Bên đống lửa

Võ Thị Xuân Hà| 27/08/2019 08:48

Thằng bé bước qua cái khối lờ mờ trong đêm để vượt lên đoạn có cái cột đèn. Ở đó treo lơ lửng cái bóng đỏ quạch, luồng ánh sáng phả xuống bãi đất trống hơi thở mỏi mệt, mù mịt sương và bụi. Nó vụng về vấp bịch vào cái khối lờ mờ đó. Tiếng vấp chẳng hứa hẹn điều gì. Nó ngồi thụp xuống sờ, phát hiện thấy một bao lùng bùng toàn là giấy vụn.

Bên đống lửa
Minh họa của Vũ Khánh
Thằng bé bước qua cái khối lờ mờ trong đêm để vượt lên đoạn có cái cột đèn. Ở đó treo lơ lửng cái bóng đỏ quạch, luồng ánh sáng phả xuống bãi đất trống hơi thở mỏi mệt, mù mịt sương và bụi. Nó vụng về vấp bịch vào cái khối lờ mờ đó. Tiếng vấp chẳng hứa hẹn điều gì. Nó ngồi thụp xuống sờ, phát hiện thấy một bao lùng bùng toàn là giấy vụn.

"Cũng được. Mình có thể làm một bữa sưởi ra trò. Mình sẽ nướng mấy mẩu bánh mì".

"Không biết ai đã ném cái đống giấy vụn này ngang qua lối đi nhỉ? Thùng rác lù lù ở bên kia đường. Thật chẳng có kỷ cương gì cả".

 Nó kéo lê cái bao theo mình. Lúc đó một người đàn bà lầm lũi đi qua. Bước chân đi hơi sệt. Cái dáng đổ nghiêng xuống đường như con sên bò ngọ nguậy. Một chiếc xe máy lướt ngang qua. Người đàn ông ngồi trên xe nghiêng đầu nhìn. Ông ta văng một bãi nước bọt xuống đường. Thằng bé ngoác miệng cười. Nó ngẫm nghĩ về lợi thế trẻ nhỏ của mình và xoạc cẳng ngồi xuống bãi cỏ. Cái bao bị đổ tung ra, trắng muốt dưới ánh đèn. Toàn là giấy vụn nhưng cũng có thể đóng được những cuốn sổ con con.

"Kì lạ thật. To hơn cả bàn tay mình thế này mà dám bỏ đi".

Tiếng động ngay bên cạnh làm nó giật mình. Người đàn bà đang ghé đầu nhìn soi mói đống giấy. Rồi bà ta lẩm bẩm:

- Tưởng gì. Cu cậu hôm nay vớ bở đây.

Thằng bé rũ tung cái bọc vải để tìm diêm. Cái bao diêm xọc xạch còn vài que. Ánh lửa nhỏ xíu bùng lên sáng trắng. Mùi lưu huỳnh cháy sực vào mũi. Những tờ giấy bén lửa đỏ rực. Người đàn bà ngồi sà xuống.

- Mày có cái gì nhét vào bụng không? Hôm nay tao đói quá, chẳng làm được trò trống gì.

Thằng bé không nói gì, lẳng lặng lôi trong bọc ra mấy mẩu bánh mì dở dang. Nó giơ mẩu bánh bé xíu lên trên ngọn lửa. Muội giấy lập tức bám vào đen xì. Mùi bột mì nướng tỏa trong không gian lễnh loãng. Người đàn bà ngọ ngoạy những ngón chân to kệch. Mái tóc bơ phờ phất phơ dưới ánh lửa. Thằng bé xuýt xoa tiếc rẻ cái đống giấy trắng nên đứng dậy vuốt vuốt tờ giấy thật phẳng phiu rồi mới vùi xuống. Người đàn bà cầm mẩu bánh mì thận trọng véo từng miếng một cho vào miệng. Chỉ một loáng miếng bánh hết veo. Bà ta nhìn những mẩu giấy chằm chằm rồi bảo:

- Đừng đốt, đọc cho tao nghe với.

Thằng bé ngạc nhiên:

- Có chữ nào đâu?

- Ừ thì cứ cho là không có chữ đi. Nhưng đấy là vì chưa được viết ra, mày hiểu không?

Thằng bé dẩu môi nhìn vị khách không mời:

- Cháu chẳng hiểu gì sất cả.

- Hồi tao còn nhỏ, bà nội tao toàn làm cái trò đó. Bà cầm một cuốn sách lên, cả chỗ có chữ lẫn chỗ không có chữ, cứ đọc vanh vách. Tối nào ăn xong mà không có việc là bà leo lên giường rồi bắt bọn tao ngồi xung quanh. Bà đọc hết truyện này sang truyện khác. Có những truyện nghe cũng chối tai. Nhưng khi tao thích nghe lại một truyện nào đó thì bà già dối trá ấy lại lơ đi. Mãi đến lúc bà chết, tao mới biết là bà không có chữ trong mắt mà chỉ có chữ trong đầu.

Thằng bé nghếch cổ nghe người đàn bà nói. Suýt nữa làm tắt bếp lửa.

- Gớm, cái hôm chôn bà cụ, tao khóc to lắm. Khóc vì tức mà không làm gì được. Tao giáng thật mạnh một hòn đất xuống mộ. 

Người đàn bà bật dậy tìm thêm cỏ khô để ném vào lửa. Cái trò đốt lửa này làm bà ta nhớ da diết tuổi thơ với những câu chuyện bịa đặt của người bà. Ở dưới lớp cỏ bà nhặt được một khúc gỗ mục. Hình như là khung cửa sổ của nhà ai đã bỏ đi lâu lắm rồi.

- Đấy, bây giờ thì mày không lo lửa tắt rồi nhá. Cứ thế này cũng vui chán, nhỉ?

Thằng bé há hốc mồm nhìn đôi môi nứt nẻ của người đàn bà. Bà ta vẫn đang đói là cái chắc.

- Bác ăn nữa không?

- Chó con, vẫn còn mà giấu tao hở. Bỏ ra đây để nướng.

- Sao bác không về nhà?

- Tao đi tìm bà cụ...

- Sao cơ?

Người đàn bà mải ăn mẩu bánh nên không trả lời thằng bé. Lửa bập bùng soi rõ những đường gân xanh trên cổ tay bé xíu. Nó cũng véo bánh cho vào miệng. Trăng bắt đầu ló ra trên nền mây đen sẫm lấp lánh nhũ bạc. Những ngôi sao tự khép mình sau ánh trăng. Khu ngoại ô lặng lẽ và cô quạnh. Thỉnh thoảng một ánh đèn xe quét ngang rồi vụt đi, để lại trong lòng đêm những vầng bụi đặc sệt. Một con đom đóm to tướng như lửa lân tinh chập choạng trên búi cỏ lúp xúp và rặng cây mọc hoang. Thằng bé co mình lại vì hơi lạnh.

- Mày đọc đi. Hình như cũng có vài dòng đấy.

- Nhưng.... cháu không biết chữ - Nó ấp úng thú nhận.

- Mày cứ đọc đi. Dễ lắm.

- Dễ thế nào cơ?

- Xì, mày bảo tao làm ra cái bánh mì bây giờ mới khó chứ nghĩ ra chuyện thì có mà vô thiên lủng. Chỉ cần chịu khó sắp xếp câu cú khéo léo một chút. Như bà cụ tao ngày trước ấy, dám chỉ thua cái ông Nguyễn Kiều Nguyễn Du gì ấy nhỉ.

Thằng bé buồn rầu thú nhận:

- Cháu không biết.

Người đàn bà gắt:

- Mày cái gì cũng không biết. Thế không ai dạy mày cái gì ư?

- Dễ thường bà biết hết chắc!

Thằng bé bắt đầu cáu. Nhưng người đàn bà vẫn nhẩn nha. Bà ta rút mẩu gỗ đang cháy dở ra, dụi tắt lửa:

- Thế thì tao dạy mày đọc vậy, mày nhìn cái khúc gỗ này xem, nó từng là một cái khung cửa sổ đấy.

Thằng bé không nhìn mà nhắm mắt lại. Khói bốc lên làm mắt nó cay xè. Những tờ giấy trắng bay lả tả trong một luồng gió nhẹ đột ngột phả tới chỗ hai  người.

- Đưa mấy tờ giấy đây cho tao.

Nó gom giấy thành một tập. Những tờ giấy vụn trắng tinh vuốt ngay ngắn và làm thành một tập như một cuốn sổ nhỏ. Người đàn bà đón lấy tập giấy, đôi mắt đục ánh lên những tia lấp lánh.

- Một cái khung cửa sổ, bên trong có một ngọn đèn. 

Thằng bé dẩu môi:

- Tại sao lại là một ngọn đèn, một cái bóng điện chứ.

- Một ngọn đèn! Có hai người sống hạnh phúc bên nhau.

- Cháu thích ba cơ.

Người đàn bà lật một mẩu giấy lên như cách người ta giở trang sách, đọc tiếp:

- Có ba người sống hạnh phúc bên nhau. Đứa bé có khuôn mặt xinh xắn giống như... giống như...

Thằng bé ẩy mạnh khúc gỗ vào lửa lầu bầu:

- Bác nói dối. Cháu không nghe chuyện của bác nữa.

- Sao thế?

- Bác ngốc lắm. Sách không có chữ thì làm sao đúng được.

Người đàn bà gật gù:

- Tao cũng ngốc thật. Câu chuyện nên thế này thì hơn: Trong nhà ấy có ba người ngu ngốc...

Cơn huyên thuyên của người đàn bà bốc lên làm thằng bé buồn ngủ ghê gớm. Nó rụt cổ lại dưới hơi sương lành lạnh. Cái ống tay áo lòng thòng ở cùi tay làm nó giống một hình nộm đuổi chim ngoài ruộng lúa. Nó cố hình dung ra khuôn mặt mẹ, một khuôn mặt đẹp và hiền. Hẳn là thế. Nhưng chắc mẹ đã chết hoặc là khốn khổ lắm nên mới ném nó ra vệ đường. Người đàn bà vẫn đang say sưa kể câu chuyện của mình. Bà ta tưởng thằng bé đang chăm chú nghe và thán phục mình lắm. Nhưng nó chẳng nghe thấy gì. Nó đang nhớ mẹ ghê gớm. Nỗi nhớ cồn lên bất lực.

"Mẹ của tôi thật đáng thương. Mẹ có mái tóc dài đổ xuống mặt tôi mỗi khi tôi ngủ. Mẹ yêu tôi vì ngón tay út của tôi giống mẹ, cái gáy của tôi giống mẹ, cái mông của tôi cũng cong giống mẹ..."

- Mày đang nghĩ gì vậy? Có nghe tao kể không đấy?

Người đàn bà hạch nó như một đứa trò hư.

- Cháu...

- Mày đúng là giống bỏ đi, chả chịu khá lên. Ngày xưa tao hận bà tao lừa tao. Nhưng thử hỏi nếu như không có những câu chuyện hay ho ấy thì bây giờ làm sao tao sống nổi thế này? Với cả khối khi tao định làm một trò khỉ nào đó thì y như thể bà lão níu tay tao lại.

Bà chìa hai tay ra trước ánh lửa. Thằng bé ngạc nhiên thấy đôi tay người đàn bà trắng và tròn như tay con gái, thật khác xa gương mặt nhầu nhĩ khắc khổ. Đôi mắt nó chợt bùng lên như có lửa:

- Cháu cũng muốn đi học lắm. Nhưng cháu phải đi tìm mẹ đã.

Người đàn bà nhướn mày:

- Mẹ mày bỏ nhà đi à?

- Không! Là cháu...

- Mày? Hư quá con ạ. Thôi nhà ở đâu để tao đưa về?

- Cháu không biết. Hôm nọ cháu đứng ở cổng nhà một con bé. Tự nhiên cháu thấy như là nhà của cháu ấy. Con bé ấy nó đang cho một con chó Nhật ăn. Thế là mẹ nó chạy ra đuổi cháu đi, bảo cháu là lũ con hoang. Cháu theo con bé ấy đến lớp học của nó. Cháu chỉ đứng ngoài cửa sổ để xem chúng nó học, thế mà bị bọn con trai trong lớp ném gạch vào mặt. Bác xem, vẫn còn sưng đây này.

- Khổ thân mày - Người đàn bà chép miệng.

- Nhưng con bé ấy lại bắt chuyện với cháu bác ạ. Bác bảo thế có phải là nó yêu cháu không?

- Rõ vớ vẩn! Mày học đâu cái thói nhăng nhít ấy?

- Hôm nọ, cháu xem một cái phim gì ấy, họ chiếu trong quán cà phê. Có một câu như thế này hay lắm. Gì nhỉ, à, nếu có một cô bé quay mặt lại mỉm cười với bạn lúc bạn bước sang tuổi mười hai thì đó là tình yêu.

- Ra thế đấy. Tao cũng chả biết yêu đương là gì sất. Ngày xưa lão ấy góa vợ, đến nhà tao đưa một món tiền, thế là bố mẹ tao gả luôn.

Thằng bé không nghe thấy gì nữa. Nó mơ màng nghĩ đến niềm vui mới lạ. Rồi nó thiu thiu ngủ. Ngọn đèn đỏ quạch phả xuống đống lửa vừa tàn thứ ánh sáng dịu dàng như bàn tay người mẹ. Người đàn bà cũng gục đầu yên lặng. Bà ta muốn đứng lên bỏ đi, nghĩ thế nào lại cúi xuống đống than ra sức thổi. Đống giấy vụn không có gì chặn, bị gió xua bay tứ tung. Người đàn bà nhổm dậy tìm quanh quẩn những thứ có thể đốt được. Rồi đi xa hơn về phía những bụi cây mọc dại.

Lúc thằng bé tỉnh dậy thì chỉ thấy ngọn lửa đang âm ỉ cháy. Cái bóng của nó cô quạnh dưới ngọn đèn đường. Nó không biết người đàn bà đang cố gom một đống củi to kéo được từ trong những rặng gai. Bà ta tự nhủ chắc thằng bé đang lạnh. Nhưng thằng bé không hay biết mọi điều trên đời. Nó đứng lên bỏ đi, trong đầu còn bùng nhùng những lời nói, những câu chuyện dang dở của người đàn bà. Nó nghĩ bà ta bị bệnh dở người, hoặc là bà ta rất giả dối. Nếu không sao bỏ đi mà không chào nó một tiếng?

Lúc đó sương bắt đầu xuống dày và tôi có việc đi ngang qua cột điện có đống lửa sắp tàn. Người đàn bà đột ngột nhô đầu ra khỏi bóng tối, chặn tôi lại:

- Cô ơi, cô có nom thấy một thằng bé tay cầm những tờ giấy trắng?

Tôi trả lời bà là tôi không nom thấy gì cả trong lớp sương mù dày đặc và mong bà tránh ra cho tôi đi. 
Sương xuống mỗi lúc mỗi dày. Bên cột đèn, người đàn bà chất củi lên đống tro tàn, ra sức thổi...
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Bên đống lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO