Văn hóa – Di sản

Đặc sắc lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội

Thụy Phương 06:00 06/03/2023

Cứ mỗi độ xuân về, cả nước lại rộn rã vào mùa lễ hội. Và Thủ đô Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Kể từ khi Hà Tây và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sáp nhập với Hà Nội, kho báu di sản lễ hội dân gian của Hà Nội lại càng trở nên phong phú, đa dạng hơn.

le-hoi-lang-dam-phuong-tay-tuu-quan-bac-tu-liem-anh-le-bich.jpg
Lễ hội làng Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) - Ảnh: Lê Bích

Đặc sắc lễ hội truyền thống

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, từ xa xưa ông cha ta sống chủ yếu bằng nghề nông, sau một năm trồng cấy gặt hái vất vả, người nông dân ước ao được nghỉ ngơi, thư giãn, gặp gỡ làng xóm cộng đồng... Lễ hội là dịp để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu đó. Thường thì lễ hội diễn ra vào hai mùa quan trọng nhất của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Đó là đầu mùa sản xuất (khi gieo trồng) - mùa xuân mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và cuối mùa sản xuất (khi thu hoạch) - mùa thu. Cứ “xuân thu nhị kỳ” tất cả các làng, xã lại tưng bừng mở hội để cầu thánh thần phù hộ cho mùa vụ tốt tươi, cuộc sống sung túc an vui...

PGS.TS Lê Trung Vũ - người đã có nhiều công trình nghiên cứu và đầu sách về hội làng, lễ hội trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng khẳng định: “Mỗi hội làng của Hà Nội có một đặc điểm riêng, song nội dung thường hướng về nông nghiệp, bởi người tổ chức và thưởng thức hội chủ yếu vẫn là nông dân”.

Với vị thế trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội gắn bó chặt chẽ với lịch sử dựng nước và giữ nước, lịch sử chống giặc ngoại xâm, mở mang lãnh thổ... Chất tinh tế, thanh lịch của người Tràng An cũng thể hiện rõ trong lễ hội dân gian qua cách ứng xử của người tham gia lễ hội, không gian lễ hội, lễ vật dâng cúng, các trò chơi, trò diễn và cả tín ngưỡng...

Dựa trên đặc điểm về nội dung thờ phụng và các sinh hoạt văn hóa... các nhà nghiên cứu dân gian đã phân chia lễ hội Thăng Long - Hà Nội thành nhiều nhóm. Trước hết là lễ hội tưởng niệm anh hùng chống giặc ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Phạm Tu, Lý Phục Man, Phùng Hưng, Ỷ Lan, Trần Khát Chân, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Trong số đó, một số lễ hội có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng rộng như hội Gióng, hội đền Đồng Nhân, hội gò Đống Đa...

Tiếp đó là các lễ hội thờ Thành hoàng: “Lễ hội làng thờ Thành hoàng ở Thăng Long - Hà Nội rất phong phú, đa dạng, nó phụ thuộc vào thần tích các vị thần, nhất là các tục hèm, truyền thống văn hóa của địa phương từ đó tạo nên những sắc thái riêng không chỉ ở các nghi lễ thờ phụng mà cả các sinh hoạt lễ hội” (PGS.TS Ngô Đức Thịnh - Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5/2009).

Một loại lễ hội mang đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội đó là lễ hội tứ trấn thần tức 4 vị thần trấn giữ bốn phương của Thăng Long (đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ - trấn phương Đông, đền Voi Phục thờ thần Linh Lang - trấn phương Tây, đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn - trấn phương Nam, quán Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ - trấn phương Bắc). Lễ hội tứ trấn khẳng định một phương thức sáng tạo không gian thiêng bao trùm lên bốn phương của Kinh thành để rồi từ đó sinh ra sức mạnh huyền diệu, giúp cho đất nước ngày càng yên vui.

le-hoi-lang-trieu-khuc-1.jpg
Lễ hội làng Triều Khúc.

Ngoài ra, còn có lễ hội thập tam trại (lễ hội của 13 trại dân nhằm biểu dương tinh thần kết chạ, kết nghĩa vốn là một mỹ tục của hội làng cổ truyền Việt Nam cũng như của Hà Nội), lễ hội “tứ bất tử” (tưởng niệm các vị thánh tứ bất tử trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội gồm có Tản Viên Sơn Thần, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng và Liễu Hạnh Thánh mẫu) và lễ hội phường nghề thủ công.

Cũng như lễ hội truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, lễ hội Thăng Long - Hà Nội được chia làm phần lễ và phần hội. Phần lễ chủ yếu diễn ra tại di tích với những trình thức được quy định chặt chẽ, nghiêm cẩn tạo nên một không gian thiêng giúp con người có cơ hội “giao tiếp” với thần linh, trở về với cội nguồn. Trong khi đó phần hội trải rộng bên ngoài di tích với những trò chơi, diễn xướng dân gian đầy tùy hứng, bất ngờ. Có thể kể đến diễn xướng tiêu biểu của hội Gióng (huyện Sóc Sơn) với “tục hèm” là màn diễn chém đầu giặc Ân; hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) với màn múa chạy cờ nhằm tái hiện lại sự tích Phùng Hưng luyện quân chuẩn bị đánh vào thành Đại La; hay màn múa giảo long (hội làng Lệ Mật, huyện Gia Lâm); thi nấu cơm, mổ gà, lấy nước, kéo lửa, xay thóc giã gạo (hội làng Lương Quy, huyện Đông Anh); tục cướp cầu (hội làng Xuân Dục, huyện Sóc Sơn)...

mua-bong-trong-le-hoi-lang-trieu-khuc.jpg
Múa bồng trong lễ hội làng Triều Khúc.

Giữ bản sắc cho lễ hội

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, do vị trí địa lý và đặc điểm lịch sử, Thủ đô Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất với 1.050/7.966 lễ hội của cả nước, trong đó lễ hội truyền thống chiếm số lượng lớn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yên Giang, lễ hội cổ truyền là sinh hoạt văn hóa tập trung nhất, tại không gian thiêng nhất, vào thời điểm mạnh nhất (chữ dùng của GS. Đinh Gia Khánh) của một cộng đồng dân cư. Ở đấy các thành tố cơ bản tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, diễn xướng văn nghệ dân gian... đều được huy động cao. “Có thể nói di sản lễ hội cổ truyền Hà Nội như một bảo tàng lớn, vô cùng phong phú về truyền thống văn hóa”, nhà nghiên cứu Yên Giang khẳng định.

Sự đa dạng, phong phú và cả tính phức hợp của lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội phản chiếu quá trình dựng nước và giữ nước, quá trình sáng tạo, bồi đắp nên bản sắc văn hóa không chỉ riêng có của đất Kinh kỳ mà còn của cả dân tộc trong suốt lịch sử mấy nghìn năm.
PGS.TS Lê Trung Vũ nhấn mạnh: “Nội dung của hội làng phong phú như vậy, cho nên mở hội chính là gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng. Mở hội, người dân có dịp ôn lại quá khứ của làng, của nước thông qua những anh hùng lịch sử hay anh hùng văn hóa, từ đó giáo dục và nâng cao lòng yêu nước, yêu quê hương cho mỗi người dân. Mở hội, cũng là cơ hội nhắc lại thuần phong mỹ tục mà ngày nay con cháu cần phát huy. Mở hội, người dân gặp gỡ, giao lưu, là dịp củng cố sức mạnh cộng đồng làng xã, cộng đồng dân tộc”.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị, tiềm năng của lễ hội, đưa lễ hội trở thành một trong những sản phẩm văn hóa, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Thủ đô cũng như cả nước, theo các nhà nghiên cứu nhất thiết phải hiểu rõ bản chất của lễ hội, từ đó sẽ có hành vi ứng xử đúng với lễ hội. Hiểu về lễ hội truyền thống Hà Nội để khai thác những cái hay cái đẹp, cái tinh túy, loại bỏ những cái không phù hợp lỗi thời là một việc làm thiết thực và vô cùng có ý nghĩa, nhất là đối với một Thủ đô có bề dày ngàn năm văn hiến như Hà Nội.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung, khai thác và phổ biến giá trị của lễ hội truyền thống, của văn hóa lễ hội trong đời sống, trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô là hết sức cần thiết. Đối với các cơ quan quản lý, việc tổ chức và quản lý lễ hội phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn, cần chú ý nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng địa phương bởi họ chính là chủ nhân, đồng thời là người quyết định tính bền vững của lễ hội truyền thống.

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị của lễ hội truyền thống chính là cách để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mà Thủ đô đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa thì lễ hội truyền thống cũng chính là nguồn lực, tiềm năng để xây dựng và phát triển văn hóa, là cơ sở để quảng bá và phát triển văn hóa du lịch…

Bài liên quan
  • Đặc sắc lễ hội truyền thống Đình Giàn
    Vừa qua, UBND phường Xuân Đỉnh phối hợp với Ban quản lý di tích cụm dân phố Cáo Đỉnh tưng bừng mở hội Đình Giàn với các nghi lễ dân gian trang trọng và các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần 20 chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hơn 3.000 người dân Thủ đô được thăm khám, sàng lọc sức khoẻ miễn phí
    Ngày 8/12, tại phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Sống khỏe mỗi ngày - Vì một Việt Nam khỏe mạnh.
  • Triển lãm "Kinh Bắc art 3"- nơi gặp mặt của hội họa miền quan họ
    Triển lãm "Kinh Bắc art 3" khai mạc vào 17h ngày 7/12 và kéo dài đến ngày 13/12 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh - 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO