Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia dệt Dèng A Lưới
Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề dệt Dèng của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới (TP Huế) đang được bảo tồn và phát huy giá trị với các sản phẩm văn hóa kết hợp hiện đại phục vụ du lịch, trải nghiệm, trình diễn thời trang.
Trong những năm qua, để giữ gìn và bảo tồn nghề dệt Dèng (một loại vải thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới) UBND huyện A Lưới (TP Huế) đã xây dựng Đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 – 2020 và giai đoạn 2020 – 2025), trong đó có các lễ hội, ẩm thực, ngôn ngữ, dân ca, dân nhạc, dân vũ… và đặc biệt là khôi phục, phát triển nghề dệt Dèng.

Theo người dân huyện A Lưới (TP Huế), ban đầu nghề dệt Dèng lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Tà Ôi và khi mùa rẫy đã xong và nhàn rỗi cùng với trời mưa nên người phụ nữ Tà Ôi lại chăm chỉ ngồi bên khung để dệt ra những tấm vải Dèng, người phụ nữ Tà Ôi được dạy dệt vải Dèng từ khi còn nhỏ nhưng ít người có thể dựa vào dệt Dèng để làm nguồn thu nhập chính bởi vải Dèng truyền hầu như chỉ phục vụ làm của hồi môn cho con gái, quà cưới... chỉ bán, trao đổi ở quanh làng hoặc bán cho du khách khi có cơ hội nhưng rất ít và giá thành rất thấp. Trong khi, nguồn nguyên liệu cho dệt Dèng được lấy từ tự nhiên nên muốn có được một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian, công sức khiến người phụ nữ Tà Ôi dần bỏ nghề dệt truyền thống để chuyển sang các công việc khác kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.
Nhờ sự chỉ dạy tận tình truyền nghề của các thế hệ trước và ý thức được nghề truyền thống của mình nên nhiều con cháu đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới sau này đã tiếp bước lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị dệt Dèng truyền thống thành những sản phẩm Dèng để phục vụ du khách, sản phẩm hàng hóa, thành lập các hợp tác xã để sản xuất sản phẩm nhanh và chuyên nghiệp hơn… với nguồn nguyên liệu là sợi chỉ, sợi len nhiều màu như đen, đỏ, trắng, xanh đậm… phù hợp về cả chất liệu lẫn màu sắc cho dệt Dèng. Huyện A Lưới (TP Huế) đã có 7 hợp tác xã dệt Dèng với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ vừa giữ nghề vừa phát triển kinh tế, tiếp bước lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị dệt Dèng truyền thống, sáng tạo thành các mặt hàng lưu niệm, phù hợp với nhu cầu của du khách như túi xách, áo dài, váy, giày dép, khăn choàng…

Đến nay, các sản phẩm dệt Dèng được dệt với nguồn nguyên liệu mới với nhiều màu sắc hiện đại cùng sự hỗ trợ về thiết kế đa dạng mẫu mã kết hợp với tính truyền thống đã gây ấn tượng mạnh với khách hàng trong và ngoài nước. Trung bình mỗi tấm vải Dèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/tấm, những năm trở lại đây sản phẩm từ Dèng đã được nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trong nước sử dụng để làm chất liệu cho các bộ sưu tập của mình như nhà thiết kế Minh Hạnh, nhà thiết kế Viết Bảo… đã đưa những bộ sưu tập Dèng trình diễn tại Nhật Bản và Pháp hay tại các kỳ Festival Huế…
Năm 2016, nghề dệt Dèng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL và “Dèng A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi phát triển bền vững, có thu nhập và huyện A Lưới đã đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, nghề dệt Dèng với bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi.

Hiện nay, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dệt Dèng UBND huyện A Lưới đang xây dựng mô hình trải nghiệm tìm hiểu nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi tại thôn Pa Ris Ka Vin (xã Lâm Đớt) nhằm phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Tà Ôi gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, mới đây UBND huyện A Lưới (TP Huế) đã tổ chức thành công Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới” và du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của các bộ trang phục dệt dèng truyền thống.