Đoạn sông Tô lịch gần đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Sau 5 ngày triển khai thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, nhiều chuyên gia cho rằng theo như giới thiệu của phía Nhật Bản thì giải pháp làm sạch sông này khá tiện lợi, bước đầu đã cho thấy sự cải thiện, thay đổi tương đối về mùi và màu sắc của nguồn nước ngay sau vài ngày thử nghiệm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc công nghệ Nhật Bản có làm sạch được sông Tô Lịch và hiệu quả có lâu dài hay không thì vẫn chưa thể khẳng định, vì dòng sông này có rất nhiều nguồn thải khác nhau nên vẫn cần nhiều thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi.
Công nghệ “tái sinh” sông Tô lịch
Sau hàng chục năm “sống chung với mùi ô nhiễm” từ nguồn nước sông Tô Lịch, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sinh sống ven đường Hoàng Quốc Việt (gần sông Tô Lịch) cho biết, gia đình bà rất vui khi nghe tin dòng sông gắn bó gần nửa cuộc đời mình sẽ được làm sạch bởi công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.
Bà Hoa cho biết, những năm trước, dòng sông Tô lịch đã “bôi đen” khu vực này theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng vì bị ô nhiễm nặng nề. Nhất là vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ nguồn nước dưới sông bốc lên nồng nặc, rất khó chịu.
“Là người dân sinh sống ven dòng sông ô nhiễm, chúng tôi rất mong muốn dự án làm sạch sông Tô Lịch sẽ được triển khai hiệu quả. Nếu dự án thành công, sẽ giải tỏa được nỗi bức xúc, nỗi khổ suốt hàng chục năm mà chúng tôi đã và đang phải sống cạnh con sông ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật,” bà Hoa chia sẻ.
Trước nỗi bức xúc, cũng là nỗi trăn trở của người dân Thủ đô, sáng 16/5, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản chính thức khởi động. Dự án hứa hẹn sẽ làm sạch nguồn nước, cũng như giải quyết dứt điểm được mùi hôi thối từ bùn đất trong lòng sông.
Tại lễ khởi động, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), cho biết có 3 vấn đề lớn cần quan tâm là mùi hôi thối bốc lên, lớp bùn tầng đáy vẫn cần nạo vét cơ học và đặc biệt là mức độ ô nhiễm chì ở sông Tô Lịch hiện rất nặng, các sinh vật không thể tồn tại.
Tuy nhiên, với công nghệ mà phía Nhật Bản đem tới, mỗi máy Bioreactor được coi là những “nhà máy xử lý nước thải tý hon” đặt ngay dưới lòng sông. Những thiết bị này được giới thiệu có khả năng xử lý nước “nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh” sẽ phân giải hoàn toàn lớp bùn tầng đáy, loại bỏ mùi hôi thối.
“Đây được coi là cuộc cách mạng về xử lý nước ô nhiễm sông hồ hiện nay, giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng, lại tiết kiệm được ngân sách nhà nước,” ông Tuấn Anh nói.
Tiến sỹ Tadashi Yamamura, thành viên đoàn chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường và là người đem công nghệ làm sạch nước đến Việt Nam cho biết, Bioreator đã thành công trong nhiều dự án xử lý ô nhiễm ở Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, “sông Tô Lịch có vấn đề lớn nhất là lượng bùn ở tầng đáy rất lớn làm bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu. Chúng tôi cho rằng tình trạng này hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor,” tiến sỹ Yamamura chia sẻ.
Đúng như lời cam kết của phái đoàn chuyên gia Nhật Bản, sau 5 ngày (từ ngày 16/5) lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor, tại một đoạn sông Tô Lịch được chọn triển khai thí điểm, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Theo một số người dân sống quanh khu vực đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm hệ thống xử lý ô nhiễm, màu của nguồn nước sông đã sạch hơn, mùi hôi thối từ nguồn nước sông cũng đã giảm, đặc biệt là những ngày cao điểm nắng nóng.
Quan sát tại hiện trường của phóng viên VietnamPlus cho thấy, xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor gồm những chiếc máy bơm cao áp tạo ra bọt khí nano siêu nhỏ, sục vào nước và bùn đất. Công nghệ này đã góp phần giúp cải thiện môi trường nước, từ màu sắc đến mùi của nguồn nước sông Tô Lịch.
Như vậy, với sự thay đổi trên về màu sắc của nước và giảm mùi hôi thối, người dân Thủ đô có thể hy vọng rằng dòng sông Tô Lịch sẽ sạch đẹp trở lại...
Một chiếc máy lọc nước công nghệ nano của Nhật Bản đang hoạt động trên sông Tô Lịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vẫn cần thời gian để kiểm nghiệm
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hệ thống sông Tô Lịch có 240 cửa xả thải, chiều dài gần 15km chạy qua nhiều quận nội thành Hà Nội.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông này thêm trầm trọng, đặc biệt là mùi hôi thối do lớp bùn tích tụ tạo ra các loại khí Metan (CH4), Amoniac (NH3)…
Với thách thức trên, ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam cho rằng dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor là giải pháp rất tích cực. Điều này cũng cho thấy, Hà Nội đã quyết liệt hơn trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm, hướng tới “dòng sông điều hòa” cho Thủ đô.
Về phần cá nhân, ông Bái cho rằng, bản thân ông và nhiều chuyên gia Việt Nam đều rất hoan hỉ với giải pháp làm sạch sông Tô Lịch. Mặc dù chưa thể khẳng định sông Tô Lịch có sạch được hay không, song theo những thông tin ban đầu cho thấy, đây là công nghệ nano để làm sạch nước khá hiệu quả, đã được áp dụng tại nhiều nước.
Công nghệ này sử dụng vật liệu có kích thước rất nhỏ, có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khoa học, công nghiệp, đời sống khác nhau và mang lại hiệu quả tốt.
“Tôi tin, chắc chắn công nghệ của họ phải rất tốt, rất hiệu quả thì họ mới dám tự tin như vậy. Từ trước đến nay, chưa ai dám hứa hẹn những điều như vậy khi bắt tay vào xử lý sông Tô Lịch cả,” ông Bái chia sẻ.
Bên cạnh những hồi hộp, tin tưởng thì ông Bái cũng lo lắng, bởi về mặt nguyên tắc, việc xử lý chất ô nhiễm nói chung và nước thải nói riêng phải tách được nguồn ô nhiễm từ đầu nguồn là các dòng thải, nhánh thải vào sông Tô Lịch thì mới mới giải quyết được cốt lõi việc xử lý ô nhiễm của dòng sông.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam, công nghệ Nano-Bioreactor có thể sử dụng để xử lý trong 1 thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát các dòng thải, nguồn thải đầu nguồn, và sông Tô Lịch vẫn phải chịu một tải lượng ô nhiễm rất lớn đổ vào thì việc làm sạch sông có thể duy trì được bao lâu?
Trong bối cảnh việc kiểm soát các dòng thải từ đầu nguồn còn là thách thức lớn, nhất là khi phần lớn nguồn thải đổ ra sông là nước thải công nghiệp, trong đó có rất nhiều cặn lơ lửng, chất độc hại, ông Bái cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi, liệu tính bền vững của công nghệ sẽ ra sao? Sau khi sử dụng mà công nghệ bị kém hiệu quả thì việc xử lý màng lọc được khắc phục thế nào? Cùng với đó là vấn đề chi phí cho công nghệ đắt đỏ...
“Dù vậy, chúng ta cũng có thể hy vọng sông Tô Lịch sẽ sạch trở lại, bởi một điều chắc chắn công nghệ của Nhật Bản phải rất tốt, rất hiệu quả thì họ mới dám tự tin khảng định như vậy. Hơn nữa, từ trước đến nay cũng chưa ai dám hứa hẹn những điều như vậy khi bắt tay vào xử lý sông Tô Lịch cả,” ông Bái chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) lại cho rằng giải pháp làm sạch sông Tô Lịch như công nghệ của Nhật Bản là không hề mới. Những năm gần đây, nhiều công nghệ làm sạch nguồn nước cũng đã được đưa vào các hồ, và cả sông Tô Lịch, nhưng kết quả vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.
“Nếu công nghệ làm sạch sông chỉ giải quyết được màu sắc, hay khử mùi thì không có gì mới. Đơn giản như, nguồn nước ao hồ khi bỏ phèn vào thì chỉ trong thời gian rất ngắn cũng có thể làm trong nước. Chưa kể, sông Tô Lịch không phải là dòng sông đúng nghĩa, khi nguồn nước quá ít, và lớp bùn cặn độc hại thì rất dày,” ông Tứ nhấn mạnh.
Vị chuyên gia đến từ VRN cũng lưu ý rằng, người dân Thủ đô có thể hy vọng công nghệ của Nhật Bản sẽ xử lý được mùi hôi thối của sông Tô Lịch, nhất là những ngày nắng nóng sắp tới. Tuy nhiên, để khẳng định dự án có thành công hay không, thì cần phải lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá. Kết quả không thể nhìn thấy bằng mắt, nói miệng là hiệu quả được mà phải bằng con số, bằng chỉ số,” ông Tứ chia sẻ thêm.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho biết đề xuất hỗ trợ giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch của phía Nhật Bản chỉ là tạm thời và vẫn cần kiểm chứng tính hiệu quả.
“Tất nhiên đây mới là thử nghiệm, Bộ đã giao cho các đơn vị theo dõi và đánh giá kết quả thử nghiệm, lấy đó làm cơ sở để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của công nghệ này,” ông Thành nói.
Trước băn khoăn của các chuyên gia, cũng như mong đợi của người dân Hà Nội, ngày 20/5, Viện Công nghệ môi trường đã tiến hành lấy mẫu để phân tích chất lượng nước tại sông Tô lịch sau khi được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Theo dự kiến, việc thí điểm này sẽ được tiến hành trong hai tháng và phía Nhật Bản hỗ trợ toàn chi phí trong quá trình này. Sau đó, các bên sẽ tổng hợp kết quả và quyết định có tiếp tục thực hiện nhân rộng dự án này hay không./.