Sự kiện & Bình luận

Chuyện cùng nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc giờ mới kể

Phạm Quỳnh 13:40 22/06/2024

Đối với những người làm báo trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, không có gì quý báu hơn khi được gặp gỡ, nghe chuyện đời, chuyện nghề của các nhà báo lão thành. May mắn trong 15 năm làm báo, tôi được gặp nhà văn hóa - “đại” nhà báo Hữu Ngọc. Trước một “cây cổ thụ” Hữu Ngọc, phóng viên trẻ dù tài năng, thành công đến mấy cũng cảm thấy bé nhỏ trước kiến thức sâu rộng, sự tận hiến với nghề của ông.

chan-dung-nha-bao-huu-ngoc.jpg
Nnhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc

Tổng biên tập kiêm phóng viên tờ báo địch vận đầu tiên

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918, quê gốc Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhưng ông sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Nhắc đến nhà báo Hữu Ngọc, nhiều người nghĩ tới một nhà văn hóa lớn, có đóng góp quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đến bạn bè quốc tế. Nhưng qua những lần gặp gỡ, trò chuyện với nhà văn hóa Hữu Ngọc tại tư gia nằm cuối một con ngõ thuộc quận Cầu Giấy, tôi cảm nhận bước đệm, nền tảng quan trọng để Hữu Ngọc trở thành một nhà văn hóa tầm cỡ - chính là nghề báo.

Trong khoảng thời gian làm báo của mình, vào những lần sinh nhật ông (22/12), những lần đưa báo biếu và nhuận bút, khoảng chục lần tôi được gặp và trò chuyện cùng nhà văn hóa Hữu Ngọc. Mỗi lần muốn gặp ông, tôi phải điện thoại “đặt lịch” vì dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng lịch tiếp khách của ông luôn kín mít. Chỉ khi đầu dây bên kia vang lên giọng nói ấm áp: “Khoảng 11 giờ sáng thứ 3 tuần tới, anh đến nhé!” thì chắc chắn tôi (và có thể nhiều người nữa) mới gặp được “cây đại thụ” trong làng báo và văn hóa mang tên Hữu Ngọc, được ông đón tiếp thân tình, giản dị nhưng không kém phần ấm áp. Những lần ngồi trò chuyện với nhà văn hóa Hữu Ngọc ở tư gia với bộn bề sách báo, tranh ảnh… ngoài cửa sổ là những tán cây xanh mát, người làm báo trẻ như tôi “vỡ” ra được nhiều điều, từ kiến thức văn hóa Việt đến sự tận hiến với nghề viết mà nhà văn hóa Hữu Ngọc đã truyền tải qua từng mẩu chuyện. Ông tự học rồi nói và viết thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, thậm chí cả Hán văn. Đối với nhà văn hóa Hữu Ngọc, ông luôn tin vào sự ngẫu nhiên và sự ngẫu nhiên đưa cuộc đời ông đến nhiều ngã rẽ mà nghề báo là một trong số đó.

Ông kể: “Khi tôi học trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An ngày nay) năm thứ tư thì đỗ Diplôme (tú tài). Cả Bắc Kỳ chỉ có một nơi tổ chức, thế mà tôi đỗ đầu. Ước mơ của tôi lúc bấy giờ là dạy học ở một tỉnh miền núi, dựng một căn nhà nho nhỏ bên bờ suối, rồi có thể yêu và lấy một cô gái miền núi. Nhưng khi đi thi làm giáo viên thì trượt… vì nhẹ cân quá. Thành ra bắt buộc phải học lên tú tài. Nếu không trượt thì có lẽ tôi đã không viết nhiều sách đến thế. Khi bắt đầu kháng chiến, tôi dạy tiếng Anh ở Nam Định, rồi vào bộ đội, phụ trách tờ báo L’Étincelle (Tia sáng) bằng tiếng Pháp để vận động lính Pháp về với mình. Tự dưng năm 30 tuổi đã là Tổng biên tập. Nhờ có ngoại ngữ mà thẳng tiến vào nghề làm báo, cũng là sự ngẫu nhiên”.
Lại nói về tờ Tia sáng, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho biết, Tia sáng phát hành số đầu tiên bằng tiếng Pháp vào ngày 23/9/1948. Nổi bật trên trang nhất tờ số đầu tiên là bài xã luận có tiêu đề “Chúng ta không bao giờ mất Nam Bộ” cùng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Sau giờ dạy học, tôi lại chạy đến nhà in để hoàn thành số báo. Chưa từng viết báo bao giờ lại làm Tổng biên tập một tờ báo tiếng Pháp thì đây là chuyện hiếm” - nguyên Tổng biên tập tờ L’Étincelle - ông Hữu Ngọc hóm hỉnh, chia sẻ.

5-bac-ngoc.jpg
Gia đình nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc tại chiến khu Việt Bắc.

Đặc biệt hơn, theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, tờ báo Tia sáng thời kỳ đầu do một mình ông sắm vai, vừa là Tổng biên tập và cũng là phóng viên duy nhất của tờ báo. Một thời gian sau, vợ chồng nhà thơ Trần Lê Vân biết tiếng Pháp nên đầu quân vào. Thế mà tờ báo cũng kéo dài trong 2 năm (1948 đến 1950) và báo in lại rất đẹp. Tia sáng chính là tờ báo đầu tiên sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng là tờ báo địch vận đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Báo sau khi in được chính nhà báo Hữu Ngọc cùng các học trò bí mật tung vào đồn địch, hoặc các nhà hàng, quán bar tại Nam Định (thời điểm đó nhà văn hóa Hữu Ngọc đang dạy học tại Nam Định) với mục đích tuyên truyền cho binh lính Pháp về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Nhà văn hóa Hữu Ngọc tự hào vì thực hiện theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, ông nói: “Tôi có bút thì dùng bút đánh địch. Đảng rất tin vào quần chúng và quần chúng cũng rất hào hứng đi theo Đảng”.

Có một kỷ niệm về quãng thời gian làm tờ Tia sáng lẫn dạy học thời kỳ đầu kháng chiến mà nhà văn hóa – nhà báo Hữu Ngọc nhớ mãi. Tờ Tia sáng được ông và vợ chồng nhà thơ Trần Lê Vân vừa viết bài, vừa đảm nhận “phát hành” một cách bí mật. Một lần, khi đạp xe từ nơi dạy học ở Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) ra Nam Định, ông Hữu Ngọc buộc khoảng năm mươi tờ báo sau xe đạp, đến một ngôi làng thì trời vừa sáng. Đúng lúc này lính Pháp cũng đổ bộ vào làng. “Khi ấy đúng là thập tử nhất sinh”, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho biết.

Lúc này, chàng thanh niên trẻ - Tổng biên tập kiêm phóng viên tờ “Tia sáng” quay xe để… chạy, bỗng nhiên xe đạp bị tuột xích. Một tên lính Pháp thấy vậy liền quát to “Thằng kia ở đâu, đứng lại”. Bản năng sinh tồn mãnh liệt trỗi dậy, nhà báo Hữu Ngọc cúi xuống sửa lại xích và nhanh chóng lên xe đạp thục mạng mà không ngoái lại phía sau. Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, lúc tháo chạy ông nghe thấy tiếng bóp cò nhưng không nghe thấy tiếng súng nổ, chứng tỏ đạn trong súng của tên lính Pháp bị hóc nên ông mới thoát chết một cách thần kỳ. “Nếu không hôm nay tôi đã không ở đây để trò chuyện cùng anh, cũng như tiếp tục con đường báo chí”, nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc trải lòng.

Năm 1950, Pháp chiếm được khu đồng bằng, nhà báo Hữu Ngọc lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục làm công tác địch vận với vai trò Trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu – Phi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), ông tiếp tục gắn bó với nghề báo trong vị trí Tổng biên tập tờ Việt Nam tiến lên (Anh, Pháp, Quốc tế ngữ), Nghiên cứu Việt Nam (Anh, Pháp ngữ), tiếp đó làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Ngoại văn (NXB Thế giới hiện nay). Cái duyên với tờ báo đầu tiên Tia sáng chính là nền tảng đưa Hữu Ngọc trở thành nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đến nay, nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc đã xuất bản hơn 35 cuốn sách về văn hóa Việt Nam và thế giới, cùng hàng nghìn bài báo bằng tiếng Việt, Anh, Pháp về lĩnh vực văn hóa và danh nhân thế giới.

Viết được thêm thì vẫn viết

Do điều kiện công tác và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sau lần sinh nhật tròn 100 tuổi của nhà văn hóa Hữu Ngọc, tôi ít gặp ông hơn. Nhưng trước tuổi 100, mỗi lần gặp nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc, tôi vẫn thấy ở ông bút lực dồi dào, sự tận hiến với nghề báo. Ông vẫn thường “khoe” với tôi, hàng tuần viết bài bằng tiếng Anh cho tờ Việt Nam News Sunday, bài bằng tiếng Pháp cho tờ Le Courrie du Vietnam Dimanche (Thông tấn xã Việt Nam) theo đơn đặt hàng của các tòa soạn. Nhất là trong hơn 10 năm, nhà báo Hữu Ngọc là chủ mục “Cảo thơm lần giở” của tờ báo Sức khỏe & Đời sống với 4 - 5/bài/tháng. Tuổi cao có thể làm mắt kém, tai nghe không rõ so với trước nhưng nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc vẫn rất mẫn tiệp, kiến văn vô biên. Ông không tự đánh máy, viết “thủ công” mà đọc nội dung rồi nhờ con, cháu chép hộ và gửi cho các tòa soạn báo.
Có lần trò chuyện với nhà văn hóa Hữu Ngọc, tôi hỏi: “Bác có định viết sách, viết báo nữa không?”. Nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc nở một nụ cười hiền, đáp: “Giờ tôi như ngọn đèn trước gió rồi, không như độ tuổi của anh cũng một thời lăn lộn, sống chết với nghề, ngược xuôi Nam Bắc. Nhưng còn đọc được sách, nghiên cứu được thêm, viết được thêm thì tôi vẫn viết. Con người thuận theo lẽ tự nhiên nhưng tôi sẽ cố gắng ra thêm sách mới”.

Đúng như những gì đã nói, ở tuổi 102 ông đã ra mắt độc giả bộ sách “Cảo thơm lần giở” gồm 2 cuốn, dung lượng gần 1.000 trang. Cuốn sách tập hợp hàng trăm bài viết ông đã công bố, đăng trên chuyên mục “Cảo thơm lần giở” của báo Sức khỏe & Đời sống số Chủ nhật trong hơn 10 năm. Thông qua bộ sách này, độc giả được tìm hiểu và lĩnh hội tư duy của 180 danh nhân thế giới, ở nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, xã hội, lịch sử, tâm lý, chính trị. Tiêu biểu là các danh nhân Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, Khổng Tử, Tôn Tử, Hegel, Sokrates, Darwin, Einstein, Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Tagor, Moliere, Leonardo da Vinci, Picasso… và 3 danh nhân Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn nhớ lần đến chúc mừng nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc thượng thọ 100 tại nhà riêng, ông chia sẻ về triết lý sống cũng là những lời nhắn gửi cho những người làm báo trẻ như tôi: “Đừng quá buồn về một việc vì có thể cái buồn đó chuẩn bị cho cái vui sau này và ngược lại. Nếu luôn theo triết lý sống đó thì tâm hồn ta lúc nào cũng thanh thản. Trong cái khó khăn thất bại nhất tìm cái sáng nhất để đi, để dẫn đến thành công. Nhiều khi không phải do mình tìm mà là do cuộc đời tìm cho mình”. Ông cũng khuyên một phóng viên có hơn 10 năm theo nghề báo như tôi, rằng: “Nếu thành công thì đừng vỗ ngực, không thành công thì đừng quá buồn. Như thế tâm hồn luôn giữ được thăng bằng, luôn thoải mái. Được thì vui, vui vừa thôi. Thất bại thì buồn, cũng buồn vừa thôi!”.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
  • Tìm về tuổi thơ với 12.000 chiếc đèn đăng và bộ tranh “Ký ức đồng dao” tại núi Bà Đen
    Lần đầu tiên đến với núi Bà Đen, du khách sẽ lạc bước vào thế giới nghệ thuật dân gian với không gian triển lãm độc đáo của 12.000 chiếc đèn đăng nghệ thuật, cùng bộ tranh “Ký ức đồng dao” của hoạ sĩ Hoàng Phong - thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cùng nhà văn hóa - nhà báo Hữu Ngọc giờ mới kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO