Biết lòng chưa nguội lửa

Phạm Đình Ân| 12/07/2020 07:22

Không ghi chú “Tuyển tập” (hoặc “Thơ chọn”), tất cả 221 bài trong “Thơ Nguyễn Thanh Kim” (Nxb Hội Nhà văn, 2019) đều không ghi ngày tháng năm sáng tác. Ấy vậy mà những ai biết nhiều về thơ Nguyễn Thanh Kim chắc chắn đều hiểu rằng đây là thơ được sàng lọc từ thuở đầu ông công bố cho đến nay, gần năm mươi năm, khi tác giả đã quá tuổi bảy mươi. Tập thơ mới nhất này cũng là dày nhất (hơn 300 trang), sau 13 tập trước của ông.

Biết lòng chưa nguội lửa

Suy nghiệm về vẻ đẹp những vùng văn hóa

Nguyễn Thanh Kim sinh trưởng ở vùng Kinh Bắc. Thêm vào cái nền, cái đà ấy, bạn bè cùng chí hướng cũng góp phần nuôi dưỡng, khích lệ, dìu dắt ông bước vào con đường văn chương đầy gian nan nhưng cũng nhiều niềm vui. Ngay từ buổi đầu, Nguyễn Thanh Kim đã được cuốn theo Đỗ Chu, Anh Vũ, Vũ Từ Trang, Trần Anh Trang, Nguyễn Ngọc Ly... Ông cũng thả hồn về với Bắc Giang. Khi “Nghe trong câu hát tằm tơ”, “Thăm đình Thổ Hà”, ông thấy “Màu quê hương”, mê mẩn với “Trắng trong sắc điệp”. Nhà thơ lưu luyến gặp người “Có duyên quan họ”, cùng bạn thơ, bạn hát “Nghe dài canh quan họ”. Ông làm thơ về cây dã hương nghìn tuổi ở Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ông viết về sông Thương, con sông thơ khác thường, như của riêng thi sĩ: “Lặng lẽ phù sa/ đôi hàng lệ nhỏ/ giằng co giữa hai đối cực/ bào trơ và bồi đắp/ bóng đêm và ánh ngày/ xa xa thẳm bao nhiêu dặm biển?” Nguyễn Thanh Kim “Thức ở đình Diềm” trong buổi hát quan họ, san sẻ nỗi niềm buồn vui cay đắng ngọt bùi với một ông già đang nhớ lại rực rỡ tuổi thanh xuân: “Hình như/ men rượu/ ông nhớ/ bế bồng/ câu hát cũ/ cha mẹ/ bén duyên nhau/ ngan ngát/ cỏ rơm/ hương tóc dại/ Hình như ông/ chẳng nhớ gì/ quên cả/ tuổi tên mình/ đắm mê/ câu hát/ miên man/ nước mắt/ tự nguồn”… 

Cảm hứng địa danh thường nổi trội trong thơ Nguyễn Thanh Kim. Tuy nhiên, đọc thơ ông, người ta ít thấy dạng “huyện ca”, “tỉnh ca”, chỉ thấy tấm lòng, xúc cảm suy nghiệm về quê hương, đất nước, con người. Nguyễn Thanh Kim suy nghiệm về vẻ đẹp của một, hai và những vùng văn hóa. Ngoài Bắc Ninh - Bắc Giang, ông viết về Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng là cặp đôi hai tỉnh gần gũi về sắc thái). Thú vị là, tác giả từ quê mình đi đến quê người vợ yêu quý - như là cố ý nối liền với vùng văn hóa - nghệ thuật thứ hai. 

Sống chậm trong cân bằng buồn vui

Nguyễn Thanh Kim viết và in không chậm. Báo đều đều có bài, sách thì vài ba năm lại thêm một cuốn. Ấy thế mà ông lại là người sống chậm nhiều hơn là nhanh, trong một xã hội hầu như mọi người đang rất vội vã.
Có lẽ tính cách lành mềm và nhẫn nại của ông đã được mặc định từ buổi đầu đến với văn chương, khiến giọng điệu thơ, nhịp điệu thơ như đã ổn định. Thơ ông không phát triển theo hướng tứ, suy lý hoặc xúc cảm cực đoan tung phá mà thường là nghĩ ngợi, gói ý thơ, hình ảnh thơ vào một khuôn gọn ghẽ, chắc bền, đi hết chiều sâu mong muốn của tác giả. Giọng điệu thơ chạnh nghĩ sự đời, đằm thắm yêu thương, nhẫn nại và tin cậy; nhịp điệu thơ trầm bổng đẩy đưa, cân bằng.

Nguyễn Thanh Kim từ thân phận đến thơ ca là vậy. Buồn vui thật lòng, buồn đến đâu, vui đến mức nào thì nói đến thế. Mười lần ông nói đến tóc bạc với thời gian. Nhiều câu, cụm câu hay về tóc chuyển bạc, nhưng vẫn chừng mực, chỉ dừng ở ý thơ, thi ảnh, không đẩy lên hình tượng, tứ thơ, không được dành ra bài riêng, khiến độc giả dễ lướt qua. Ông buồn vì cuộc sống “mặn nồng thì ít phôi pha lại nhiều” (Trái tim thức đập). Chính vì sống chậm mà nhà thơ mới thấm thía lẽ thiệt hơn, sự hay dở thật giả ở đời. Ngỡ ít khi phiền muộn, nóng giận mà vẫn có lúc ông như là một người khác: “Vợ yếu, con thơ dại/ khúc nhôi, chuyện vắn dài/ giật mình lo đứt bữa/ trán ướt đẫm mồ hôi/ Xe máy phóng cuồng loạn/ nhịp sống đến kinh người/ đời ngược xuôi tất tả/ trang sách này cho ai” (Tự cảm). Nguyễn Thanh Kim than thở “đời đã vậy, xin cứ là như vậy” để rồi ông đưa mình về trạng thái cân bằng: “Rừng đã cháy đừng dồn chảo lửa/ nước dâng cao chớ để nước tràn/ gió đã nổi đừng cuồng giông lũ/ héo khô rồi chớ để thác oan” (Lời nguyện). Ông tự nhủ: “Ta như thuyền đó/ ở phía mờ sương/ nửa mơ cõi lạ/ nửa xoay lá buồm” (Ru sông). Giữ cho tâm thế cân bằng, ông tin tưởng ở cái đẹp, cái thiện đang hiện hữu: Nỗi mình thà chịu chông chênh/ vườn tôi chồi vụ bấp bênh như đùa/ cơ trời, vận nước, được thua/ vườn tôi xin nguyện bốn mùa cứ xanh. (Vườn tôi).

Ông thấy rõ cái xấu, cái ác: “Nhiều lúc ta ngóng trông/ tìm một lời an ủi/ đôi khi ta tự hỏi/ lòng tốt có thật không/ cái thiện thì bấy bớt/ ác kia đang hoành hành/ sao tình yêu ngoảnh mặt/ hạnh phúc thì mong manh?”. Nhưng cũng ngay sau đó, nhà thơ lấy niềm tin để cân bằng lại: “Tin ở chốn bão giông/ cho mỗi ngày ngợi sáng/ lũ lụt và hạn hán/ tin ở kẻ gieo trồng/ tin ở ngọn đèn chong/ cháy âm thầm đêm tối/ thác ngàn và mưa xối/ tin ban mai thật lòng” (Tin).

Tác giả mời độc giả hãy cùng mình: “Cứ nằm xuống lặng yên với cỏ/ chỉ mình thôi thanh thản riêng mình/ lan tỏa nhẹ thênh trời đất/ nhập vào cùng những ngàn xanh” (Thinh lặng)

Lối sống chậm tạo nên tâm thế cân bằng. Theo hướng nghề thơ mà quan sát, thấy thơ Nguyễn Thanh Kim cân bằng ở cấu trúc hòa hợp thống nhất các tiểu thể loại thơ. Không hẳn tác giả ý thức sâu sắc về điều này, có thể nó tự đến. Có nhiều thơ văn xuôi (15 bài), nhiều bài dòng ngắn hai, ba, bốn chữ nối dài (27 bài). Hai kiểu thơ này có nhịp ngưng nghỉ nhiều hơn, buộc người đọc không thể đọc nhanh như đọc các kiểu thơ khác quen thuộc. Độc giả phải đọc chậm, như là sống chậm cùng tác giả - theo nghĩa nào đó - mà không tự biết. Đối với Nguyễn Thanh Kim, thơ văn xuôi có mối liên hệ với tản văn của ông. Thơ văn xuôi cần đọc chậm hơn, bởi dẫu sao thơ vẫn phải là những câu rời ghép lại. Phải chăng đối với Nguyễn Thanh Kim cái chậm trong thơ liên quan phần nào đến cái chừng mực? 

Đăm đắm nghiệp văn

Từ thuở ấu thơ đến tuổi trưởng thành, “nhiều năm gắn với miền Kinh Bắc giàu sắc thái văn hóa, dân giã và huê tình” (tự thuật tiểu sử), sau đó Nguyễn Thanh Kim lại được vào học trường viết văn Nguyễn Du (khóa II, 1982 - 1985). Từ bước thuận lợi thứ nhất, nhà thơ được đẩy tới bước thuận lợi thứ hai, cộng vào niềm say mê và tinh thần nỗ lực trong sáng tạo, ông đạt được độ chín của nghề văn. Là nhà báo, ông còn viết tản văn, hồi ức, bình luận, chân dung văn học… 

Thơ ông tuy nghiêng về phía trầm ấm, đều đặn, nhưng không đơn điệu. Thơ văn xuôi và thơ câu rất ngắn nối dài theo chiều dọc của ông khiến người đọc động não, bất chợt thay đổi cách cảm thụ. Dù viết cho trẻ em không nhiều nhưng hồn thơ trong trẻo của Nguyễn Thanh Kim cũng là thế mạnh của ông.

An lành, cân bằng, nhưng hoàn cảnh khách quan có khi bắt buộc ông phải động cựa, trở trăn:

Thơ ở đâu? Ta thả giữa dòng 
giữa nguồn vô định, bến vô cùng
lòng ngỡ tan nhòa muôn ghềnh thác
sao còn run rẩy một dây cung?
(Nỗi niềm ai tỏ)

Và đây, sáng tạo văn chương nghiệt ngã lắm, hạnh phúc dâng trào mà gian truân và bất hạnh cũng không ít:

Biết mấy lênh bênh dăm cuốn sách
một thoáng nhìn nhau, tóc bạc rồi
đăm đắm nghiệp văn, người lận đận
giật mình - trang giấy - toát mồ hôi.
(Đăm đắm - 148)

Thơ Nguyễn Thanh Kim gần năm mươi năm sáng tác, là một chặng đời thơ, nhưng mong rằng đây chưa phải là tổng kết, nếu là kết ở mức nào đó, thì kết để mà mở. Hướng về phía trước, thi sĩ vẫn thấy thăm thẳm đường đời và giông bão/ cho ta khao khát một vòm xanh (Chợt tỉnh - 208). Tác giả vẫn ngày ngày tiếp tục cuốc bộ hoặc lên xe buýt đi mua báo, đến các tòa soạn và gặp bạn bè. (Hình như nhà thơ đọc, viết về đêm và hai ngày nghỉ cuối tuần? Nghe đâu ông vừa ra mắt một cuốn sách mới “Nghiệp văn biết mấy”, không phải thơ). Đến đây, xin dẫn lại câu thơ mượn làm nhan đề bài viết này, được trích ra từ bài thơ Mưa thức của chính ông:

Xuyên mưa tìm đến nhau
biết lòng chưa nguội lửa
chén rượu đầy sang nhau
biết tình không lầm lỡ!

để thấy rõ thêm rằng, đối với nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, mãi mãi lửa ấm trong đời, tình thật đáng nhớ trong thơ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyển dụng 215 công chức làm việc tại các sở, ngành, quận huyện
    Sở Nội vụ Hà Nội vừa thông báo về việc tuyển dụng 215 công chức làm việc tại các sở, cơ quan tương đương sở, Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2024.
  • Ấn tượng triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”
    Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm diễn ra từ nay đến hết tháng 10/2024.
  • Cô gái Thái và hoa ban trắng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cô gái Thái và hoa ban trắng của tác giả Tạ Văn Hoạt.
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
Biết lòng chưa nguội lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO