Trước tình trạng loạn danh xưng "chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang", kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như "Luxury", "Hi-end", "Premier", "Royal"..., các chuyên gia đã có những khuyến cáo về vấn đề này.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính: Sính ngoại chưa chắc đã tốt
Việc các chủ đầu tư bất động sản dùng tên nước ngoài để đặt cho sản phẩm hay dự án của mình đang trở nên rất phổ biến ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo một thống kê chưa chính thức, hiện có hơn 70% các dự án khởi công (xây dựng từ năm 2000 trở lại đây) được mang tên nước ngoài.
Việc các DN địa ốc đặt tên dự án khác với tên được phê duyệt trong hồ sơ pháp lý (nôm na được gọi như thuật ngữ tên thương mại) nhằm mục đích gia tăng tính hấp dẫn quảng cáo cũng như cảm nhận của đông đảo khách hàng. Thậm chí, không ít DN xem việc đặt một cái tên “ngoại” thật kêu như cách để đánh bóng tên tuổi.
Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng |
|
Thực tế đó, về mặt quy định hiện tại không cấm song cũng khiến cho thị trường nhiều lần rơi vào tình huống… dở khóc dở cười. Không hiếm trường hợp khách hàng xuống tiền đặt mua căn hộ ở khu vực A nhưng đến thời điểm bàn giao nhà vẫn chưa nhớ tên dự án. Căn nguyên bởi, tên tiếng Anh pha tiếng Pháp xen lẫn tiếng Ý, đọc “cái tên dài loằng ngoằng và đọc muốn “trẹo lưỡi”.
Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nhưng không có nghĩa là chúng ta nên Tây hóa mọi thứ, nhất là khi đang sống tại Việt Nam, nơi ngôn ngữ chính vẫn là tiếng Việt. Vì vậy, đừng lầm tưởng việc đặt tên Tây là hợp thời, đôi khi đó chính là rào cản khiến bạn khó có thể tiếp cận với khách hàng vì sự “phản cảm”. Cần có tầm nhìn lâu dài để việc gọi tên các dự án từ phân khúc chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng thương mại… định hướng tên chuẩn Việt, sẽ dễ hòa nhập với môi trường và bản sắc văn hóa Việt hơn.
Tuy nhiên, những dự án phục vụ mục đích đầu tư nước ngoài có thể xem xét không rập khuôn cứng nhắc, chủ dự án có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Khó có căn cứ để xử phạt
Tên dự án rất quan trọng thể hiện thương hiệu triển vọng của dự án mang linh hồn DN. Mặc dù Luật Nhà ở 2014 đã có quy định, nhưng chưa rõ ràng, cụ thể chi tiết. Để tránh bất cập, Nhà nước cần coi đây như giải pháp thể chế hóa thông qua quy định mang tính pháp luật. Theo đó, cần nhanh chóng đưa ra bộ khung nguyên tắc cụ thể, không được tây hóa quá bao nhiêu phần trăm, tránh tuyệt đối động chạm vào các từ nhạy cảm, chính trị. Quan trọng hơn cả là đưa ra một số mẫu tên để DN có thể tham khảo.
Chí ít cũng phải Luật hóa nó thành thông tư, chỉ thị. DN nào không thực thi sẽ bị xử phạt. Có như vậy mới có căn cứ để bắt lỗi DN, nếu không lại điệp khúc bàn từ năm 2003 đến nay nhưng không hiệu quả. Thậm chí, hiện tại còn có xu hướng sính ngoại hóa tên dự án với những danh xưng chung chung, na ná nhau. Nếu không sớm đưa ra nguyên tắc quản lý bằng những quy định cụ thể, rõ ràng thì tình trạnh loạn danh xưng dự án bất động sản thêm lan rộng, khó kiểm soát.
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu: Coi chừng trở thành Singapore thứ hai?
Việc đặt tên cho các dự án nhà ở quy định tại Điều 19, mục 1, chương III Luật Nhà ở 2014: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài, phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Thực tế hiện nay vẫn có tình trạng các dự án đua nhau đặt tên nước ngoài, hoặc đối phó tên trong hồ sơ pháp lý một kiểu nhưng bán hàng lại sử dụng các ngôn ngữ khác tiếng Việt để “tuồn hàng”. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành một Singapore thứ 2, yếu tố thuần Việt tại các bộ mặt đô thị giảm thiểu đáng kể. Chủ đầu tư có thể dùng ghi tên tiếng nước ngoài ở bên dưới tên tiếng Việt, ở nhiều nước trên thế giới cũng làm thế.
Chẳng hạn: Biển hiệu phải ghi rõ tên tiếng Việt: Tòa nhà tổ hợp Văn phòng nhà ở - dịch vụ X, Y, Z nào đó, sau đó mới ghi tên viết tắt, tên nước ngoài. Thiết nghĩ, việc điều chỉnh lại tên như trên cũng không khó. Đơn vị DN nào không tuân thủ có thể áp dụng biện pháp xử phạt răn đe hành chính. Nếu còn tái phạm có thể dỡ bỏ biển hiệu tên dự án, yêu cầu có sự điều chỉnh.