Khi tìm hiểu và xác định mối quan hệ giữa định hướng nguyên tắc ý thức truyền thống “độc lập” (dân tộc) và thực tại phát triển sức mạnh “liên lập” (liên minh) trong nhận thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX cần đặc biệt chú ý đến điều kiện và thực tế lịch sử cụ thể mối quan hệ cơ hữu Việt - Pháp và chính sách bảo hộ quân sự, ngoại giao của nhà nước Pháp - Nam...
Trong “Du ký Hòn Tre” kể về ông quan Le Nestour người Pháp đã định cư và an hưởng tuổi già nơi biển đảo
như một trường hợp “An Nam hóa” độc đáo.
Chuyển hóa và in dấu sắc nét
Nhận thức tư tưởng xã hội mối quan hệ Việt - Pháp giai đoạn đầu thế kỷ XX đã chuyển hóa và in dấu sắc nét trong văn chương du ký. Từ rất sớm, Trần Trọng Kim đã ghi nhận vai trò chính phú Pháp - Nam trong việc dẹp loạn phỉ vùng biên viễn duyên hải, chủ trương tăng cường lực lượng, phân chia lại địa giới tính kế lâu dài: “Hải Ninh nay đặt là tỉnh, thuộc về đạo quan binh thứ nhất cai trị… Về thời triều ta, ở vùng ấy giặc Khách và giặc Tàu ô quấy nhiễu, dân gian bị nhiều sự khổ sở… Nhất là khi nước Pháp mới sang lập cuộc bảo hộ ở bên ta, từ vùng ấy giặc cướp lại quấy nhiễu lắm nữa, vì thế cho nên Chính phủ bảo hộ mới lấy phủ Hải Ninh mà phân ra làm một tỉnh, chia châu Vạn Ninh ra làm châu Mông Cái và châu Hà Cối, còn châu Tiên Yên thì khi có bọn lính tập Khách làm loạn ở đất Bình Liêu, Chính phủ lại đặt thêm ra châu Bình Liêu nữa. Hiện bây giờ tỉnh Hải Ninh cai quản tất cả bốn châu” (Sự du lịch đất Hải Ninh. Nam phong Tạp chí, số 71, tháng 5/1923)…
Ký giả Trọng Hòa thức nhận vẻ tân tiến tân kỳ của bãi biển Sầm Sơn trong mối liên hệ Pháp - Nam: “Nhìn kỹ lại, bãi bể này sạch sẽ hơn bãi bể Đồ Sơn và có vẻ thanh tịnh, trông rất nên thơ; trên rừng thông lai rai gió thổi như tiếng đàn khi bổng, khi trầm, đàn chim véo von liệng qua liệng lại; dưới thì làn sóng bạc ầm ầm đưa vào tạt ra, xa xa vài cánh buồm khi ẩn khi hiện. Đường sá không được trang hoàng như ở “Cap” hay ở Đồ Sơn. Một con đường đi lên thì gặp nhà Bưu điện và bót Cẩm (Commissariat), đi xuống lại gặp nhà thờ và hai “ô ten” của người Pháp. Phía dưới này có thể gọi là xóm của người Pháp vì người Pháp đi tắm bể chỉ chơi riêng và ở riêng lối đó mà thôi. Một con đường nữa chạy dọc theo mé biển, theo con đường này đi lên thì ta thấy nhà “xẹt”, người Pháp thường hay tựu nơi đấy để khiêu vũ. Kế bên lại có nhà máy điện. Cùng theo đường này đi thẳng lên chót núi thì có “villa” của quan Công sứ Thanh Hóa” (Bãi bể Sầm Sơn. Sài Gòn, số 842, ngày 30/5/1936)...
Trường hợp “An Nam hóa” độc đáo
Đặc biệt, ký giả Nguyễn Thiên Kim trong Du ký Hòn Tre kể về ông quan Le Nestour người Pháp đã định cư và an hưởng tuổi già nơi biển đảo như một trường hợp “An Nam hóa” độc đáo: “Từ châu thành Rạch Giá đi ra tới Hòn, nếu mà gặp thuận buồm xuôi gió, trong bốn giờ đồng hồ đã đến tận nơi, còn rủi gặp lúc nghịch cảnh, giông to mưa lớn thì khổ lắm… Hòn này của ông Le Nestour khẩn hoang để làm vườn, và ông có xin với Nhà nước cho phép ông làm chủ vĩnh viễn, nhưng Nhà nước không chấp nhận lời xin của ông, vì không dám chắc được nó thuộc về Nam Kỳ, bởi nó nằm khơi ngoài mặt bể. Nhưng ông có công khai mở và trồng trặc cây trái thì ông được quyền hưởng huê lợi mà thôi.
Tại Hòn Nhứt là nơi cổ rùa, ông trồng biết bao nhiêu là cây trái, như dừa thì có trót mười ngàn cây, xoài đôi ba ngàn gốc, chanh, quít, bưởi thơm, vân vân, và còn nhiều thứ cây trái gốc ở bên Tây ông đem qua trồng thử; thứ nào ông trồng cũng đủ số hết. Theo lời ông tính sơ cho tôi nghe, một cây dừa mỗi năm ông bán trái một đồng bạc mà thôi, mười ngàn cây thì thấy lợi được 10.000$, còn huê lợi các thứ cây trái khác không kể. Nhưng cây trái trồng ngoài Hòn đều tươi tốt và thạnh mậu lắm, có lẽ nhờ nước ngọt và đất tốt…
Ông Le Nestour cất nhà của ông tại nơi cổ Rùa và cách mé biển chừng mười lăm thước tây; nhà cao cẳng, lợp ngói vách vàng. Tự xứ Rạch Giá, ai cũng đều kiến nhường ông là bực cao kiến, lão thành trong bổn tỉnh. Ông năm nay tuổi trên tám mươi, và mới từ trần hồi năm ngoái (1926). Ông là tác giả cuốn Le Livre de la Terre, sách ấy dạy trồng tỉa cây trái và nhiều đều cần ích nơi xứ Nam Kỳ. Nhờ ở nước An Nam thâm niên nên ông thông hiểu phong tục của ta lắm. Một đều rất lạ là ông có con gái đông lắm, vì ông hai ba bà vợ, mà ông chẳng hề chịu gả cho người Langsa. Ông chê người Langsa vô phép, còn người An Nam có phép tắc nên ông gả con ông cho An Nam mà thôi. Mấy cô con gái của ông, mặt mày nhờ giống ông nên phương phi đẹp đẽ cả và học cũng giỏi nữa. Những khách du lịch đi viếng Hòn, ông tiếp rước và đãi đằng rất tử tế, ai muốn dùng cơm An Nam hay là cơm Tây, ông rất sẵn lòng. Có một khi kia tôi rất may đặng đàm đạo cùng ông, nhờ vậy tôi đặng biết, tuy ông người Pháp nhưng ông cũng sùng bái tin tưởng thánh thần như An Nam ta vậy… Trên Hòn, nơi mấy cục đá lớn, ông đều có gắn con hình (hình thứ Chệc làm để gắn trong các chùa) và mỗi buổi chiều đều có thắp nhang hết. Ông gọi mấy hình ấy là ông thần sông, ông thần núi, thần này thần nọ… Bề thế ông làm ăn ngoài Hòn coi mòi sung túc lắm. Mỗi năm huê lợi tính phỏng trót có trăm ngàn đồng. Ông cũng có mướn cu li để đánh cá biển nữa. Ai là người ngán ngẩm cuộc đời nên đến Hòn nầy trú ngụ để dưỡng chí thanh nhàn tốt lắm” (Công luận, số 758, ngày 26/12/1927)...
Xác định vị thế vùng đảo
Lại như ký giả Thiết Hãn Tử trong Côn Nôn ký sự đã công phu tường thuật lịch sử mối quan hệ Việt - Pháp qua nhiều thế kỷ, nhiều điều ước, nghị định và xác định vị thế vùng đảo trong thực tại: “Theo lời các nhà khảo cổ, những người đến Côn Nôn trước tiên là người Bồ Đào Nha, vì có lúc người Langsa mới đến còn thấy tiền đồng đề hiệu vua Charless Quint năm 1521. Có kẻ đoán rằng những tiền đó là do bọn ăn cướp biển ở bên Phi Luật Tân đem lại. Năm 1780, tàu binh Langsa do quan ba Cock chỉ huy đến neo ở Côn Nôn, lúc ấy nhằm lúc có ông Evèque D’sdran. Năm 1787, hai triều đình Pháp - Nam ký điều ước với nhau, đảo Côn Nôn thuộc quyền vua Louis XVI cai trị. Tuy vậy mãi đến năm 1861 người Tây mới tới lập đồn trại ở Côn Nôn. Quan binh Bonard đặt một cái khám, nhốt tội nhơn nào bị xử từ 1 năm đến 10 năm. Trước kia Côn Đảo thuộc dưới quyền quan binh (cũng như Lai Châu, Moncay). Nhưng sau này theo đạo sắc lịnh năm 1881 của Hội đồng Thuộc địa, Côn Nôn thuộc quyền một quan cai trị ở Nam Kỳ bổ ra. Mấy lúc đó thì đường giao thông không tiện, nhờ ngày nay hãng Messageries Maritimes cho tàu chạy đường Sài Gòn - Singapore và Sài Gòn - Bangkok nên Côn Nôn cũng không hẻo lánh nữa… Bốn làng ở Côn Nôn xưa kia ở tách riêng làm nhiều nơi, song nhà nước Đại Pháp - theo Điều ước - lấy cả đảo làm thuộc địa, nhân dân mấy làng đó đều phụ thuộc vào ngạch gác - dăng hết. Người xã trưởng làng An Hải năm 1928 đã dời lên gần khám đường lập tiệm buôn bán” (Công luận, số 2328, ngày 6/4/1932)...
Nhìn chung, trên tất cả các phương diện quân sự, chính trị, ngoại giao, an ninh, du lịch các vùng duyên hải và biển đảo đầu thế kỷ XX đều ghi rõ dấu ấn mối quan hệ tòng thuộc “liên lập” Pháp - Nam. Trong chừng mực nhất định, tinh thần “liên lập” Pháp - Nam đã góp phần thức tỉnh nhu cầu sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như khả năng lan tỏa vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và các tác phẩm du ký. Lịch sử đã sang trang nhưng bài học tinh thần “liên lập” bảo vệ chủ quyền và phát triển các vùng duyên hải, biển đảo giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX còn mãi ý nghĩa cho hôm nay và mai sau.
Đón đọc kỳ cuối:
Tầm nhìn hiện đại hóa