Văn hóa – Di sản

Đỗ Nhuận – nhân tài thời thịnh trị

Nguyễn Vinh Phúc 05/11/2023 15:06

Đỗ Nhuận người làng Kim Hoa, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc (nay thuộc thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội), sinh năm Bính Thìn (1436). Năm 31 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466). (Theo phát hiện của các cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm năm 1987 qua việc đọc một tấm bia ở ngay nhà thờ ông ở quê). Sách Đăng khoa lục ghi tên những người đỗ đạt thì đều ghi ông đỗ năm 21 tuổi, như vậy là ông sinh năm 1446. Có lẽ điều ghi ở tấm bia ở quê hương ông chính xác hơn vì các sách có thể bị tam sao thất bản.

do-nhuan.jpg
Danh nhân Đỗ Nhuận được phối thờ tại đền Bạch Đa, xã Kim Hoa (Mê Linh, Hà Nội).

Sau khi đỗ không rõ được giữ chức vụ gì, chỉ biết đến tháng 8 năm Quang Thuận thứ 9 (1468), Đỗ Nhuận cùng với Quách Đình Bảo theo hầu vua về thẳng Lam Kinh, vua tôi xướng họa, tập hợp lại thành tập Anh hoa hiếu trị.

Sách Tao đàn, tác giả, tác phẩm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1994) cho biết:

“Đêm ngày 25 tháng 11 năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Đỗ Nhuận được gọi vào hầu vua (Lê Thánh Tông), cùng vua bàn về thiên văn và hai chữ “đạo lý”. Thật là một bề tôi được quân vương đặc biệt ưu ái.

Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Đỗ Nhuận được thăng Đông các hiệu thư.

Ngày 11 tháng 5 năm Hồng Đức thứ 6 (1475), thi Đình tại điện Kính Thiên, vua thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa. Đông các hiệu thư Quách Đình Bảo là những người được cử đọc. Khoa ấy lấy 43 người đỗ, trong đó có Ngô Luân, sau là hội viên hội Tao đàn.

Tháng 11 năm Hồng Đức thứ 14 (1483), Đỗ Nhuận cùng Thân Nhân Trung đứng chủ biên bộ Thiên Nam dư hạ là bộ sách gồm 100 tập. Song đến cuối thế kỷ XVIII đã thất lạc nhiều, “mười phần chỉ còn một hai phần” (Phan Huy Chú). Dù sau này nhiều người sưu tầm lại, sao chép lẫn lộn song bộ sách này cũng là kho tư liệu quý trong việc tìm hiểu điển chế đời Lê.

Sau đó Đỗ Nhuận được thăng Đông các học sĩ.

Tháng 8 năm Hồng Đức thứ 18 (1484) bắt đầu dựng bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám. Lê Thánh Tông sai Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ chia nhau soạn văn bia. Đỗ Nhuận được phân công viết bài văn bia khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 (1488).

Tháng 11 năm Hồng Đức thứ 25 (1494) thành lập hội Tao đàn gồm 28 nho thần, do chính vua làm Tao đàn Chánh Nguyễn soái và cử Thân Nhân Trung cùng Đỗ Nhuận giữ chức Tao đàn Phó Nguyên soái. Vua tôi xướng họa, ca ngợi tiết tháo bề tôi... tập hợp lại thành tập Quỳnh uyển cửu ca. Nhưng năm sau, Hồng Đức thứ 26 (1495) Đỗ Nhuận qua đời, thọ 59 tuổi.

Đỗ Nhuận sáng tác nhiều, nhưng chưa xếp thành tập riêng, nên thất lạc không ít, số còn lại hiện nằm rải rác ở các sách khác nhau. Bước đầu tập hợp được một số sáng tác sau đây: 1- Thiên Nam dư hạ (Đồng chủ biên); 2- Anh hoa hiếu trị (Đồng tác giả. Hiện chưa thấy sách này); 3- Thân chinh ký sự (Hiện chưa thấy sách); 4- Bài văn bia Thái Hòa lục niên Mậu Thìn khoa Tiến sĩ đề danh (Đề tên tiến sĩ khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6) còn ở Văn Miếu Hà Nội; 5- Quỳnh uyển cửu ca (Đồng tác giả, trong đó có 9 bài thơ họa và 6 đoạn văn bình thơ Lê Thánh Tông); 6- Châu cơ thắng thưởng (Đồng tác giả); 7- Chùm thơ ba bài (Đồng tác giả, họa đủ 3 bài và đoạn văn bình thơ Lê Thánh Tông)...

Với vai trò Tao đàn Phó Nguyên soái hẳn Đỗ Nhuận đã góp không ít công sức xây dựng hội này thành một tổ chức sáng tác văn thơ thường kỳ và theo từng chủ đề. Đỗ Nhuận và nhóm Tao đàn đã thể hiện được tư tưởng yêu nước và lý tưởng xã hội chính trị tương đối tích cực. Tuy nhiên, vì là thơ làm theo yêu cầu của nhà vua nên thường khô như những bài thuyết lý về đạo Nho, song đôi lúc ta cũng bắt gặp cảm hứng chân thực của cá nhân thi sĩ như vịnh hoa mai, Đỗ Nhuận có câu:

Tuyết cán phong phiêu đỉnh đỉnh cô,

Thanh cao vạn hộc trọng minh châu.

(Cốt cách từng trải gió tuyết đĩnh đạc,

Vẻ thanh cao muôn hộc trọng như ngọc minh châu)

Đôi lúc Đỗ cũng thể hiện cảm hứng phiêu diêu, thoát tục:

Thế thượng hồng trần lao nhiễu nhiễu,

Nhất sinh thùy thức bạch vân nhàn.

(Đề Lục Vân động)

(Sống trong bụi hồng trần trên đời vất vả phiền nhiễu,

Suốt đời mấy ai biết được làn mây trắng thư nhàn)

(Đề động Lục Vân)

Nhưng trên đại thể thơ Đỗ Nhuận tỏ ra tự hào về sự thánh trị của vương triều thể hiện ở trạng thái xã hội ổn định. Sản xuất nông nghiệp phát triển, nhân dân an cư lạc nghiệp:

Chi tại phật long phong tập lợi,

Hưu trung thời ứng vũ như thăng.

Cửu niên hữu tích, bang tu liễn,

Tứ hải vô nga, đế nghiệp hằng.

(Phong đăng)

(Đời thịnh trị tột bậc sẵn có gió hòa,

Điềm lành luôn ứng thường mưa thuận.

Thóc lúa tích trữ chín năm, trù bị trong nước dồi dào,

Bốn bể bình yên, công nghiệp nhà vua rộng lớn)

Ý thức về sự thịnh trị của vương triều trong thơ Đỗ Nhuận còn gắn liền với niềm tin mạnh mẽ vào thế vững bền trường cửu của đất nước non sông:

Cảnh ngưỡng thánh thần toàn thịnh mỹ,

Đường đường quốc thế Thái bàn niên.

(Quân đạo)

(Ngưỡng mộ thánh thần toàn thịnh trị,

Quốc thế trang nghiêm hùng vĩ như Thái Sơn bàn thạch)

Dưới đây xin trích hai bài Đỗ Nhuận phụng hoạ thơ Lê Thánh Tông:

Đồng bào cộng chẩm lưỡng nan câu,

Tàn nguyệt tây doanh khách mộng cô.

Bích thảo tình hoài không nghị hận,

Thanh sương chí khí thượng hoành thu.

Trầm trầm cổ giác song thanh đoạn,

Niểu niểu lân hồng nhất tự vô.

Thử khứ mạo hiềm ly biệt khổ,

Nhân sinh kỷ đáo Đế vương châu.

(Tư gia tướng sĩ)

(Cùng áo bào lại cùng chăn gối, hai cái đó khó đạt,

Trăng tàn doanh trại phía tây, giấc mộng cô đơn trên đất khách.

Tình cảm anh em luống những ân hận,

Chí người tráng sĩ, còn ngang trời thu.

Tiếng trống, tù và nặng nề vang lên rồi đứt đoạn,

Tin nhạn thư cá biền biệt không có lấy một hàng.

Chuyến đi này, chẳng ngại khổ vì cảnh ly biệt,

Vì đời người mấy khi được đến đất Đế vương)

(Tướng sĩ nhớ nhà)

Tường Luân dịch thơ:

Chung áo, chung chăn, khó cộng cam,

Trăng tàn Tây trại mộng cô đơn.

Anh em tình nghĩa lòng đau đáu,

Tráng sĩ khí cao dạ ngổn ngang.

Tiếng trống tù và xen mấy tiếng,

Thư chim tin cá vắng đôi hàng.

Hiềm chi gian khổ vì ly biệt,

Mấy dịp được về đất Đế vương?

Hai câu kết thì rõ là công thức, chứ bốn câu thực và luận thì thấm đẫm tình người, sự ly cách là nỗi khổ hiển nhiên.

Bài phụng họa thứ hai:

Oa hoàng dẫn phủ khắc toàn ngoan,

Biệt chiếm hồ thiên nhãn giới khoan.

Cảnh hữu thanh phong tần vị tảo,

Môn vô tục khách bất tằng quan.

Dẫn niên nhạn khi xuân đài trưởng,

Hành vũ long quy dạ động hàn.

Thế thượng hồng trần lao nhiễu nhiễu,

Nhân sinh thùy thức Lục Vân nhàn?

(Lục Vân động)

(Nữ Oa lấy búa đục khắc nên hiểm trở hay sao?

Riêng chiếm một bầu trời, tầm mắt bao la.

Cảnh có gió trong thường đến quét dọn,

Cửa không khách tục, chưa từng đóng bao giờ.

Nhạn đi, năm tháng trôi, rêu xuân xanh biếc,

Rồng về, đem theo mưa, động đêm lạnh lùng.

Bụi trần của cuộc đời quấy nhiễu cho mệt mỏi,

Người đời mấy ai đã biết cảnh thanh nhàn của động Lục Vân)

(Động Lục Vân)

Nguyễn Tuấn Lương dịch thơ:

Nữ Oa dùng búa tạc sơn xuyên,

Động mở một bầu thiên tạo riêng.

Gió mát vẫn thường hay quét dọn,

Cửa không cần đóng, khách không tìm.

Nhạn đi năm cũ, rêu xuân biếc,

Rồng đến mưa về, động lạnh đêm.

Bụi tục làm cho đời mệt mỏi,

Mấy ai đã biết động mà lên?

Thật là một bức tranh đẹp, rất đáng yêu, thiên nhiên thanh thoát và ít nhiều mang tính ai hoài.

Cuối cùng, cũng cần phải nói tới tấm bia Tiến sĩ khoa 1448 do Đỗ Nhuận soạn. Nguyên ở ta khoa cử có từ lâu, nhưng mãi tới đời Lê Thánh Tông, cụ thể là tới năm 1484 vua mới có sáng kiến cho khắc tên các Tiến sĩ vào bia đá dựng ở nhà Thái học. Năm đó vua cho dựng 10 bia, kể về 10 khoa thi tiến sĩ từ năm 1442 đến khoa 1481.

Khoa đầu tiên (1442) do Thân Nhân Trung soạn. Khoa thứ hai (1448) do Đỗ Nhuận soạn. Khi ấy Thân, Đỗ là hai đại thần tài học siêu việt được vua rất tín nhiệm nên mới được giao nhiệm vụ quan trọng như trên.

Thân Nhân Trung lúc đó là Phụng trực đại phu Hàn lâm viện thừa chỉ kiêm Đông Các đại học sĩ. Còn Đỗ Nhuận là Trung trinh đại phu Hàn lâm viện thị độc kiêm Đông Các đại học sĩ. Túc là cũng một mười, một chín rưỡi. Duy văn bia của Thân Nhân Trung là bia đầu tiên và có một câu văn đã trở thành tuyên ngôn: Hiền tài là nguyên khí quốc gia nên nhiều người biết tới. Còn bài văn bia của Đỗ Nhuận có những ý tứ rất hay, cũng trở thành chân lý trong đào tạo giáo dục và trị nước, song là bia thứ hai nên ít được nhắc tới. Nhiều đoạn cũng đặc sắc. Như đoạn này: “Việc chính trị lớn của đế vương không gì cân bằng nhân tại, còn muốn chế độ nhà nước hoàn bị tất phải đợi chờ các vua sáng sau này. Vì làm chính trị mà không lấy nhân tại làm gốc, lập quy chế cho đời sau mà không tính đến cho các ngôi vua sau thì đều là cẩu thả. Sau dư khiến chính trị văn hóa đều thịnh, văn vật điển chương đều đủ?”... Ý tứ cũng chẳng khác mấy với ý tứ của Thân Nhân Trung.

Ngoài ra Đỗ Nhuận còn nêu thêm ý răn đe kẻ sĩ thành đạt để họ khỏi sa ngã khi có chức vụ quyền thế: “Nay những người được đề tên ở bia này, dù nửa phần không còn nữa (vì khoa thi năm 1448 và Đỗ soạn văn bia năm 1484, gần bốn chục năm đã qua đi - NVP chú), song người trung chính hay ngụy tà, việc làm tốt hay xấu, đã có công luận nghiêm khắc. Còn những người hiện đang tại chức nên nhớ ơn trên đã lựa chọn, phải thận trọng để khỏi hổ thẹn. Còn những kẻ học sau này hãy nhìn vào bia mà lựa chọn điều hay mà noi theo, đừng để phải chê trách...”.

Trong khuôn khổ của phong trào văn học cung đình, tác phẩm của Đỗ Nhuận vẫn thể hiện được chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng chính trị xã hội tích cực của một sĩ phu có ý thức trách nhiệm với non sông, Tổ quốc./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan – tài năng và đức độ
    Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan triều Lý là một nhân vật lịch sử và văn hóa nổi tiếng của nước nhà. Tên tuổi cũng như cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp của hai ông vua anh kiệt là Lý Thánh Tông, chồng bà và Lý Nhân Tông, con trai bà.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Đỗ Nhuận – nhân tài thời thịnh trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO