Đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành cuối tháng 7/2024
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết như trên tại phiên họp thứ hai của Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM, sáng 17/7.
Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã vận hành thử đoạn trên cao. Các Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính cũng chỉ đạo đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát các điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập Hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.
Metro Nhổn - Ga Hà Nội dài là 12,5 km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới đoạn trên cao là tháng 7/2024, toàn tuyến là năm 2027.
8 nhà ga trên cao và depot Nhổn đã được công nhận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 10 đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem. Các thiết bị tại nhà ga và depot cũng đã dán tem kiểm định. Tư vấn Systra cũng cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự kiến cuối tháng 7/2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Tương tự, dự án tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư.
TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh hoàn thành thi công các hạng mục còn lại; thực hiện chạy thử, vận hành hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, chấp thuận về môi trường... để đưa vào sử dụng trong tháng 12/2024.
Tại cuộc họp, Tổ công tác đã nghe báo cáo, góp ý nội dung 2 đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035, nhất là về các cơ chế, chính sách, phương án huy động nguồn lực phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi thành phố.
Lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng cho rằng đây là những đề án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên ngành, trong điều kiện pháp luật còn nhiều vướng mắc, nên cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai đầu tư trong thời gian qua để đề xuất mục tiêu, giải pháp xây dựng tuyến đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ./.