Chế Lan Viên: Anh ấy Điêu tàn, anh ấy Phù sa

Vũ Quần Phương| 12/10/2019 09:30

Tên thật: Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, quê Quảng Trị. Làm thơ từ năm 12, 13 tuổi ở huyện lị An Nhơn, kí những bút danh mang tên đất của Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Ông nói: Khi ấy chưa ý thức đó là thơ. Xuống Bình Định, gặp Yến Lan, mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, kí bút danh Lan Viên (vườn Lan, không biết có do tên Yến Lan gợi nên không). Xuống Quy Nhơn, thành người làm thơ thực sự trước bút danh Lan Viên có thêm họ Chế: Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên: Anh ấy Điêu tàn, anh ấy Phù sa

Tên thật: Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, quê Quảng Trị. Làm thơ từ năm 12, 13 tuổi ở huyện lị An Nhơn, kí những bút danh mang tên đất của Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Ông nói: Khi ấy chưa ý thức đó là thơ. Xuống Bình Định, gặp Yến Lan, mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, kí bút danh Lan Viên (vườn Lan, không biết có do tên Yến Lan gợi nên không). Xuống Quy Nhơn, thành người làm thơ thực sự trước bút danh Lan Viên có thêm họ Chế: Chế Lan Viên.

Năm 1937, xuất bản tập thơ đầu Điêu tàn.

Năm 1939, ra Hà Nội học, vào Sài Gòn làm báo, về Thanh Hóa, rồi vào Huế dạy học. Năm 1942, in tập văn xuôi Vàng sao, viết truyện ngắn, tập Gai lửa, tiếp tục làm thơ, tập Thơ không tên. Tham gia Cách mạng tháng Tám tại Quy Nhơn. Sau đó ra Huế làm báo Quyết thắng của Việt Minh Trung Bộ. Vào Đảng năm 1949.

Thời đất nước chia cắt, sống ở Hà Nội, tham gia ban lãnh đạo Hội Nhà văn, đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII. Đất nước thống nhất, về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, trong 8 năm cuối của đời mình, theo lời vợ ông, nhà văn Vũ Thị Thường, ông viết một khối lượng thơ nhiều hơn cả đời thơ trước đó. Bà Vũ Thị Thường đã soạn được 4 tập di cảo, khoảng 700 bài, bản thảo vẫn đang còn. 

Điêu tàn, 36 bài và sau Điêu tàn, 34 bài nữa, coi chung là những thi phẩm trước Cách mạng của ông. Chủ đề Điêu tàn được nhiều người xác định là tiếng than khóc cho đất nước Chiêm Thành đã tiêu vong. Đúng thế, nhưng chưa đủ. Bởi ngay trong đề tài Chàm này, mà đề tài Chàm mới chỉ chiếm một phần Điêu tàn, thì cảm hứng thơ Chế Lan Viên đâu chỉ khuôn trong nỗi buồn vong quốc của dân Chàm, đâu chỉ là nỗi nuối tiếc khung cảnh huy hoàng trong dĩ vãng. Ngoài “Những cô thôn vàng nhuộm bóng chiều tươi” với những “Chiếc thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành” và “Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp/ Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui”… Còn gì nữa chứ. Còn, ấy là:

Sọ dừa ơi hãy nghe ta truyền phán
Hãy ngả nghiêng lăn lộn, hãy kêu gào
Hãy rít lên những điệu xương vỡ rạn
Hãy buông ra những tiếng máu 
sôi trào 
(Xương vỡ máu trào)

Nhà thơ trẻ lãng mạn Chế Lan Viên muốn gì trong cõi yêu tinh kinh dị u uất ấy?
Hãy về đây, về bên ta mi hỡi
Đem cho ta những phút rợn kinh hồn
Những phút mộng điên cuồng, 
mơ dữ dội.
(Xương khô)

Ông muốn tìm giải thoát trong cõi yêu ma. Chán sắc màu thật của trần gian nên thích “hồn phách say sưa trong giả dối (…)/ Cho lăn lóc hồn mê trong ảo huyễn”. Tự tạo ra ảo huyễn. Nước Chàm xưa chỉ là một (trong nhiều) ảo huyễn được gợi nên từ hình dáng đổ nát của những tháp Chàm ngày đêm in bóng trên nền trời Bình Định, trên không gian tuổi thơ của tác giả. Đây là chỗ giao thoa của hồn thơ Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử. Mạch cảm xúc này cha ông ta ít khi khai thác, nó không có trong truyền thống. Phương Tây thì nhiều, rõ và gần nhất là Bôđơle. Niềm kinh dị (chữ của Hoài Thanh) do Chế Lan Viên gây nên xuất phát từ đây. Nhưng, theo tôi, sức thu hút của Điêu tàn không chỉ ở kinh dị với ma khóc quỷ hờn, đầu lâu la hét… trong cõi âm mờ tối, mà nhiều hơn lại ở sự mê đắm. Mê đắm vẻ đẹp rất nhiều ánh sáng kì ảo của trần gian thanh thiên bạch nhật. Thiên nhiên tươi sáng, son trẻ, nghịch ngợm, đa tình.
Cảnh xuân:

Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô
Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu
(Xuân về)

Cảnh thu:

Mặt trời nở trong ô cây thếp bạc
Trên ngàn xanh nhí nhảnh 
ánh vàng lay
Muôn chim hót cùng ngày thơ ca hát
Lũ bướm vàng quên lạnh 
thẩn thơ bay
(Thu về)

Đây cũng là khí quyển quen thuộc phong trào Thơ mới. Trong tâm lí tiếp nhận cảnh sắc ấy có lòng yêu đời say đắm, say đắm mà thành lãng mạn, mà tạo thần tiên cho cõi trần. Đây lại là chỗ giao thoa của Chế Lan Viên với Xuân Diệu và cả với Thế Lữ (Thế Lữ tạo thần tiên hơi quá tay nên có hao hụt thi vị trần tục). Hồn người thơ ở đây trong trẻo quá, cách xa lắm với khí đêm u uất cõi ma trong các bài thơ khóc dân Hời.

Giai đoạn sau Điêu tàn, bút pháp ảo trần gian trong trẻo này được vận dụng nhiều. Bài thơ Trưa đơn giản là thành công tiêu biểu cho khuynh hướng này. Những không gian trưa: trưa quanh vườn, trưa quanh gốc, trưa lên trời, trưa lạc vào lăng tẩm, trưa bước xuống những sân ga… các trưa điển hình của hiện thực nhưng được thu nhận bằng cái nhìn ảo. Thực ảo lẫn vào nhau, tạo một cảm xúc chập chờn nửa vào cõi lạ nửa trong cõi đời. Câu thơ mê đi làm tỉnh thức rất nhiều cảm giác, làm ý thức hóa mơ hồ, tài tình lắm:

Trưa, theo tàu bước xuống 
những sân ga
Dựng buồn lên xa gửi đến Muôn Xa
Đây trưa hiện hình 
trong căn trường nhỏ
Đưa tay thoa những hàng kính vỡ.

Đây là một chặng phát triển cảm xúc Chế Lan Viên sau giai đoạn kinh dị. Đôi lúc ông tạt qua bút pháp ấn tượng, tạo nét siêu thực chừng mực, đủ sức gợi. Ý nghĩa câu thơ lùi lại phía sau nhường cho cảm giác hình thành:

Thâm-khuê-ý-thức chong đèn lạnh
Mặt-nguyệt-tâm-tư tròn vẹn gương
Chiếc én thành son chưa đẫy cánh
Nét đau xanh liễu chửa buông tường.

Chế Lan Viên không phát triển bút pháp này. Hướng ấy là sở trường của Nguyễn Xuân Sanh, nhưng bài thơ Lại thấy thời gian này (viết khoảng 1937 - 1946) là một bài thành công, cho thấy biên độ cảm hứng của Chế Lan Viên khá rộng.

Tập thơ bao trùm giai đoạn sáng tác chín năm kháng chiến Gửi các anh là một tập thơ mỏng, ướm thử nhiều thủ pháp, cốt sao tải được hiện thực cuộc sống lẫn ý tưởng tác giả khi ấy. Khó có thể coi bài nào là hoàn chỉnh, nhưng lại hé cho thấy những khuynh hướng mới, sau này sẽ phát triển rõ trong Ánh sáng và phù sa. Điều đó chứng tỏ hướng tìm của Chế Lan Viên những năm kháng chiến chống Pháp là có ý nghĩa. Chế Lan Viên đã bộc lộ khuynh hướng nâng cao phẩm chất trí tuệ cho thơ. Khuynh hướng này về sau thành một đặc sắc của Chế Lan Viên.

Càng về sau hứng thú khi đọc thơ Chế Lan Viên càng thiên về hứng thú trí tuệ. Và từ trí tuệ mà nảy sinh tình cảm ở một chiều sâu mới.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn
(Tiếng hát con tàu)

Bài thơ dựng lại con đường Bác Hồ tìm đường cứu nước mang cái tên dài Người đi tìm hình của nước. Bản thân cái tên ấy là một câu thơ hàm súc, hình tượng thơ nằm trong hình ảnh đi tìm hình của nước, nghĩa là tìm dạng thức tồn tại cho đất nước (Độc lập hay Liên hiệp? Cộng hòa hay Quân chủ?...). Cách nói ấy mang tính trí tuệ và trở thành tứ của bài thơ. Bài thơ kết thúc khi cái hình nước hiện ra trong hòn đất Pác Bó được Bác Hồ nâng trên tay ngày trở về:

Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng 
hình đất nước phôi thai.

Phẩm chất trữ tình mới và cả bút pháp mới của Ánh sáng và Phù sa như một cú hích cho cả nền thơ miền Bắc hồi ấy. Nhiều cây bút trẻ bị phong cách Chế Lan Viên thu hút. Từ đó đến khi mất, Chế Lan Viên đều đặn cho xuất bản Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984). Các tập thơ vận động trên cùng một trục thi pháp Chế Lan Viên, nhưng mỗi tập là một phát triển dung lượng chất chứa hiện thực: chuyện đánh giặc, chuyện đời thường.

Thơ đánh giặc của Chế Lan Viên là thơ bình luận, tranh luận về phẩm chất anh hùng của cuộc chiến đấu, về lí tưởng cao cả và đức hi sinh to lớn của dân ta. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ Chế Lan Viên đã thành một chỗ dựa tâm hồn cho người đánh giặc. Còn nhớ những ngày đầu miền Bắc chống không lực Hoa Kì, ngay từ 5/8/1964, tin chiến sự như vang cùng thơ Chế Lan Viên, làm phấn chấn và thôi thúc lòng người đánh giặc. Tên sông tên núi gọi lên khi ấy thấm thía, xao xuyến biết bao nhiêu:

Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu và bảo vệ
Mây nước, cửa nhà, văn học, 
ngữ ngôn
Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp bể
Một rặng núi Kì Sơn từng lắm lúc 
mưa nguồn
(Sao chiến thắng)

Tình cảm nhà thơ cộng hưởng với tình cảm toàn dân yêu nước. Suốt mười năm từ 1965 đến 1975, Chế Lan Viên đồng hành cảm xúc mình với cuộc chiến đấu thống nhất đất nước. Thơ ông vào trận, khi hào sảng âm vang như văn Hịch tướng sĩ thời Trần: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng (1965), Con mắt Bạch Đằng, Con mắt Đống Đa (1966), Suy nghĩ (1966)…; khi bừng bừng căm giận, sôi sục anh hùng ca khi lại mảnh mai thăm thẳm như cái nỗi nhớ mơ hồ một địa danh nhỏ nhoi bên kia vĩ tuyến, thành phố Sông Cầu.

Ngày toàn thắng 30/4/1975, Chế Lan Viên công bố bài thơ dài Ngày vĩ đại, viết 3/5/1975, in hơn một trang nhật báo khổ to. Giọng thơ ào ạt như thuở nào Đại cáo bình Ngô trúc chẻ ngói tan, thần tốc thắng giặc, những thương nhớ đau đớn âm thầm nén lại bấy nhiêu năm cắt chia, bom đạn như được ào ra trang giấy cười, khóc, xót thương, hả hê, hào hứng…Vậy mà chưa đã, “Núi sông lành chỗ cắt vẫn còn đau”, hai tuần sau đó, vẫn thể thơ ấy, một bài dài gần gấp đôi xuất hiện, sâu lắng thâm trầm hơn, cảm nhận trở lại những gì dân ta, cả phía bên này lẫn phía bên kia, đã cắn răng chịu đựng “Đau sông nước muôn phương thân vạc thân cò”. Dung lượng bài thơ đủ để cho tác giả bình luận ở mọi lĩnh vực. Chỗ tình cảm đằm thắm, có chỗ lí sự, tranh luận, cái thế tranh luận của người chiến thắng, bút pháp tung hứng nhưng cũng rất dễ tự say lời.

Thơ đời thường, trong đó có thơ tình yêu, ở Chế Lan Viên rất phong phú. Cũng để dễ nói thì chia ra như thế, thực tế, đánh giặc đã là chuyện đời thường rồi, đề tài nọ vốn lồng vào đề tài kia. Xếp hàng mua gạo, mua vải hẳn là chuyện thường ngày, nhưng cũng là chuyện đánh giặc, là tư thế đánh giặc:

Một triệu quân giặc rối bời 
như canh hẹ
Ở đây ta xếp hàng.
(Xếp hàng)

Chế Lan Viên nắm bắt rất nhanh những chủ đề thơ của các sự kiện, các hiện tượng, thậm chí một nét tâm lí thoáng qua. Bài thơ nào cũng như một chiêm nghiệm xử thế, sức khái quát sâu mà cảm động.

Có bài, kiểu tư duy của Chế làm hiện thực bật ra tình huống thơ. Tiếng chim ở Vĩnh Linh sau ngày Mỹ ngừng bom, ngoại cảnh chỉ có thế, nhưng nội tâm nhà thơ đi qua gian lao của chiến tranh, đã tạo nên tình thế xúc động thơ:
Bốn năm lửa đạn chim bay hết
Nay tiếng bom im cánh biếc về
Tiếng hót đầu tiên, ơ lạ lắm!
Cả làng rưng lệ đứng im nghe
(Chim biếc Vĩnh Linh)

Câu cuối là của lòng nhà thơ tạo thêm cho hiện thực. Ông kĩ càng câu chữ. Gần như bài nào cũng có yếu tố sáng tạo. Người ta yêu tứ thơ của ông, và yêu cả ngôn ngữ, đặc biệt âm điệu câu thơ. Tiếng chim cu gù sau ngày đình chiến cũng trùng xương cốt chủ đề với chim biếc Vĩnh Linh, nhưng phập phồng da thịt cuộc sống xa, gần, xưa, nay. Âm điệu ngắn dài đứt nối vắt qua các câu thơ, như liền lại như đứt, mô tả tiếng chim cu gáy những trưa quê rất khêu gợi:

Hồn đất nước bâng khuâng
 theo tiếng chim dân dã
Như chửa nghe bao giờ. Mà như đã
Nghe rồi. Tự đâu thơi xa xửa xa xưa.
(Vòng cườm trên cổ chim cu)

Hai vế đề tài hoa ngày thường và chim báo bão trong thơ kháng chiến chống Mỹ và mươi năm sau đó của Chế Lan Viên luôn luôn phát triển song hành. Biên độ cảm xúc rộng, bút pháp biến hóa.

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy.

Hình ảnh ấy, trước hết, hợp với chính Chế Lan Viên. Ông là người chủ lực trong cả nền thơ, tạo nên mạch trữ tình lịch sử, trữ tình của những sự kiên lớn. Cảm xúc choán những biên độ rất rộng từ “Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc” đến “Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi”. Một đầu là lịch sử, đầu kia đã là thân phận con người.

Đọc thơ ông, thời kháng chiến chống Mỹ, ta dễ say trong chất men thời cuộc, hồn vía như bay lên cùng quán tính của sự kiện vần xoay. Nhưng khi thời cuộc qua đi, sự kiện chấm dứt, lòng người lắng lại. Thơ cộng hưởng được gì với hồn người khi ấy. Kinh nghiệm một nhà thơ lớn nhắc ông tìm lại ở lòng mình. Hôm đọc trên báo bài Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh (1988), qua tâm sự ông vua, đã thoáng thấy:

Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa
Xa tiếng gió xạc xào?
Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ?
Chỉ nghe danh vọng ầm ào? 
Vinh quang xí xố.

Câu cuối cùng ở bài thơ ấy, khi ông vua Đinh kêu lên: “Hồn ta ở đâu?”,  ta nghe thấy khát khao của nhà thơ Chế.

Trong tập Hoa trên đá (1984), Chế Lan Viên đã quay lại với giọng nhỏ trữ tình riêng tư, như hồi nào ông viết Ánh sáng và Phù sa. Tập trước, 1960, đánh dấu sự chuyển hướng thành công, từ chân trời một người đến chân trời mọi người, tập sau, một phần tư thế kỉ đi qua, là sự kết tinh một đời thơ, thu ngoại giới vào hồn mình, thành hồn mình. Hoa trên đá là một mốc chuyển đáng lưu ý của Chế Lan Viên. Chủ thể cá nhân, nông nỗi cá nhân bộc lộ khá nhiều. Tình thế buồn nhưng người không cam phận:

Chả bề nào khuây được bể dâu
Trừ ra bể sâu hơn bể nữa
Bể gây những cuồng phong bão tố
Cũng để quên mình đã lỡ thẳm sâu.
(Bể)

Bi kịch nhưng cũng là cái giá phải trả cho sự biết, nhất là để biết chính mình. Rất nhiều bài thơ như tự vấn trở lại những cái ngỡ như đã biết, thậm chí, đã giảng cho người khác: lẽ nào, chẳng lẽ, ngỡ như… Một nhà thơ nổi tiếng là thông minh, uyên bác và hùng biện như sông Hồng, sông Mã, “gầm reo trong đạn lửa”, lúc cao niên lại muốn im lặng và lắng nghe tiếng thì thầm của con sông Thương nước mắt “sông nhớ thương ai mà nước chảy đôi dòng”. Thơ cảm động ở nỗi sâu nặng tình đời. Tâm hồn nhà thơ như yếu đuối hơn, ông nài nỉ với cuộc đời:

Nghe hết câu chèo đã được không
Vội gì trăm núi với ngàn sông
Lặng đi một phút cho câu hát
Cùng với màu mây thấm tận lòng.
(Nghe hết câu chèo)

Cũng đề tài chiến tranh, sau rất nhiều bài thơ tung hoành như cáo, như hịch, như anh hùng ca giúp người đứng vững giữa bom đạn mà đánh giặc. Nay đất nước yên hàn, lòng ông lắng lại, cân lại những hi sinh “Những giọt lệ khô rồi bây giờ lại nhỏ”. Ông sống lại nỗi lòng người vợ đợi chồng: “Đêm đối diện với ngọn đèn hạt đỗ”. Ông xót xa trong đêm hò giấu nỗi đau từ tạ:

Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc
Nước mắt nhỏ sau câu hò, 
em lấy tay che.
(Đêm hò từ tạ)

Ông không giấu vị đắng của lòng mình khi trở về quê cũ An Nhơn sau chiến tranh, sau thời chia cắt “Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người”. Có câu thơ thật thà như câu nói mà trong hồn vía nó có chiêm nghiệm của cả đời người:

Ở đâu đong hạnh phúc chén đầy, 
đây chỉ chén vơi
Một hạt tấm con no suốt một đời.
(Kỉ niệm có gì)

Bao nhiêu nỗi buồn của con người thời thơ tránh né, tránh né để lòng yên mà đánh giặc, Chế Lan Viên tự tin mà nhặt lại.
Sau khi ông tạ thế, liên tiếp 3 tập Di cảo được xuất bản ( năm 1992, 1993, 1996). Bạn đọc sửng sốt và vui mừng: một Chế Lan Viên rất khác, thực hơn, bạo hơn, gọn hơn, chắc hơn; do vậy, mới hơn, trẻ hơn và rất lí thú là không hề cắt rời với thi pháp độc đáo Chế Lan Viên. Di cảo là những bài lúc sống, ông chưa đưa in. Chưa đưa in có lẽ vì ngần ngại năng lực tiếp thu của xã hội lúc đó. Ông quan niệm lại nhiều thứ. Chế Lan Viên viết như bổ sung, như đính chính những điều đã viết. Nhiều cách nghĩ ta thấy lạ. Lạ với ông. Lạ cả với nền thơ. Ông như tách khỏi mình mà khảo sát chính mình, ở cái chỗ người ta tưởng ông đắc ý lại là chỗ ông đã xót thương:

Khi tôi cưỡi trên mây
Thì máu người rên trên đất
Mẹ hỏi tôi
Con lên cao mà làm chi
Mẹ ở dưới này cơ cực
Về đi! 
(Tìm đường)

Có người nghĩ Di cảo là thơ sám hối của Chế Lan Viên. Tôi không thấy thế. Di cảo chỉ là sự bổ sung. Chỉ nói nốt những điều trước kia ông dừng lại. Dừng lại không nói, chứ không phải không có nó trong lòng. Di cảo đi xa hơn nhưng vẫn trong hướng tìm của nhà thơ.

Thi pháp Di cảo hiện đại hơn chính vì nó trình bày chất thơ để mộc từ trong lõi. Chỉ riêng Di cảo thôi đủ tạo sự nghiệp một nhà thơ lớn. 
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Chế Lan Viên: Anh ấy Điêu tàn, anh ấy Phù sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO