Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng thường xuyên kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn, bảo đảm xây dựng theo quy định. Ảnh: Khuê Diệp |
- Ông đánh giá thế nào về tình hình trật tự xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội sau khi thực hiện Quyết định 3406/QĐ-UBND ngày 4-7-2018 của Chủ tịch UBND thành phố?
- Sau 6 tháng thực hiện chuyển đổi, đưa lực lượng thanh tra xây dựng về UBND cấp huyện, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn mỗi quận, huyện, thị xã nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương có nhiều thuận lợi. Vi phạm trật tự xây dựng được chỉ đạo giải quyết kịp thời, khẳng định được vai trò chủ lực của lực lượng này trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự kỷ cương hành chính trên nhiều lĩnh vực của đô thị: Trật tự lòng đường, vệ sinh môi trường...
Đặc biệt, trong công tác quản lý trật tự xây dựng, qua áp dụng các biện pháp phối hợp kiểm tra kịp thời, ngăn chặn ngay từ đầu, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các địa bàn đã bước đầu làm tốt công tác giữ gìn, làm giảm đáng kể số trường hợp xây dựng vi phạm không phép, sai phép của các công trình xây dựng đang thi công và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng kéo dài, nổi cộm.
- Đây không phải là lần đầu Hà Nội thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý đội ngũ thanh tra xây dựng. Vậy lần này, liệu có xảy ra tình trạng “bình mới, rượu cũ”?
- Thực tế, trước đó Hà Nội đã có 3 lần thay đổi mô hình quản lý trật tự xây dựng. Trước tháng 5-2013, lực lượng này được đặt ở quận, huyện, thị xã. Thực hiện Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ, đội ngũ này được chuyển về Sở Xây dựng quản lý. Song, thực tế hoạt động cho thấy sự phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao.
Thực hiện Quyết định 3973/QĐ-UBND, từ ngày 1-9-2016, UBND thành phố Hà Nội tạm giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội thanh tra xây dựng địa bàn. Tình hình trật tự xây dựng đã có chuyển biến rõ rệt, số công trình vi phạm giảm. Nhưng, mô hình này vẫn còn một số hạn chế: Lực lượng thanh tra xây dựng tại cơ sở chịu sự chỉ đạo điều hành của hai nơi (Thanh tra Sở Xây dựng và chính quyền cơ sở) nên có sự chồng chéo; chưa gắn kết phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm,...
Với lần chuyển đổi này, thanh tra xây dựng chịu sự quản lý toàn diện của UBND cấp huyện. Điều này là cần thiết nhằm bảo đảm quy tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tình hình thực tiễn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; giúp lực lượng này bám sát địa bàn, thể hiện tính chủ động, tích cực cùng với kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh. Điều này cũng thể hiện rõ qua các con số: Năm 2016 tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng là 13,5%, năm 2017: 10,99%, năm 2018: 5,2% và quý I-2019: 4,97%.
- Qua 6 tháng triển khai, thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô còn bất cập gì, thưa ông?
- Hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất UBND cấp xã, cấp huyện biện pháp xử lý; dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm còn chậm, có vụ việc chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, tuy nhiên lãnh đạo một số phường, xã, quận, huyện chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm của tổ chức, cá nhân khi cố tình vi phạm. Trong khi đó, tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao, một số nơi còn thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý xây dựng...
- Theo ông, cần thực hiện các giải pháp gì nhằm khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn?
- Quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của UBND các quận, huyện, thị xã. Theo đó, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với công tác phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính. Thực tiễn quản lý cho thấy, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó đạt hiệu quả. Mới đây (ngày 18-3-2019), UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định 04/2019/QĐ-UBND quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2019), trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhằm tăng cường hiệu quả công tác này.
- Trân trọng cảm ơn ông!