Tác giả - tác phẩm

Con thuyền lục bát ngược miền ca dao

Đinh Tiến Hải 07:03 25/07/2023

Nếu ai đã một lần gặp nhà thơ Tân Quảng hẳn sẽ ấn tượng ngay bởi cách nói chuyện hết sức gần gũi và thân thiện, với khuôn mặt gầy, dáng cao mảnh khảnh, mái tóc dài bồng bềnh đầy chất nghệ sĩ. Ẩn sâu vẻ ngoài vừa cá tính vừa thâm trầm, lặng lẽ là một tâm hồn nhân ái, bao dung và hướng thiện. Trong cái bóng của một nghệ sĩ ông vẫn giữ nguyên được nếp sống và tính cách mộc mạc, giản dị của người Kinh Bắc cũ xưa.

nha-tho-tan-quang.jpeg
Nhà thơ Tân Quảng

1. Nhà thơ Tân Quảng quê vùng sông Lục, núi Huyền thuộc thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Nếu nói về thơ lục bát ở vùng đất này, thì có lẽ người đầu tiên được nhắc đến chính là nhà thơ Tân Quảng. Không phải ngẫu nhiên mà ông có một vị trí vững chắc trong lòng bạn đọc. Hành trình thơ ông là hành trình lao động miệt mài, cả đời thơ lênh đênh trên con thuyền lục bát, cả đời thơ chỉ sáng tác duy nhất một thể loại đó là thơ lục bát. Có lẽ chính vì vậy mà sau này ông có tập thơ “Lục bát làm thuyền” để chuyên chở những điều mình muốn nói trong một hành trình thơ dài suốt gần cả cuộc đời.

Thơ Tân Quảng bắt rễ vào đời sống, mang hơi thở của đời sống, hồn làng, hồn quê được khúc xạ qua cái nhìn, cái cảm của người nghệ sĩ. Giá trị làm nên thơ ông chính là sự đánh thức cái hồn quê, tình quê đầy mỹ cảm nơi ông sinh sống. Đọc thơ ông dễ dàng bắt gặp hình ảnh mùa màng, cánh đồng, dòng sông, con đò, chùa chiền trong những ngôi làng cổ kính xưa kia bên dòng sông Thương, sông Cầu, sông Lục. Dường như, những hình ảnh thân quen làng quê vùng Kinh Bắc ấy đã ngấm vào tâm hồn ông như một tình yêu bản năng giàu hình ảnh và đậm chất dân tộc.

Trong bài Nhịp mùa đi, nét dân dã, mộc mạc, chứa đầy phong vị làng quê xưa được tác giả gợi nhắc: “thuyền nằm ghếch mũi đìu hiu/ nghe sông chậm chảy nghe chiều chậm trôi”; “hồn chừng cũng nhuốm heo may/ buồn như xác lá phơi đầy ngõ xưa/ bờ tre gió khẽ đung đưa/ khói sương lãng đãng ru mùa biệt ly”.

Nếu ai đã về vùng Kinh Bắc mùa thu sẽ thấy vẻ đẹp lãng mạn đến ngỡ ngàng, nhà thơ Tân Quảng cũng không đứng ngoài điều đó. Bằng tâm hồn của một thi sĩ ông nhìn vạn vật trôi chảy theo quy luật của thời gian và bằng trực cảm của mình ông đã thu nhận hết những vẻ đẹp của mùa thu vào ống kính ngôn ngữ để biết và trân trọng những gì đẹp đẽ nhất từ cuộc sống đang dần dịch chuyển theo mùa. “Vườn quê tim tím hoa cà/ tối trời đom đóm bay ra lập lòe” (Tháng ba). “Cha đi bừa lúc hừng đông/ liêu xiêu dáng mẹ gánh gồng hoàng hôn”; “Cổng làng bao cuộc tiễn đưa/ có người biền biệt giờ chưa thấy về” (Cổng làng). “Chung nhau một lối đi về/ rơm vàng rối bước ngõ quê tháng mười/ rêu mờ cổng gạch tróc vôi/ có con chó đá vẫn ngồi hóng trưa”...“Ao bèo đêm ếch gọi nhau/ bờ tre con cuốc kêu đau cả chiều” (Chung nhau một lối đi về).

anh-tac-pham-1.jpg
anh-tac-pham-2.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Tân Quảng

Chính những hình ảnh giản dị, gần gũi như đom đóm, hoa cà, rơm rạ, ngõ quê, ao chuôm, bờ bãi lại làm đầy lên tuổi thơ trong mỗi người chúng ta. Hình cha, bóng mẹ, cổng làng đã gợi nhắc tình yêu thương sâu nặng trong tiềm thức mỗi khi trở về đứng trước cánh đồng lòng bâng khuâng, hẫng hụt. Thơ lục bát của Tân Quảng luôn tìm đến những giá trị chân thực nhất của đời sống “Ngược tìm về bến sông xưa/ lòng ta chưa tạnh cơn mưa ngày nào/ lặng nhìn gió xác xơ lau/ bờ kia cát lở làm đau bờ này”. Ông lắng nghe, gạn lọc những hình ảnh, ký ức từ thiên nhiên, từ môi trường sinh thái để soi chiếu, phản ánh vào thực thể của đời sống và đem đến cho con người những nghĩ suy, trăn trở mà ông muốn gửi gắm. Và rồi những triết lý về lẽ sống, về con người ấy thông qua ngôn ngữ đã làm nên những giá trị nghệ thuật trong thơ lục bát của ông.

2. Vài năm trở lại đây, tôi may mắn được tham gia “Nhóm bút Xương Giang” cùng ông, thi thoảng nhóm bút có những cuộc gặp gỡ, chia sẻ với nhau về cuộc sống, về thơ. Những buổi như vậy Tân Quảng luôn là người cởi mở, chân thành, nhiệt huyết. Ông từng chia sẻ: “Tôi làm thơ lục bát như một sự trở về nguồn cội của dân tộc, được tắm gội trong nguồn suối thiêng liêng bất tận của thi ca…”. Rõ ràng, ai cũng biết thơ lục bát là hồn cốt của dân tộc mang tính truyền thống cả về phẩm chất và tinh thần, cả về nội dung và nghệ thuật. Đây là thể thơ dễ làm nhưng khó hay, và không phải ai cũng thành công.

Với Tân Quảng, thơ lục bát là ngôi nhà cũ, là vỉa than trầm tích thắp lên ngọn lửa thi ca của đương đại như một sự kế thừa: “Cũ như tục ngữ ca dao/ lời ông cha chẳng câu nào bỏ đi/ bập bùng cháy một nghĩ suy/ mới là ngọn lửa, cũ thì vỉa than”. Đúng vậy! Thơ lục bát là thể thơ cũ, cũ như ngôi nhà cũ, nhưng chính ngôi nhà ấy lại mang dáng dấp hồn quê, là trầm tích, là văn hóa cội nguồn, vừa là di sản, vừa là tài sản trong tâm thức người Việt. Thơ Tân Quảng gần với ca dao như dòng suối mát lành nhưng ẩn sâu trong dòng suối mềm mại đó là những triết lý thâm sâu cả về nội dung lẫn tư duy nghệ thuật. Nhiều bài thơ của ông vừa tinh tế trong cách diễn đạt, vừa mạnh mẽ về nội dung tư tưởng và có nhiều bài chạm vào tâm thức đầy nỗi lòng và dễ xúc động như: “Có ai nghe thấy lòng tôi”, “Mượn câu lục bát làm thuyền”, “Vẽ”, “Sương chiều lạnh lắm mẹ ơi”, “Buồn nghe cỏ héo thu gầy”, “Tản mạn về rơm”, “Lụy”, “Chung nhau một lối đi về”, “Tìm về cổ tích”, “Viết rồi lại xóa”…

Quan niệm về cái đẹp và giá trị thẩm mỹ trong thơ lục bát, nhà thơ Tân Quảng cho rằng: “Thơ lục bát là một loài hoa quý trổ ra trên vòm cây ngôn ngữ Việt Nam, vốn vô cùng tinh tế, uyển chuyển và đầy nhạc tính. Thơ lục bát là thể loại thơ mang đậm bản sắc dân tộc…”

Bút pháp nghệ thuật trong thơ lục bát của ông thường biến hóa đa dạng, linh hoạt. Câu thơ lúc dung dị, dân dã, lúc nhuần nhuyễn cổ điển theo nhịp điệu, lúc đọng lại đầy tính triết lý về đời sống, về con người, về môi trường sinh thái mang tầm suy tư, triết luận. Hình ảnh thơ đan xen, xâu chuỗi như cây đa, bến nước, sân đình, cỏ, trăng, mây núi được ông vận dụng đầy sự gắn bó mật thiết trong từng trạng thái cảm xúc của mình. Nhiều bài thơ mang trong mình tâm thức của sự giãi bày và khát khao chia sẻ đến tận cùng cảm xúc. Cái đẹp, sự hướng thiện là phẩm chất trong hành trình sáng tạo của ông.

Thơ ông có thế mạnh về câu hơn về bài, đặc biệt là cách truyền tải cảm xúc đầy trí tuệ. Sự lắng đọng nội tâm, kinh nghiệm sống giúp ông nhìn thấu thị cả chữ và người trong mỗi tác phẩm: “Giờ còn sống sót mình tôi/ thắp hương cúi lạy ngọn đồi nhòa mưa” (Giỗ trận); “Viết rồi lại xóa phấn ơi/ thời gian lắng đọng chảy trôi những gì/ bảng đen bạc phếch nhẵn lì/ biết đâu những cái xóa đi lại còn” (Viết rồi lại xóa).

20180202095912-6.jpg
Nhà thơ Tân Quảng (thứ 2 từ trái sang) tại lễ trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Có thể nói, lục bát cũng như con dao hai lưỡi, như người làm xiếc đi trên dây, thành danh thì ít mà thất bại thì nhiều. Nhà thơ Tân Quảng bằng sự sáng tạo, trí tuệ, năng lực trực cảm của mình đã trau chuốt, tạo lập ngôn ngữ đa tầng, đa nghĩa đầy mỹ cảm ở thể thơ này và ông đã thành công khi vượt sóng gió trên con thuyền lục bát của mình./.

Nhà thơ Tân Quảng sinh năm 1948. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT tỉnh Bắc Giang. Ông đã xuất bản 8 tập thơ như: Mưa không quá ngọ (2004), Bóng quê (2007), Lá nhú chân chim (2009), Buồn trong leo lẻo (2014) Viết rồi lại xóa (2017), Chiều lọt kẽ tay (2018), Rơm vàng rối bước ngõ quê (2020) và Lục bát làm thuyền (2022). Giải thưởng chính của ông có: Giải B (không có giải A) Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Sông Thương 5 năm lần thứ 3 và lần thứ 4.

Bài liên quan
  • Đã yên ổn chưa, sau giờ thứ chín?...
    Cuốn tiểu thuyết dày dặn, mới nhất của nhà văn Nguyễn Một, vừa ra đời năm 2023 sau những tác phẩm đã có tiếng vang khá lớn trong bạn đọc như “Đất trời vần vũ”, “Ngược mặt trời”… có một cái đề khá lạ, đầy tính ẩn dụ: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”. Thời khắc ấy nói lên điều gì ? Thì đây, tác giả đã “bật mí” ngay ở đoạn văn cuối cùng trong chương kết: “Đúng lúc ấy, tiếng chuông nhà thờ cổ vang lên… (Các nhân vật chính của tác giả bỗng dưng nhớ lại) giọng trầm buồn của vị cha xứ: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ
(0) Bình luận
  • “Theo dấu chân Người”: Cuốn truyện ký đặc sắc về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài
    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đánh giá, cuốn “Theo dấu chân Người” của GS.TS – nhà văn Trình Quang Phú là truyện ký với những tư liệu chính xác, có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, tâm hồn, cốt cách, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã đem đến bạn đọc hôm nay một tình cảm lớn hơn, sâu sắc hơn, một cách nhìn rộng mở, khoa học, nhân văn và đầy tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • “Rèn nhân cách – Luyện tài năng”: Bộ sách làm sáng rõ thêm những phẩm cách cao quý của Bác Hồ
    Nhân dịp kỉ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024), NXB Kim Đồng ra mắt độc giả bộ sách "Rèn nhân cách – Luyện tài năng" gồm 5 cuốn với 5 chủ điểm: Yêu nước, Đoàn kết, Khiêm tốn, Giản dị, Tiết kiệm. Bộ sách giúp các em học sinh có thêm tư liệu tìm hiểu về Bác Hồ kính yêu, phấn đấu, học tập, rèn luyện theo gương sáng của Người.
  • “Những ô cửa gió lộng” - tập hồi ức cảm động của con trai nhà thơ Xuân Quỳnh
    “Những ô cửa gió lộng” - tập hồi ức cảm động của tác giả Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ, về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, về cha ruột, về các em trai Minh Vũ và Quỳnh Thơ vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với độc giả. Cuốn sách không nhiều trang nhưng mỗi dòng chữ chứa đựng cả ân tình với những hình ảnh lần đầu tiên được công bố.
  • Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh ra mắt độc giả tập thơ "Viễn ca"
    Sáng 28/8, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ra mắt tập thơ “Viễn ca” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  • Ra mắt nhiều ấn phẩm dành cho học sinh nhân dịp năm học mới
    Chào đón năm học mới, NXB Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm dành cho học sinh: sách giúp các bạn nhỏ làm quen với môi trường học đường, sách bổ trợ kiến thức các môn học trong nhà trường, sách kĩ năng rèn luyện trau dồi phương pháp học tập hiệu quả, sách hướng nghiệp...
  • Wonderella - bộ sách thú vị dạy trẻ những bài học về ứng xử
    Nhà xuất bản Hà Nội liên kết với đơn vị phát hành sách Crabit Kidbooks vừa cho ra mắt bạn đọc bộ sách “Wonderella - Ella ở khu phố Cái Quái Gì Cũng Có Thể Xảy Ra”. Ra mắt đúng dịp Trung thu năm nay, bộ sách hứa hẹn sẽ là món quà ý nghĩa cho các bạn nhỏ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi…
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Thường Tín: Tập trung thực hiện phương án chống bão YAGI
    Do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 7/9 trên địa bàn huyện Thường Tín đã có mưa kèm theo gió giật mạnh. Từ chiều đến tối nay là thời điểm bão số 3 tác động mạnh nhất đến Hà Nội.
  • EVN khẳng định không cắt điện ở Hà Nội do bão số 3
    Trước tin đồn về ảnh hưởng bão số 3 đến tình hình cung cấp điện, EVN và các đơn vị thành viên khẳng định nội dung trên là tin thất thiệt. Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng cho biết, EVN Hà Nội không có lịch cắt điện để phòng chống bão số 3. Chính vì vậy, những thông tin cho rằng EVN Hà Nội cắt điện toàn TP vào tối nay là thông tin thất thiệt.
Đừng bỏ lỡ
Con thuyền lục bát ngược miền ca dao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO