Chùa Tre có tên chữ là Diễn Phúc tự. Căn cứ vào tấm bia đá trước tiền đường, chùa Tre được dựng vào đời Khai Thái thứ 5, ngày mồng 7 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1328), tức đời vua Trần Minh Tông. Nội dung tấm bia có đoạn ghi: “Viện Diễn Phúc - lộ Quốc Oai - Hương Già, xóm Quế để kính tặng thường trụ Tam bảo...”. Vì vậy, chùa Tre đến nay có niên đại gần 700 năm. Trước đây, chùa Tre còn là một tu viện Phật giáo lớn trong vùng.
Tấm bia đá trong chùa mang một số nét hoa văn tiêu biểu thời Trần như: Thân rồng to, uốn lượn hình sin, với cặp sừng và hoa văn thủy ba (sóng nước) ở trán bia. Hai bên hồi còn có đôi sấu đá trong tư thế nửa đứng nửa ngồi, cổ đeo lục lạc, nét chạm thô phác. Đây là linh vật phổ biến thời Lý - Trần.
Chùa Tre có cổng tam quan khá lớn. Giữa cổng, bên ngoài có đề 3 chữ Hán: “Diễn Phúc tự”, còn 4 chữ Hán hàng dưới là: “Từ Quang Phổ Chiếu”. Bên trái Tam quan là cây bồ đề cổ thụ. Chùa Tre quay về phía tây, hướng ra sông Nhuệ. Nhà tiền đường chạy dài 5 gian, hai bên hồi bít đốc, chính giữa bờ nóc có một quả cầu lửa. Bên trái có một số mộ tháp của các sư trụ trì. Trước sân chùa có tượng Quan Thế Âm Bồ tát thế đứng và một cây hương đá có niên đại thế kỷ XVIII.
Căn cứ vào các mảng gạch nung, trang trí hình rồng yên ngựa, hoa cúc, người cưỡi ngựa... bên hồi tiền đường mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, có thể khẳng định chùa từng được trùng tu vào thời nhà Mạc.
Trong thượng điện chùa Tre hiện còn nhiều bức tượng cổ rất đẹp, tiêu biểu là tượng Quan Âm Nam Hải có 18 tay, cao 2m, ngồi kiết già trên bệ sen. Dưới bệ sen là 4 đầu rồng quay về bốn góc, phần thân sơn vàng, phần bệ sen và đầu rồng sơn hồng.
Hiện, chùa Tre đã bắt đầu xuống cấp. Mái ngói xô lệch và thủng nhiều chỗ. Sân chùa cỏ mọc um tùm. Tường vôi nhiều chỗ bong tróc. Cột kèo mối mọt, ẩm mốc. Đến nay chùa Tre chưa được công nhận là di tích, cho dù đây là ngôi chùa cổ tồn tại từ thời nhà Trần. Việc xếp hạng di tích sẽ là cơ sở quan trọng để trùng tu ngôi chùa cổ này.