Chiếc áo tuổi thơ

Nguyễn Hồng Vân| 24/05/2018 07:55

Những buổi trưa đầy nắng như thế này, má tôi thường ngồi bên cửa sổ cặm cụi vá may, đôi kính trễ xuống trên sống mũi vì mắt đã kém do tuổi tác theo tháng ngày chồng chất nhưng đôi tay má vẫn còn khéo léo từng đường kim mũi chỉ dù má chưa một ngày nào đi học cắt may. Má tôi chỉ học lỏm khi còn trẻ bởi những lúc rảnh rỗi má hay qua nhà cụ bà hàng xóm xem bà vá đồ. Thời của má, quần áo có rách cũng không vứt đi mà vá lại để mặc tiếp.

Chiếc áo tuổi thơ

Khi tôi còn nhỏ, nhà cũng không khá giả lắm nên toàn mặc đồ do má may cho chứ ít khi được đi đo may ở tiệm. Lúc học tiểu học, trường không bắt buộc đồng phục như bây giờ nên cứ mặc áo quần như ở nhà, tới giờ là ôm cặp đi học luôn. Đồ tuy cũ nhưng lành lặn, nếu có rách đôi chút thì má cũng vá lại rất khéo và đẹp. Tôi nhớ có lần ra cửa hàng mua đồ, cô bán hàng nhìn ngắm tôi một hồi lâu rồi kéo lại gần săm soi những đường may dưới thân áo, cô hỏi: “Áo con may ở đâu?”. Tôi cười bảo: “Quần áo toàn do má con may chứ không đi tiệm”. Cô bán hàng xuýt xoa: “May khéo quá mà kiểu cũng đẹp. Không giống ai hết”. Ý cô nói đồ không “đụng” hàng nhưng khi ấy còn bé nên tôi không hiểu lắm và cũng không cảm thấy có gì đặc biệt. 

Sau này lớn lên một chút, tôi mới để ý coi má làm như thế nào?! Má lấy bộ quần áo cũ của chị em tôi đo ni trên giấy rồi vẽ bằng phấn may, cứ nhắm chừng vậy thôi chứ không đo bằng thước dây, má ướm thử mẫu giấy trên vải rồi cắt và may hoàn toàn bằng tay. Vậy mà bộ đồ nào cũng vừa vặn. Về sau, má dành dụm được ít tiền mua một cái máy may cũ, đường may có đẹp hơn nhưng quần áo của chị em tôi cũng đều được má tự vẽ kiểu và may như thế, kể cả đồng phục đi học thời cấp hai. Lên đến cấp ba phải mặc áo dài thì má không còn tự may nữa mà phải đến tiệm may chuyên nghiệp và vì má bắt đầu bận rộn hơn với công việc mua bán của gia đình do nhu cầu ăn học của chị em tôi đã tăng lên. Tôi hay lấy vải vụn và kim chỉ của má bắt chước may đồ cho búp bê.

Bây giờ cuộc sống đã tiện nghi hơn nhiều thứ, ở bất cứ nơi nào cũng có shop quần áo với nhiều kiểu thời trang bắt mắt và tiện lợi nên dần dần những tiệm may cũng thu hẹp lại, hầu như không còn ai mặc quần áo cũ đến nỗi rách phải vá lại như xưa. Nhưng trong nhà tôi, má vẫn trang bị một cái giỏ nhỏ bằng mây đựng đủ thứ kim và chỉ đủ màu, đủ loại để đính cúc áo bị rơi hay khâu lại đường may sứt chỉ. Đôi lúc rảnh rỗi má lại cặm cụi may một chiếc áo gối mới hay sửa lại chiếc áo may không vừa ý. Má thường hay nhắc về những ngày thơ ấu, về những chiếc áo đơn sơ má may bằng tay dưới ánh đèn dầu mờ mờ để nhớ mãi một thời còn khó khăn thiếu thốn. Với tôi đó là cả bầu trời kí ức trong veo, ngọt ngào bao kỉ niệm êm đềm hạnh phúc mà không thể được một lần quay trở lại những dấu yêu xưa.

Ước cho thời gian chầm chậm trôi để má còn khỏe mạnh, mắt còn tinh anh vui cùng con cháu. Lòng tôi luôn an yên khi nhìn thấy từng ngày bình thản trôi qua trong dáng ngồi quen thuộc thân thương. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chiếc áo tuổi thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO