Chùm truyện ngắn của nhà văn trào phúng số một Ba Lan Slawomir Mrozek

Lê Bá Thự dịch| 27/01/2020 11:02

Trên nửa thế kỷ nay Slawomir Mrozek được xem là nhà văn trào phúng số một của Ba Lan. Những tác phẩm châm biếm, giễu nhại giầu tính bi hài của ông thường nêu lên vấn đề quan hệ giữa cá nhân với tập thể, những truyện trào phúng phê phán thói hư tật xấu là nhằm phản bác lối tư duy thấp kém, những nghịch lý của đời thường và phương cách giáo dục thô thiển. Truyện của S. Mrozek chứa đựng nhiều ý tứ, lắm triết lý và răn đời tinh tế. Có những truyện người ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới cảm thụ hết được chiề

Một con chuột ngu mạnh hơn tất thảy mọi lô - gích

Nhẽ ra tôi đã thiếp đi, nếu không đập vào lỗ tai tiếng uỵch từ bên kia tường.

- Thế đó, bắt đầu rồi đây, - tôi nghĩ bụng. Rồi sẽ y hệt như giai thoại người ta vẫn kể cho mà coi. Gã khách trọ ở phòng bên cởi một chiếc giầy khỏi chân, đoạn quăng xuống nền nhà kêu đánh uỵch. Bây giờ thì đố tôi ngủ được, chừng nào gã chưa cởi nốt chiếc giầy thứ hai. Mà có khi tôi phải chờ lâu đây.

Nhưng rồi tôi thấy nhẹ hẳn người, khi tiếng uỵch thứ hai vọng sang.

Tôi lại thiếp đi. Song khi bên kia tường vang lên tiếng uỵch thứ ba thì tôi giật mình tỉnh dậy.

Tôi lấy làm lạ. Chẳng lẽ gã láng giềng của tôi có tới ba cẳng hay sao? Vô lý. Hay là gã lại xỏ chân vào một chiếc giầy, rồi lại tháo ra lần nữa? Có họa là dở hơi. Vậy thì đích thị tôi có hai gã láng giềng rồi.

Thế là tôi bắt đầu bị hành hạ, đúng như tôi đã lường trước. Duy có một điều bảo tôi ráng chịu, đó là niềm hy vọng, đằng nào thì cũng đến lúc hắn, tức gã láng giềng thứ hai, phải cởi nốt chiếc giầy còn lại thôi. ấy vậy mà, đợi hết đêm, tôi vẫn không nghe thấy tiếng uỵch thứ hai, thực ra là thứ tư đâu cả.

Suốt đêm tôi không hề chợp mắt, sáng sớm tôi đi ăn sáng, người phờ phạc. Tại nhà ăn tôi gặp gã khách thuê phòng bên. Tôi đảo mắt nhìn quanh, đặng kiếm gã láng giềng thứ hai, nhưng chẳng thấy hắn ta đâu cả, chỉ một thôi. Gã kia chắc là say khướt, chân vẫn xỏ một chiếc giầy lăn quay ra ngủ một mạch cho đến tận giờ này.

Bên phòng ông có chuột không? - gã láng giềng hỏi tôi. Bên tôi có chuột đấy. Chúng cứ làm sột soạt, nên tôi phải vớ một chiếc giầy ném cho chúng ngừng, - gã láng giềng nói tiếp.

Từ đó trở đi tôi không suy luận theo kiểu lô - gích nữa. Một con chuột ngu mạnh hơn tất thảy mọi lô - gích, còn lô - gích chỉ tổ làm mất ngủ mà thôi.

Xin Đức Chúa Trời tạo ngay cho con ngày thứ tám

Đức Chúa Trời làm việc sáu ngày, nghỉ ngày chủ nhật... Người trần mắt thịt chẳng phải là Chúa Trời nên chóng mệt hơn, lẽ vậy họ mới định rằng, thứ bảy cũng phải là ngày nghỉ của con người. Quyết định này không vấp phải sự phản đối ra mặt từ phía Đấng Tối Cao.

Chuyện nghỉ ngày thứ bảy mà đã thuận buồm xuôi gió thì với thứ sáu có lẽ rồi cũng suôn sẻ mà thôi - tôi thầm nghĩ vậy, nên đã gửi lên Đức Chúa Trời lá đơn như sau:

 “Do bị mệt mỏi sau thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu, con xin kính cẩn cầu Đức Chúa Trời cho con được nghỉ thêm cả thứ sáu nữa. Homo Sapieniens”.

Không có trả lời, nên tôi hiểu rằng mình đã được phép nghỉ thêm ngày thứ sáu.

Tuy nhiên, giữa thứ tư và đoạn còn lại của tuần vẫn còn kẹt cái ngày thứ năm chết tiệt. Chẳng có gì nhọc nhằn bằng phải lao động trong ngày cuối của tuần làm việc. Bởi vậy cho nên, lần này, trong đơn gửi lên Đức Chúa Trời tôi viết mạnh tay hơn:

“Con người chẳng qua là thân sậy biết nghĩ” (Blaise Pascal, nhà toán học, nhà vật lý, nhà văn, nhà triết học, 1623 - 1662). Con nghĩ rằng thứ năm con cũng cần được nghỉ làm”.

Bây giờ thì chiều thứ tư là tôi đã xong việc. Nhưng mà còn cái thứ tư này... Sự lặng im của Đức Chúa Trời khiến tôi càng bạo dạn.

“Con yêu cầu phải loại thứ tư ra khỏi ngày làm việc. Prometeusz”.

Về chuyện nghỉ ngày thứ ba thì tôi cự nự thẳng thừng:

“Con người, hai tiếng đó vang lên với niềm tự hào”. (Mácxim Goocki, nhà văn 1868 - 1936). Thứ ba làm tổn thương danh dự của con. Con kiên quyết chối từ và kết thúc vào thứ hai”.

Chẳng thấy trả lời gì cả, cho nên còn chuyện nghỉ ngày thứ hai thì dễ ợt.

“Thứ hai con cũng xin loại nốt”.

Bây giờ thì tôi nghỉ bảy ngày trong một tuần, tôi lấy làm hãnh diện về cuộc nổi loạn của mình. (L’Homme révolté, Albert Camus, nhà văn, 1913 - 1960). Tuy vậy, sau một thời gian tôi nhận ra rằng, tuần chỉ có bảy ngày, cho nên trong tuần tôi không thể nghỉ hơn bảy ngày được. Tôi nghĩ bụng, hạn chế tự do của mình như thế là không có được. Tôi bèn đánh điện lên Đức Chúa Trời: “Xin tạo ngay cho con ngày thứ tám”.

Chẳng thấy hồi âm, điều này khiến tôi hoàn toàn tin là Nietzsche có lý (Friedrich Nietzsche, nhà triết học, 1844 - 1900), làm gì có Đức Chúa Trời. Có điều, đã vậy thì ai là người chịu trách nhiệm khi tuần có độc bảy ngày và tôi chẳng thể có hơn bảy ngày nghỉ trong một tuần? Tôi bèn vớ cái gậy, đoạn ra rình ở cầu thang. Hễ thấy người láng giềng đi qua là tôi sẽ phang cho ông ta một gậy.

Phải có ai đó gánh chịu sự thiệt thòi của tôi chứ.

Trên chuyến tàu cuối năm

Năm phút trước khi tầu chạy tôi tìm được khoang của mình trên toa nằm. May cho tôi, chỉ một giường có người, không kể giường của tôi, cho nên tôi mới bụng bảo dạ, đêm nay rồi mình sẽ được ngủ ngon đây. Một gã hành khách đang nằm trên chiếc giường thứ hai, gã đắp chăn tới sát cằm, cái mũi nhọn hoắt và nhợt nhạt của gã trồi hẳn lên.

Một lát sau tôi chẳng thèm để mắt tới gã nữa, bởi khi tôi nói: “Xin chào” thì chả thấy gã trả lời chi cả - càng hay, thế có nghĩa là gã đã ngủ rồi, tôi khỏi phải làm nghĩa vụ của một bạn đồng hành - tôi ngồi xuống chiếc giường dưới, đoạn thay quần áo.

- Anh có hút thuốc không đấy? - tôi nghe giọng nói từ giường trên.

- Cám ơn, không. 

- Tôi không chịu được khói thuốc đâu.

- Ông có thể yên tâm, tôi không hút thuốc.

- Anh mà hút thì tôi không tài nào chịu nổi đâu. Phổi tôi nhạy cảm lắm.

- Tôi thông cảm, nhưng ông khỏi lo.

- Hay là anh vẫn hút, anh chỉ cai lúc này thôi. Nửa đêm phát thèm thì anh không nhịn được nữa.

- Không thể có chuyện đó, vì chưa bao giờ tôi hút thuốc.

Gã im bặt. Tôi cởi tất.

- Hay là anh bắt đầu.

- Cái gì cơ?

- Hút thuốc. Có ối người mãi tận về già mới bắt đầu hút thuốc cơ đấy.

- Tôi không có ý định như vậy.

- Nói một đường, nhưng sau đó có khi lại làm một nẻo cũng nên. Tôi là tôi không có chịu được như thế đâu nhá.

- Vả lại tôi làm gì có thuốc lá trong người hả ông.

- Thì anh đi xin của nhân viên kiểm tra vé tầu.

- Tôi làm sao mà biết được, ông ta có hút thuốc hay không.

- Thế ông ấy mà hút thì sao nào?

- Thì lúc đó tôi sẽ ra ngoài hành lang, không được hút thuốc trong khoang tầu cơ mà.
- Lúc đó cửa ra hành lang mà bị kẹt thì sao?

- Chẳng sao cả, vì tôi đang không hút thuốc, chưa bao giờ hút thuốc và không có ý định bắt đầu hút thuốc. Chúc ông ngủ ngon.

Tôi nói “chúc ông ngủ ngon” khí sớm, vì còn chiếc áo sơ mi và quần đông xuân tôi chưa thay. Có điều tôi muốn cắt phăng câu chuyện.

Tôi đạt được ý đồ của mình, phải cái chẳng được bao lâu. Tôi vừa mới kịp cởi xong chiếc áo sơ mi thì gã kia lại lên tiếng.
- Anh không tắt đèn hả?

- Tôi khắc tắt, nhưng phải thay xong quần áo cái đã.

- Có một số người thích đọc sách trước lúc đi ngủ, còn tôi thì lúc đó không ngủ được. Tôi nhạy cảm với ánh sáng ghê lắm.

- Tôi mù chữ, thưa ông.

- Thì anh có thể xem tranh.

- Làm gì có họa báo mà xem.

- Vậy còn ảnh thì sao? Làm gì anh chẳng có ảnh vợ trong người, anh không ngắm ảnh vợ mình trước khi đi ngủ đấy chắc?

- Tôi ly hôn rồi.

- Thì còn các con.

- Tôi không có con.

- Ai mà chả có bà con ruột rà.

- Không, tôi không hề có một tấm ảnh nào cả. Ông có muốn kiểm tra người tôi không nào?

- Một khi không có ảnh thì nhất định anh sẽ đi soi gương để xem mụn mọc trên mặt mình, hoặc là... Còn tôi không chịu nổi...

Gã không kịp nói hết câu, vì tôi tắt đèn. Gã thở dài, khoang tầu im lặng, nhưng tôi vừa vào giấc chiêm bao thì một câu hỏi đập vào tai tôi:

- Anh không ngáy hay sao?

- Không.

- Vì sao?

- Vốn dĩ là vậy.

- Lạ thật, nhìn chung con người ta ai mà chẳng ngáy, mà ngáy là làm phiền tôi. Tai tôi cực kỳ nhạy cảm.

- Rất tiếc, tôi chẳng thể chiều tai ông.

- Anh có dám chắc là anh không ngáy hay không nào?

- Chắc hơn cả đinh đóng cột là đằng khác. Có điều bây giờ thì xin ông hãy cho phép tôi chợp mắt, tôi mệt rũ người rồi.
Gã thuận ý. Thình lình ánh đèn chói mắt và tay người giật giật vai tôi làm tôi tỉnh giấc.

- Anh bạn ơi, anh bạn ơi!

Tôi nhìn thấy cái mũi nhọn hoắt của gã gí sát mặt tôi. Từ giường trên gã nhoài người xuống phía dưới, gã kéo cánh tay áo ngủ của tôi.

- Anh bạn ơi, anh mà không hút thuốc, không ngáy và không để đèn sáng thì đích thực anh làm cái gì nào?

- Ông muốn biết hả?

- Vâng! Đường nào thì anh cũng phải làm cái gì đó chứ, chỉ tội tôi chưa biết đó là cái gì thôi. Điều này khiến tôi trằn trọc, không ngủ được.

- Tôi bóp cổ!

- Cái gì cơ?

- Tôi bóp cổ. Bằng tay không, hoặc dùng dây. Ông không nghe người ta nói về “tên bóp cổ người trên tầu tốc hành đêm” khét tiếng hay sao? Hắn thường hoạt động trên tuyến đường này. Hắn mua vé toa nằm như mọi hành khách vô tội, đến nửa đêm thì hắn đi bóp cổ người.

Đương nhiên hắn thích bóp cổ vào lúc trong khoang tầu ngoài hắn và nạn nhân ra không có một ai. Đó là tên hung đồ, và tên hung đồ này chính là tôi.

Tôi được yên thân cho tới sáng. Lúc rạng đông, ra ngoài đi vệ sinh, tôi bắt gặp gã ngoài hành lang, mặc áo khoác, mang theo va li.

Suốt đêm qua gã ngồi lì trên chiếc va li của mình. Nom thấy tôi gã đứng dậy, lôi chiếc va li theo sau, lảng sang đầu bên kia hành lang toa tầu.

Tôi thấy mủi lòng. Cuộc sống của những kẻ nhạy cảm thật chẳng dễ dàng chi.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Chùm truyện ngắn của nhà văn trào phúng số một Ba Lan Slawomir Mrozek
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO