Văn hóa – Di sản

Vinh danh gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc - hai làng nghề thủ công mỹ nghệ thế giới

Việt Thương 09:19 15/02/2025

Tối ngày 14/2, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới đã được tổ chức.

anh-chup-man-hinh_15-2-2025_82810_kinhtedothi.vn.jpeg
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Sự kiện có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Sa'ad al-Qaddumi - Chủ tịch hội đồng Thủ công thế giới cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế.

og2ja3lm.png
Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thăng long, Hà Nội vốn nổi tiếng là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước không chỉ bởi với các di tích lịch sử, di sản văn hóa mà còn bởi những làng nghề truyền thống.

"Trải qua biết bao thăng trầm, các làng nghề của Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng vốn có. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề bền bỉ phát triển theo thời gian đã khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con Hà Nội. Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời, vượt qua thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay," ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.

nnn.jpeg
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi lễ.

Các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô. Với sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, các làng nghề tại Hà Nội đang dần khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước; với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản...

anh-chup-man-hinh_15-2-2025_83016_kinhtedothi.vn(1).jpeg
Lễ rước tổ nghề 2 làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc.

Hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là những biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà là những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Đến nay, thế giới có 68 làng nghề thuộc 28 quốc gia được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Việc hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới vừa là niềm tự hào, vừa là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại.

lang-nghe-5.jpeg
Bát Tràng, Vạn Phúc được vinh danh là 2 làng nghề thủ công mỹ nghệ thế giới.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề của Thủ đô.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới cho biết: Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Từ những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, đây không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam.

lang-nghe-8.jpg
Ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới phát biểu. Ảnh: Viết Thành

Theo ông Saad al-Qaddumi, trong hơn 40 năm qua, chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm và đầu tư để khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, bao gồm lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng. Những nỗ lực này không chỉ giúp hồi sinh các kỹ nghệ thủ công tinh xảo mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cho phụ nữ, giúp họ tham gia vào nền kinh tế và tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa cho các thế hệ tương lai.

“Ngày hôm nay, Bát Tràng và Vạn Phúc chính là những biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện của hai làng nghề này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần bền bỉ của cộng đồng, cho thấy rằng dù phải đối mặt với bao khó khăn, họ vẫn có thể vươn lên và một lần nữa trở thành trung tâm của nền thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào văn hóa. Khi tôn vinh hai làng nghề hôm nay, chúng ta cũng đồng thời ghi nhận sự quyết tâm và nỗ lực của người dân Việt Nam, những người không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn đưa các ngành nghề truyền thống lên một tầm cao mới trên bản đồ thế giới.” ông Saad al-Qaddumi khẳng định.

Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới cũng bày tỏ niềm vui khi biết rằng Việt Nam đang tiếp tục đề xuất công nhận thêm các làng nghề truyền thống khác và tin tưởng rằng những đề cử này sẽ tiếp tục mang lại sự ghi nhận xứng đáng cho nền thủ công đặc sắc của Việt Nam.

vv.jpeg
Các đại biểu nhấn nút khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân trong nước và thế giới.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới Saad al-Qaddumi đã trao bằng công nhận Làng nghề Thủ công Thế giới cho 2 làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc. Tập thể lãnh đạo TP Hà Nội đã tặng hoa chúc mừng đại diện 2 làng nghề được vinh danh. Đồng thời thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025.

Sự kiện trưng bày gồm nhiều không gian, như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng; không gian lụa và gốm của các nghệ nhân quốc tế; không gian văn hóa trà, ẩm thực và các sản phẩm OCOP… Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện còn có các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 16-2-2025./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đình Hiệp - nét xưa bên dòng sông Đáy
    Làng Hạ Hiệp (tên gọi cổ xưa là kẻ Hiệp), xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ là một trong số ít những ngôi làng Việt cổ nằm bên hữu ngạn sông Đáy còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của xứ Đoài nói riêng và của đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Trong đó nổi bật là ngôi đình cổ kính, linh thiêng thờ Thành hoàng Hoàng Đạo - một danh tướng nổi tiếng của Hai Bà Trưng.
  • [Podcast] Đậm nét thanh lịch trong Tết Nguyên tiêu của người Hà Nội
    Người xưa có câu "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" để nói về tầm quan trọng của Tết Nguyên tiêu – một ngày lễ trọng trong năm của văn hóa truyền thống Việt. Chính vì vậy, vào Rằm tháng Giêng hầu hết các gia đình đều chuẩn bị chu đáo để làm lễ. Đi lễ đền, chùa ngày rằm không chỉ là việc gìn giữ nét đẹp truyền thống của người Việt mà còn của người Tràng An – Hà Nội nói riêng. Sự thanh lịch văn minh của người Hà Nội được thể hiện qua những nét ứng xử đẹp khi đến lễ chùa, hay sắp mâm cỗ cúng vào ngày Rằm tháng Giêng. Trong chuyên mục “Chuyện người Hà Nội” ngày hôm nay cúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về phong tục ăn Tết nguyên tiêu của người Hà Nội.
  • Tân binh Thị xã Sơn Tây lên đường nhập ngũ với ý chí, hành trang của Thủ đô anh hùng
    Đại diện cho hơn 100 tân binh thị xã Sơn Tây lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an Nhân dân năm 2025, công dân Nguyễn Duy Long đã hứa: Tiếp tục phát huy truyền thống quê hương Sơn Tây – Thủ đô anh hùng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và nhân dân giao phó.
  • Quận Thanh Xuân: Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội và năm 2025
    Thông tin từ UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) vừa cho biết, mùa lễ hội xuân Ất Tỵ và trong năm 2025, quận đã, đang tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.
  • Soobin Hoàng Sơn nhận ba đề cử giải Cống hiến lần thứ 19 năm 2025
    Ban tổ chức Giải Cống hiến lần 19 năm 2025 vừa chính thức công bố đề cử vào chiều 13/2/2025 trên cả 2 hệ thống giải là Giải Âm nhạc Cống hiến và Giải Thể thao Cống hiến; đồng thời mở cổng bình chọn cho công chúng, để cùng với lá phiếu của các nhà báo, tìm ra những chủ nhân Cống hiến mùa giải năm nay.
Đừng bỏ lỡ
Vinh danh gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc - hai làng nghề thủ công mỹ nghệ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO