Chính sách & Quản lý

Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển

Phan Anh 15:43 17/04/2024

Sáng 17/4, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật...

u36a0470.jpg
Cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách đặc thù bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ở miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền

Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển

Ghi nhận dự án Luật được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về văn hóa và di sản văn hóa nói riêng nhất là sau khi tổng kết 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam và Hội nghị văn hóa, Diễn đàn văn hóa được tổ chức công phu. Một số luật như Luật Đất đai, Luật Lưu trữ… tạo điều kiện để sửa đổi luật đồng bộ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần rà soát lại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, một số cơ chế chính sách thí điểm cho địa phương. Việc này để thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Như ở Huế, một số di tích nếu có nguồn lực tư nhân đầu tư theo định hướng của Nhà nước thì vừa phát huy, vừa bảo tồn được. Song ở một số địa phương, di dản văn hóa chưa khai thác hết.

Chủ tịch Quốc hội cũng trăn trở cần có định mức đơn giá thế nào đó để có những công trình lưu giữ mãi với thời gian, còn với đơn mức đầu tư bình thường như các công trình khác thì rất khó. “Vừa rồi Luật Thủ đô giao thẩm quyền cho HĐND TP Hà Nội quyết định nhưng với công trình của Thủ đô thôi, giờ cả nước thế nào? Tôi thấy nhiều địa phương rất lúng túng trong câu chuyện này. Nên chăng cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách đặc thù bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ở miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa đổi căn bản Luật Di sản văn hóa là phù hợp. Đến nay, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới, kỳ vọng sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý phát huy giá trị di sản văn hóa. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, di sản văn hóa được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa… và nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Cân nhắc về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa..., và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Dự thảo Luật gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình của Chính phủ.

Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, dự thảo quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách… để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của UBTVQH về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước” yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

Thực tế, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh; Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia. Do đó, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị tiếp tục cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Khoản 5, Điều 88, dự thảo luật quy định “việc sử dụng, khai thác di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân tạo ra nguồn thu cho Nhà nước phải theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan; được giữ lại một phần để sử dụng trực tiếp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

“Chúng tôi rất chia sẻ nhu cầu cần phải có nguồn kinh phí để đảm bảo việc quản lý, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Nhưng điều này không phù hợp với Luật ngân sách Nhà nước. Chúng ta không được giữ một phần khoản thu để chi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Luật. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra, tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào tháng 5 tới./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO