Chợ chiều cuối Chạp

Nguyễn Thị Phương Thảo| 03/01/2020 11:01

Ngày xưa, khi tôi còn lẽo đẽo theo bà sang chợ ở Nhật Quang (Phù Cừ, Hưng Yên), mỗi khi chờ đò ngang bà thường nói với tôi “gần chợ tiện lợi mọi đường”… Lúc ấy, chợ là cả một miền hấp dẫn say mê với một đứa trẻ. Không khí ồn ào, tấp nập, hình ảnh hàng hóa đủ màu sắc kiểu dáng đã theo tôi trong cả những giấc mơ.

Chợ chiều cuối Chạp

Ngày xưa, khi tôi còn lẽo đẽo theo bà sang chợ ở Nhật Quang (Phù Cừ, Hưng Yên), mỗi khi chờ đò ngang bà thường nói với tôi “gần chợ tiện lợi mọi đường”… Lúc ấy, chợ là cả một miền hấp dẫn say mê với một đứa trẻ. Không khí ồn ào, tấp nập, hình ảnh hàng hóa đủ màu sắc kiểu dáng đã theo tôi trong cả những giấc mơ.

Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời, ta lại đi chợ với những tâm trạng, những cảm nhận khác nhau. Khi còn thơ bé, đó là niềm háo hức, tò mò với những thứ mới mẻ, lạ lùng có ở chợ. Đôi khi, đó còn là niềm mong chờ một món quà bánh nào đó mà ta vòi vĩnh. Đến chợ, ta say sưa ngắm nghía, tiếc nuối khi bị kéo đi. Có khi, chỉ là nhìn những chú vịt mới nở, lông óng như nắng thu, chen chúc nhau trong thúng. Có khi, ta mê mải nhìn những chiếc vòng tay, vòng cổ, kẹp tóc… bằng nhựa, đủ sắc màu. Khi lớn hơn, đi chợ là nhiệm vụ trong ngày cần hoàn thành. Không còn cái háo hức của những ngày thơ ấu nữa. Ta biết chợ có những gì. Ta chỉ dừng trước hàng hoa thật lâu, để cân nhắc, chọn lựa và mua một vài bông theo số tiền mình có. Khi có con, đi chợ không còn là cái thú nữa, chỉ là tranh thủ mà thôi! Ta nhanh nhanh chóng chóng đến những khu vực cần mua, để rồi nhanh chóng thoát ra, không có thời gian ngắm nghía. Nhưng dù sao, đi chợ vẫn là một thú vui của không ít phụ nữ…

Trong một năm, có một khoảng thời gian rất nhiều người thích đi chợ. Đó là chợ Tết. Thực ra, đó là những ngày họp chợ cuối năm, chuẩn bị cho Tết. Dường như ai cũng vui vẻ, để dành để dụm cả năm cho những ngày này. Người bán nhiều, người mua cũng lắm, đông vui, tấp nập. Cái thú của chợ Tết đã khiến không ít người tốn thời gian để nhớ, để thương, để khao khát, để hồi tưởng và viết về nó… Tôi cũng thích đi chợ Tết, thích đảo một vòng quanh chợ Tết chiều ba mươi.

Đó là lúc, người bán đã vãn, người mua cũng trở nên thưa thớt. Cái lạnh của ngày cuối đông bơ vơ trong từng góc chợ. Trước đấy chỉ mấy tiếng thôi, còn người bán kẻ mua đông vui tấp nập. Vậy mà cuối chiều, mọi người đều hối hả về nhà, gấp rút làm nốt những công việc cuối năm để đón đợi thời khắc giao thừa. Mùi nem rán từ bếp nhà ai nương theo gió lan ra đường, đánh thức giác quan về món ăn thơm ngon và hấp dẫn. 

Mỗi năm, chợ chiều ba mươi lại có dáng vẻ khác nhau. Nhưng tôi đã đọc được tâm sự, nỗi niềm của người đi chợ trong thời khắc ấy. Tôi thấy nỗi buồn của người nông dân, người thương nhân trong từng gốc quất ế với những chiếc lá quăn lại trong ngọn gió mùa se sắt. Những quả quất vàng ươm hình như đang cố giấu mình, thấy cái màu sắc của mình trở nên vô duyên khi tiếng người qua lại ngày một vắng. Tôi thấy tiếng thở dài vương trên những cành đào không bán hết, lăn lóc nơi góc chợ. Tôi thấy ánh mắt thăm thẳm buồn trong những chậu hoa, những cành hoa đủ màu sắc đang dần phai sắc trong ánh chiều nhập nhoạng. Đôi khi, trong những chiếc sọt su hào, bắp cải, cà rốt đã vơi nhưng chưa hết, nằm lặng im như vẩn vơ nghĩ về thân phận của chúng. Những bó mùi già cố vươn những quả nhỏ xíu ra, chen lấn với mấy bông hoa muộn còn sót trên cành cây gầy gò, như thể mời gọi người mua, mang chúng về cho ngày đầu năm thơm tho… Tất cả đã từng mang bao niềm hi vọng, đã từng được chăm bón nâng niu… Vậy mà bây giờ… người trồng đành bỏ lại nơi góc chợ, nơi năm cũ. Vậy là, mất trắng bao nhiêu công chăm sóc. Vậy là, mới chỉ hòa vốn, chẳng được lãi là bao, đành mang về dùng hoặc phân phát cho nhà hàng xóm. Niềm vui đón năm mới không trọn vẹn. Nhưng, họ để lại tiếng thở dài, xếp đôi sọt và đi về với niềm hi vọng một năm mới tươi sáng hơn…

Tôi thấy sự bận rộn của những người đàn ông, những người phụ nữ khi vội vàng mua những gì còn sót lại trong chợ chiều. Đôi khi, những cái lắc đầu khe khẽ, nhưng nhìn quanh rồi họ lại tặc lưỡi bởi giờ này còn gì đâu mà kén chọn. Tôi thấy sự đáng thương của một đôi người, đi một vòng quanh chỗ những hàng quán đã co cụm lại, mua những gì còn ế cho hợp với khả năng của mình. Nếu “cháy” hàng, họ chẳng mua được gì. Ngày Tết sẽ không khác ngày thường là mấy… Chợ chiều ba mươi, âm thanh dường như đã chia nhau chạy theo bước chân mỗi người về nhà rồi, chỉ còn lại sự hiu hắt…

Tôi thích ra chợ chiều ba mươi, chỉ để ngắm nhìn một góc rất sâu của cuộc sống. Đôi khi, tôi mua thêm một thứ gì đó: mấy bông hoa, mấy củ hành, nắm lá mùi, túm cà rốt… chẳng hạn. Chẳng phải vì tôi vẫn thiếu… Cũng không phải vì nó rẻ… Tôi chỉ mong, mình có thể làm gì đó, giúp cho những người bán hàng về nhà sớm hơn, để buổi tối ba mươi của họ bớt vội vàng. Dẫu biết rằng, thế nào năm mới cũng sang…
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chợ chiều cuối Chạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO