Chắp cánh cho hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” vươn cao, bay xa
Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hình ảnh “là nơi đáng đến và lưu lại” trong suy nghĩ, cách nhìn của du khách trong nước và quốc tế. Góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa. Qua đây để Thủ đô bảo tồn các giá trị văn hóa, mở ra những không gian mới cho phát triển văn hóa, du lịch tiến tới kỷ nguyên vươn mình.
Hà Nội với những giá trị nổi trội và cơ bản về tài nguyên du lịch văn hóa trên nền 1.000 năm lịch sử, Hà Nội hiện nay có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới, xây dựng và phát triển hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” đối với người dân, du khách trong nước cũng như quốc tế. Hiếm có một Thủ đô nào trên thế giới “giàu có” về tài nguyên văn hóa như Hà Nội.

Thủ đô có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có trên 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều di tích có giá trị ngàn năm tuổi và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Về văn hóa ẩm thực, Hà Nội có các món ăn làm nên thương hiệu của ẩm thực Thủ đô như: phở, cốm Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, bún thang, trà sen hồ Tây… Nghệ thuật dân gian trên mảnh đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội cũng rất phong phú với múa rối nước, chèo, tuồng, ca trù, hát xẩm,... cùng nhiều cơ sở hoạt động văn hóa văn nghệ, rạp chiếu phim, sân khấu, nhà hát có thương hiệu. Chưa kể, Hà Nội có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng, có 47 nghề trên 52 nghề của toàn quốc. Chính các tài nguyên di tích - di sản, lễ hội, ẩm thực và nghệ thuật dân gian cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người giàu lòng mến khách, thanh lịch, văn minh là “thỏi nam châm” hút người dân trên mọi miền Tổ quốc và bạn bè năm châu đến với Thủ đô Hà Nội.
Trong thời gian qua, nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đưa Hà Nội ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực, nhất là lan tỏa hình ảnh một Thủ đô giàu bản sắc văn hóa, Thành phố Sáng tạo, Thành phố Vì hòa bình, là nơi đáng đến và lưu lại.
Các lễ hội Quà tặng Du lịch, Lễ hội Áo dài Du lịch, Festival Thu Hà Nội, lễ hội ẩm thực… đến các không gian phố đi bộ, điểm du lịch làng nghề, khu di tích, bảo tàng, khu phố cổ…của Thủ đô Hà Nội luôn tấp nập, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, tham quan. Hàng chục năm công tác tại Thủ đô Hà Nội - ngài Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, chia sẻ: “Hà Nội đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới. Tôi tin mọi người dân Hà Nội và Việt Nam, trong đó có tôi vô cùng tự hào với những gì Hà Nội đã và đang làm được”.

Chắc chắn Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới và là niềm tự hào của cả nước. Bởi nhận thức đúng và rõ vai trò và vị trí của Thủ đô Hà Nội trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn mới và tư duy đột phá, tiêu biểu phải kể đến: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô 2024; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” nói chung, “là nơi đáng đến và lưu lại” nói riêng, Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp thể chế hóa quan điểm, chủ trương, định hướng phát triển đất nước, Thành phố của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng các văn bản pháp lý để thực hiện hiệu quả nhất Luật Thủ đô 2024. UBND Thành phố đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024).
Dự thảo Nghị quyết nêu trên được UBND Thành phố xây dựng nhằm thực hiện hiệu quả khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Điểm nổi bật của Dự thảo Nghị quyết chính là việc cơ quan soạn thảo đặt ra các nguyên tắc rất cụ thể, chặt chẽ. Trong đó, việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản; bảo đảm sự đồng thuận của đa số đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình trong khu vực; bảo đảm công khai, minh bạch để tránh tình trạng thiếu minh bạch hoặc lạm dụng chính sách đặc thù của Luật dẫn tới bất cập có thể xảy ra khi triển khai Nghị quyết.
Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết quy định các khu phát triển thương mại và văn hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về văn hóa kinh doanh, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường cao hơn so với các quy định chung. Quy định này khẳng định Thành phố hướng tới mô hình kinh doanh hiện đại, sáng tạo, bền vững nhưng vẫn gắn kết chặt chẽ với giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hình ảnh thương mại của Hà Nội, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm không gian mua sắm và văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Hay nói một cách khác, Hà Nội tiếp tục khẳng định là thành phố đến để yêu, “đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến”./.