Văn hóa – Di sản

Chín thập niên bản đàn xuân Hà thành

Nhà văn Nguyễn Trương Quý 12/02/2024 06:55

Âm nhạc là một nguồn giải trí quan trọng của đời sống thị dân Hà thành, với tiếng tơ tiếng trúc đã thành bạn với hoa đào cười gió đông, với cánh én liệng lưng trời. Bên cạnh truyền thống khai bút đầu năm đã tạo ra một dòng thi ca xuân, những bài hát nói ca trù chủ đề xuân còn tạo ra một lối sinh hoạt văn nghệ đặc trưng của giới tài tử Hà thành.

001hihljkhk.jpg
Bìa một số bản nhạc xuân thập niên 1940

Làn gió mới của trào lưu Âu hóa đã đem đến hình thức tân nhạc vào giữa thập niên 1930, trong ảnh hưởng của trào lưu những sản phẩm tân thời như báo chí, văn xuôi, Thơ Mới, những bài hát do người Việt sáng tác theo hình thức ca khúc Tây phương đã xuất hiện như một sự thể nghiệm. Dấu vết của những tứ thơ xuân cổ truyền rất đậm nét trong lời ca các bài hát, nối dài một không gian tao nhã của những cung đàn nhịp phách xuân. Năm 1938 được đánh dấu như năm trình làng những bài tân nhạc, cho dù đã được một số nhạc sĩ trẻ sáng tác trước đó. Ngay năm này, những bài hát chủ đề mùa xuân đã được giới thiệu, bắt đầu với các nhóm âm nhạc đầu tiên của Hà thành như Tricéa và Myosotis (Hoa Lưu Ly). Nhóm Tricéa với Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn đã có những bài hát về mùa xuân mang các điệu nhạc sôi động như “Xuân nghệ sĩ hành khúc” (Lê Yên, 1937) hay lả lướt yêu kiều như “Trên thuyền hoa”, “Cười trong nắng xuân” (Văn Chung, 1939), “Sao hoa chóng tàn” và “Trong muôn hoa” (Doãn Mẫn, lời J. Lệ Thủy và Phi Tâm Yến, 1940-1941). “Đối thủ” của họ, nhóm Hoa Lưu Ly cũng tô đậm cảm thức mùa xuân trong những bài hát đầu tiên: “Tâm hồn anh tìm em” (Dương Thiệu Tước, 1936), “Xuân về”, “Trời thanh” (Thẩm Oánh, 1938), “Trời xanh thẳm” (Dương Thiệu Tước, lời Văn Chung, 1942). Những tiết điệu rộn ràng đã gợi nên đặc điểm lễ hội, khá mới mẻ trong tương quan với các làn điệu xuân nhiều phần ảo não, như một lời tuyên bố đầy hào hứng về tâm thế của người nghệ sĩ trước cuộc đời mới: “Xuân về, ta chào xuân khắp nơi, chào xuân thắm tươi, chào xuân với bao ngày vui” (Xuân nghệ sĩ hành khúc).

anh-5hghgkh.jpg

Thuở bình minh của tân nhạc, những bài hát mùa xuân gợi một dáng vẻ cổ điển là nhờ các tác giả diễn tả một không khí của lối hát thơ, những ca từ bay bướm, như “Bản đàn xuân” (Lê Thương, 1939) dựa trên một thức điệu ngũ cung gợi nhớ những khuôn phách ả đào:

Đàn xuân tủi lòng nẩy cung đợi mong
Reo ai oán trong khuê phòng
Tình tang tang tính tính tình
Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng
Ngồi se chỉ hồng, hỏi ai hiểu không
Tiếng oanh muốn nhắn lời thay những tiếng ngân
Như chiếc bóng người chưa dám nhắc chân
Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa
Còn xa bay trong áng sương mờ.

Lời ca tràn ngập những hình ảnh mơ hồ, vẽ ra khung cảnh một người con gái đợi chờ người tình nơi xa. Hình tượng này vốn dĩ quen thuộc trong những bài thơ xưa hay các truyện thơ như “Cung oán ngâm khúc”, “Chinh phụ ngâm”, đến lúc này trở thành một chất liệu đậm đặc trong Thơ Mới lẫn các bài hát tân thời dù là giai điệu valse tình tứ kiểu Tây phương như “Hồn xuân” (Nguyễn Xuân Khoát, lời Thế Lữ, 1939), “Xuân yêu đương” (Thẩm Oánh, 1939) và nhất là “Cung đàn xưa” (Văn Cao, 1942). Những điệu valse gợi nhớ không khí lễ hội, tỏ ra ăn khớp với những lời ca bay bổng, lãng mạn:

Hồn cầm phong sương, hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi, sầu vắng cung đàn
Chiều năm xưa gót hài khai hoa, mắt huyền
lưu xuân, dáng hồng thơm hương…

Một bài báo đương thời đã ca ngợi những bài hát của các nhạc sĩ trẻ như Thẩm Oánh: “Bài hát được xuất bản sau cùng và đã nổi tiếng, “Hồ xưa”, là một điệu valse chậm, có một giai điệu rất riêng, gợi nên cả ngôn ngữ Á Đông và sự dữ dội của đam mê Tây phương. “Xuân về”, đã được thể hiện trên đài phát thanh qua tiếng hát tuyệt vời của cô Ái Liên, nằm trong số những khúc ca đẹp đẽ này” (Đinh Gia Trinh - “Bàn về âm nhạc”, Le Monome Octobre - Novembre 1939).

anh-7hjjh.jpg

Tiếp bước truyền thống khai bút và đan cài gửi gắm những suy tư về trời đất lúc vạn vật thay áo mới, xuân trở thành một đề tài gợi những cách diễn tả về sự biến đổi của thời gian, song song với sự thịnh hành của chủ đề “tuổi trẻ - lòng yêu - ánh sáng” vốn có liên quan đến các trào lưu xã hội của Tự lực văn đoàn. Có khi là những bài hát rộn ràng của hoạt động tập thể như “Bài ca của thiếu nữ Việt Nam” (Lưu Hữu Phước, lời Mai Lưu, 1943) hay “Xuân và tuổi trẻ” (La Hối, lời Thế Lữ, 1944-1945), cũng có lúc là một suy nghiệm về một chốn vĩnh cửu của tâm hồn và lạc thú như “Chùa Hương” (Hoàng Quý, 1939), “Màu thời gian” (Nguyễn Xuân Khoát, thơ Đoàn Phú Tứ, 1940), “Thiên Thai” (Văn Cao, 1941).

Vẻ đẹp thiên nhiên cũng là đối tượng của những bài ca, tiếp bước truyền thống ngâm vịnh “phong hoa tuyết nguyệt” của thơ xưa: “Bướm hoa” (Nguyễn Văn Thương, lời Kim Minh, 1942), “Nhắn chim” (Hoàng Phú, 1943)… Cảm thức về sự tuần hoàn của trời đất là sự gặp gỡ ý niệm siêu hình và chủ nghĩa lãng mạn phương Tây với những biểu tượng của sự hữu hạn của kiếp phù sinh như chim, hoa, bướm tạo cho những bài hát dù tân thời do các chàng trai đôi mươi viết ra nhưng lại chững chạc, từng trải.

Nhưng có lẽ để lại cảm xúc đậm nét về mùa xuân nhất là những bài hát gắn với các mối tình, tựa như những bài du ký về tình yêu trên đường lưu lạc của nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi: “Bông hoa rừng” (Lê Thương, thơ Thế Lữ, 1940), “Cô láng giềng” (Hoàng Quý, 1942), “Cô lái đò” (Nguyễn Đình Phúc, thơ Nguyễn Bính, 1942), “Cô hái mơ” (Phạm Duy, thơ Nguyễn Bính, 1942), “Bến xuân” (Văn Cao & Phạm Duy, 1943), “Mơ hoa” (Hoàng Giác, 1944 - 1945). Những mối tình đặt trong khung cảnh mùa xuân, được thăng hoa thành những giấc mơ về hạnh phúc, về tìm kiếm kẻ tri âm trong cõi đời vốn dĩ bất toàn. Hơn nữa, các bài hát tạo ra một trường thẩm mỹ về vẻ đẹp con người, nhất là khuôn mẫu các nàng thơ: “Một nàng sơn nữ hững hờ trong mây, tóc cô trong gió lẳng lơ, trong nắng vàng rỡn cặp má hồng tươi. Mắt như nước lặng in trời, cánh đào thắm nét miệng cười như mơ” (Bông hoa rừng), “Tôi mơ trời xuân đôi môi thắm, đôi mắt nhung đen màu hạt huyền, làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng, xao xuyến nỗi niềm yêu” (Cô láng giềng)...

Các nhạc sĩ trẻ đất Hà thành chín thập niên trước khởi sự viết những bài hát xuân đầu tiên có lẽ để thỏa niềm đam mê sáng tạo và khao khát tìm phương thức biểu đạt nội tâm trước sắc xuân. Xuân là cái cớ nhưng cũng là một đối tượng truyền thống cho ngôn từ và giai điệu diễn tả. Bởi thế các bài ca tựa như những giãi bày chân thật và e ấp, chưa có dấu vết của một dụng công thị trường hay thỏa mãn một đám đông.

Những bài hát xuân này được phổ biến sau Cách mạng tháng Tám nhờ sự lên ngôi của ý thức dân tộc và sự lan tỏa của phương tiện tân nhạc như hình thức truyền thông văn hóa hàng đầu, đã tạo ra một sự định hình về thẩm mỹ nhạc xuân cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Mảnh đất Hà Nội, sân khấu bắt đầu cho nhiều bài hát xuân, cho dù qua những biến cố thời cuộc, vẫn luôn cất lên những điệu xuân tình. Trong tiết trời xuân lạnh giá, những điệu ca lời hát mùa xuân thời kỳ ban đầu tân nhạc như gợi lại một vẻ thanh sạch của tâm hồn, khi những lãng đãng của ca từ hoa mỹ trên nền valse lả lướt hay phức điệu ngũ cung nhấn nhá bồi đắp cảm xúc về một thuở tình tự tươi non./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Chín thập niên bản đàn xuân Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO