Văn hóa – Di sản

Bùi Huy Tùng – nhà từ thiện

Nguyễn Vinh Phúc 20/11/2023 16:18

Bùi Huy Tùng (1794-1862) là một nhà từ thiện nổi tiếng của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX, quê là ngõ Phất Lộc.

Nguyên ngõ Phất Lộc ở Hà Nội gồm ba nhánh thông ra ba phố Nguyễn Hữu Huân, Lương Ngọc Quyến và Hàng Mắm. Nhưng cái tên Phất Lộc không phải là tên khu vực này. Thực ra nói theo đơn vị hành chính đời Tự Đức thì đây là đất của giáp Tiên Hạ thuộc thôn Dũng Thọ, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương. Phất Lộc chính ra là tên một làng ở huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Vào thế kỷ XVIII, có người dân làng này, họ Bùi, đã đến Thăng Long ngụ tại nơi đây để theo học trường Quốc Tử Giám rồi ở luôn tại đó. Sau đấy con cháu và người làng cũng theo lên, dần dần thành ra một ngõ mà đa số toàn là dân làng Phất Lộc. Nay trong ngõ hiện còn có ngôi nhà thờ họ Bùi, mang biển số nhà 30 mà diện mạo như hiện này là có từ năm 1878. Đây là một họ lớn, con cháu làm ăn phát đạt, kể cả làm quan.

Theo gia phả họ Bùi thì ông tổ đầu tiên lên Thăng Long là cụ Bùi Mạo, vào học trường Giám, niên hiệu Vĩnh Thịnh, năm Đinh Dậu (1717). (Cụ thuộc thế hệ thứ 11, tính từ thuỷ tổ ở Thái Bình).

Đến thế hệ thứ 14 có một nhân vật nổi tiếng về công việc từ thiện. Đó là Bùi Huy Tùng (1794 - 1862) hiệu là Như Trai, tự là Tú Lĩnh. Ông hiếu học, quảng bác song không thành đạt về khoa cử. Được bạn bè tiến cử, ông có vào Huế làm một chức vụ về văn thư ở phủ của Kiến An quận vương. Song chỉ một thời gian ngắn, ông cáo quan, về lại ngõ Phất Lộc mở trường dạy học. Song không như nhiều nhà có của mà keo kiệt, hai ông bà luôn làm những việc từ thiện công đức.

Đặc biệt với các di tích lịch sử thì họ có đóng góp quan trọng. Xin nêu hai di tích lớn. Thứ nhất là văn chỉ huyện Thọ Xương. Nguyên ngày trước trong việc thờ phụng các vị sáng lập ra Nho giáo thì ở cấp tỉnh có văn miếu tức toà nhà xây dựng quy mô. Còn ở cấp huyện và cấp xã thì có văn chỉ tức là một khuôn viên (phần lớn ở giữa đồng) gồm một cái nền lát gạch lộ thiên, bên trên xây những bệ gạch, đặt bát hương, mỗi năm xuân thu nhị kỳ, hội Tư văn hàng huyện (hoặc hàng xã) tới làm lễ cúng Khổng Tử và các vị khoa bảng của địa phương.

Riêng huyện Thọ Xương tới đời Nguyễn vẫn là huyện quan trọng của tỉnh Hà Nội nên các nhà Nho đã thay thế văn chỉ lộ thiên bằng những toà nhà hẳn hoi, đương nhiên không to bằng văn miếu song cũng đủ hậu cung, đại bái, tả vu, hữu vu... vì ngoài Khổng Tử, tứ phối, nơi đây còn thờ các vị tiên hiền tức các nhà khoa bảng người gốc Thọ Xương (Thọ Xương tiên hiền từ vũ - đền thờ tiên hiền huyện Thọ Xương). Nay văn chỉ Thọ Xương đã trở thành trụ sở một trường tư thục, ở sâu trong ngõ Văn Chỉ, chỗ số nhà 222 phố Bạch Mai rẽ vào. Tuy vậy, ở đó vẫn còn một tấm bia ghi lại sự việc xây dựng toà đền này vào niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (1838), tác giả là nhà văn hoá lớn đương thời là tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, quen gọi là ông Nghè Đông Tác (vì quê ở làng Đông Tác, tức Trung Tự ngày nay).

tho-xuong.jpg
Văn Chỉ Thọ Xương.

Trong bài văn bia tác giả thuật lại quá trình tạo dựng văn chỉ, trong đó nêu cao công đức của ông Bùi Huy Tùng: “Xưa kia đã có đền thờ, nhưng trải qua cơn biến loạn (...) đền cũ không còn...

Năm Nhâm Thìn (1832) bọn thân sĩ chúng ta cảm kích nhớ tới đạo đức phẩm chất các vị tiên hiền, nên bàn cách khiến cho được lưu truyền mãi, tham khảo quy chế phụng thờ, ghi thành ước lệ.

Qua năm Bính Thân (1836), các thân sĩ đem ý định đó bàn với vị tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) người thôn Tự Tháp là Vũ Hoán Phủ (Vũ Tông Phan) rồi chọn nơi làm đền thờ ở phường Hồng Mai, phía nam huyện. Đền chính xây toàn gạch, mặt hướng về phương đông. Năm gian bái đường, nhà bên tả và bên hữu đều lợp ngói, cột phía ngoài và tường xung quanh đều xây gạch. Khoảng giữa trồng hoa. Lại đặt thêm ruộng tế và ao tất cả 8 mẫu 7 sào 10 thước.

Quy chế trăm ngàn năm, chỉ có vài năm mà hoàn thành. Ôi! Việc tốt đẹp của danh giáo được mở ra rồi chăng? Nếu không, sao lại hưng thịnh được như vậy?

Ngay từ ban đầu khi thân sĩ ta đề xướng ra thì ông Bùi Huy Tùng, người Hà Khẩu thuộc bản huyện đã vui lòng xuất của nhà hàng ngàn quan đưa cúng vào đó, lại tự mình trông nom mọi việc từ đầu đến cuối.

Thế mới biết rằng những việc rất lớn, rất tốt trong vũ trụ, chỉ sợ không chịu làm thôi. Nếu làm thì không có gì khó. Bởi vì đã hợp lẽ trời thì thần minh không hề ngăn cản việc hoàn thành” (Vũ Tông Phan: Tuyển tập thơ văn, 2000).

Không rõ giá trị của hàng ngàn quan tiền mà ông Tú Lĩnh đã bỏ ra để góp phần tu tạo di tích so với thời đó là bao nhiêu, chỉ biết bậc đại Nho Nguyễn Văn Lý đã đưa tên tuổi và ca ngợi công đức của ông vào trong văn bia thì hẳn là rất lớn, không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần, về vật chất, có thể so sánh: lúc này Tri huyện huyện Thọ Xương sở tại là Nguyễn Thế Trường mà chỉ đóng góp có 10 quan.

Thứ hai, ông lại còn đứng ra cáng đáng việc tu bổ chính ngôi đình Phất Lộc, nay là số nhà 46A trong ngõ. Đền đó do ba giáp Nguyên Thượng, Nguyên Trung, Nguyên Hạ của chính dân Phất Lộc lập ra nên gọi là đền Tam Nguyên. Đền có từ giữa thế kỷ XVIII, đến giữa thế kỷ XIX thì hư hỏng. Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng đã đứng ra làm lại ngôi đền. Công việc xong xuôi, cả ba giáp lập bia nhờ Tiến sĩ Vũ Tông Phan viết cho bài văn bia, trong đó có đoạn:

“Ba giáp ta vốn người xã Phất Lộc, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định, từ mấy đời trước bói quẻ dời đến đây, thấy đất này quả là đẹp bèn dựng nhà ngụ lại: vào năm Giáp Thân (1764) đời Cảnh Hưng lại xây Từ Vũ làm nơi tế lễ.

Nơi thờ cúng của ấp lâu nay đã hư nát. Ba giáp nhiều lần muốn tu sửa, nhưng sức lực với nguyện vọng trái ngược nhau, đành phó mặc, biết làm sao được! Ngày gần đây họp bàn, có người Giáp Thượng là Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng và vợ hiền là Cao Thị Tính, vốn dĩ vui làm việc thiện, nghe tỏ sự tình, nhân đó cùng có lời bày tỏ phân minh; tiếp theo lời lại vui vẻ xuất tiền của riêng ra xây lại mới mẻ, to lớn hơn xưa. Công việc thật không lường! Tháng 2 mùa xuân năm Mậu Thân (1848) bói quẻ khởi công, đến tháng 10 mùa đông mới xong. Nhà mái khang trang, khí sắc hơn xưa gấp bội. Ấy là nhờ có phúc ấm thần linh truyền lại, nhưng ví thử không có người thành tâm, liệu được như vậy chăng? Bèn cho khắc vào bia đá để lưu truyền”...

Lại một bậc đại Nho khác ca ngợi công đức, việc làm từ thiện của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng.

Ngoài ra, Tú Lĩnh còn góp công của tu bổ một số di tích khác như đình Xã Đàn, đình Văn Quán - Hà Đông - Hà Nội, đình Kim Bài (Thanh Oai - Hà Nội)... Thật là một tấm gương trong sáng vô tư.

Cũng phải kể đến một đóng góp đáng kể của ông Bùi Tú Lĩnh với việc nghiên cứu các cửa ô Hà Nội là bài văn bia ông soạn cho đình Thanh Hà, nay ở số 10 Ngõ Gạch. Qua bài văn bia này ta mới biết là cửa ô Quan Chưởng vốn ở lùi vào phía trong; đến năm Gia Long Đinh Sửu (1817), cửa ô được làm lại để mở rộng đường đi lại nên xén vào đình làng Thanh Hà, do vậy đình phải chuyển đến chỗ ngày nay (10 Ngõ Gạch), xây nhờ trên đất làng Vĩnh Hanh.

Ông cũng soạn nhiều sách, chủ yến là diễn giải hoặc tóm lược các thư tịch cổ, nay còn lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Âm chất văn (AC.32), Ngũ luân ký (AC.38), Tứ lễ lược tập (A.1016), Văn Xương đế quân quá cách (AC.292), Kinh tịch cách ngôn (AC.37)...

Tóm lại Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng là một doanh nhân, một nhà văn hoá và nhà từ thiện rất đáng trân trọng của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
    Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần 20 chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hơn 3.000 người dân Thủ đô được thăm khám, sàng lọc sức khoẻ miễn phí
    Ngày 8/12, tại phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Sống khỏe mỗi ngày - Vì một Việt Nam khỏe mạnh.
  • Triển lãm "Kinh Bắc art 3"- nơi gặp mặt của hội họa miền quan họ
    Triển lãm "Kinh Bắc art 3" khai mạc vào 17h ngày 7/12 và kéo dài đến ngày 13/12 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh - 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Bùi Huy Tùng – nhà từ thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO