phố Hà Nội có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. UBND thành phố Hà Nội quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản này. Đây chính là một điểm mới bởi hiện nay, Luật Du lịch giao thẩm quyền cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện nội dung này./.
Với những Điều, Khoản về “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Dự án Luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6) thông qua, sẽ chắp cánh cho văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội vươn tầm cao mới. Bởi lẽ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” đã tháo gỡ vướng mắc, lấp khoảng trống cho Luật Thủ đô hiện hành khi chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa bắt kịp thực tiễn phát triển của Thủ đô trong hơn 10 năm thi hành Luật.
***
(Trong bài viết, những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 được Tạp chí Người Hà Nội thể hiện bằng chữ in nghiêng).