Bài hát của người lính Sư đoàn Quân Tiên Phong

Châu La Việt| 05/10/2022 05:10

Buổi đầu gặp nhạc sĩ Nguyễn Thành, tôi cứ tưởng ông là người dân tộc vì ông có nước da ngăm ngăm, nụ cười hiền lành, khi ăn khi nói đều chậm rãi, từ tốn, chân thành mộc mạc. Mà một phần cũng bởi âm hưởng bài hát “Qua miền Tây Bắc” do ông sáng tác mà người lính nào cũng thuộc.

Bài hát của người lính  Sư đoàn Quân Tiên Phong

Từ “Qua miền Tây Bắc”…
Buổi đầu gặp nhạc sĩ Nguyễn Thành, tôi cứ tưởng ông là người dân tộc vì ông có nước da ngăm ngăm, nụ cười hiền lành, khi ăn khi nói đều chậm rãi, từ tốn, chân thành mộc mạc. Mà một phần cũng bởi âm hưởng bài hát “Qua miền Tây Bắc” do ông sáng tác mà người lính nào cũng thuộc. 
Có một lần mới đánh bạo hỏi ông Khắc Tuế, đoàn trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị bấy giờ, cũng là bạn rất thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Thành: “Anh ấy là người dân tộc nào hả anh?”. Anh Khắc Tuế mới phá lên cười: “Không, nó người Kinh, mà là Hà Nội chính cống đấy. Nhưng bởi có nhiều năm ở Tây Bắc - văn công Sư đoàn 308, lại là tác giả những bài hát: “Qua miền Tây Bắc” hay “Tiếng sáo Mèo gửi người chiến sĩ” (lời thơ: Khắc Tuế), nên ai cũng nghĩ phải là người Tây Bắc mới sáng tác được thế”.
Thế rồi có một đêm, ở nhà Nguyễn Thành, tôi được anh pha trà và kể cho nghe về tuổi thơ ấu, quê hương của mình:
“Mình là đứa trẻ người Hà Nội gốc, là đứa con của những đường phố. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ, khi ấy mình đang là một cậu học trò nghèo. Có một ngày, cờ đỏ sao vàng và khúc hát “Tiến quân ca” cuốn hút chúng mình theo những đoàn tuần hành biểu tình, đi từ Nhà hát Lớn, tràn vào Bắc Bộ phủ cướp chính quyền. Cuộc đời chiến sĩ của mình bắt đầu từ ngày ấy, và rồi ngay sau đó mình trở thành trung đội phó của một Trung đội thiếu sinh quân với chiếc mũ ca lô có đính ngôi sao viền vàng, quần soóc và bít tất xanh, áo sơ mi vàng. Âm vang của đời lính này là nhịp giày vàng gõ đều trên mặt đường, và tiếng lách cách của khẩu súng khai hậu bên thắt lưng… Khi kháng chiến bùng nổ, mình theo đoàn quân Tây Tiến lên mặt trận, tham gia những trận đọ sức với đoàn quân do tên Curiăng chỉ huy với huyền thoại do chúng bịa ra: súng bắn không thủng… Chính những năm tháng này đã làm Tây Bắc ngấm vào mình, để rồi một ngày có bài hát “Qua miền Tây Bắc”. Nhưng trước đó, mình cũng đã từng có những sáng tác về Tây Bắc…”
Nhấp một ngụm trà, đôi mắt Nguyễn Thành trở nên xa vời.
Bài hát của người lính  Sư đoàn Quân Tiên Phong
“Vượt suối băng sông lưng núi mây ngàn/ Đoàn quân Tây Tiến dồn chân bước” - Anh se sẽ hát rồi tiếp lời: "Chiến trường đầu tiên, ít nhất cũng có một lần, với vốn nhạc non nớt thuở học sinh, mình đã viết bài ca Tây Bắc ấy. Đó là năm 1946, mới chân ướt chân ráo lên với núi rừng. Năm 1949, mình trở thành cán bộ của văn công xung kích Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong. Thu Đông năm 1952, mình cùng đội văn công trở lại Tây Bắc tham gia chiến dịch. Đêm trước ngày giải phóng Nghĩa Lộ, đội văn công xung kích với mười ba người dừng chân giữa lưng đèo Khâu Vác cùng đào hầm, nhóm lửa, ngồi bàn tán về chiến dịch, rồi ôm nhau nằm chờ sáng, mình không chợp được mắt. Xúc động lớn nhất với anh em là: Lệnh Bác Hồ cử bộ đội lên giải phóng Tây Bắc. Trong thư Bác gửi, nói nhiều đến nỗi thống khổ của nhân dân Tây Bắc - miền đất và con người mà mình đã có bao kỷ niệm…
 Những lời ca vụt đến. Măng-đô-lin trong tay gẩy theo. “Qua miền Tây Bắc” được hiện lên chữ, lên giấy đêm ấy, bên ngọn lửa bập bùng giữa căn hầm đào vội, trong tiếng nhịp chân rầm rập của bộ đội vào chiến dịch và trong tiếng gió hú dài trên đỉnh đèo… Viết xong, mệt quá, mình ngủ thiếp đi. Sáng dậy, thấy các bạn Văn Hoán, Phùng Đệ, Vũ Hướng… cùng những người bạn trong đội ngồi hát say sưa. Họ đã nhặt được bản thảo của mình từ trong bếp lửa! Cũng may, than đã nguội, nên giấy không bị cháy…
Ngay sáng ấy, bài hát lập tức được trình diễn phục vụ bộ đội vào chiến dịch, với măng-đô-lin, ghi-ta, sáo tre… và tác giả cùng các bạn đứng hát ngay trên đỉnh đèo, phục vụ những đoàn quân đi qua. Bài hát như ngọn lửa, qua mỗi người lính, lại bùng lên. Và ngọn lửa ấy dần lan suốt các đoàn quân, đi hết chiến dịch này sang chiến dịch kia… Trẻ chăn trâu thấy các chú bộ đội hát, cũng nhập tâm và í ới hát theo tiếng mõ trâu vang khắp cánh đồng Tây Bắc giải phóng. Lại có cả những bác xẩm cũng dùng nó để hát ngay trong nội thành Hà Nội lúc ấy còn bị giặc chiếm. Bài hát còn được truyền đến những thế hệ sau, ấy là lớp chiến sĩ Trường Sơn đã dùng nó như một “chiến sĩ ca” những năm đi đánh giặc…
 Năm 1954 chúng mình được đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Một chiều, trong hầm bộ Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo hát cho nghe hai bài, trong đó có “Qua miền Tây Bắc”. Nghe hát xong, Đại tướng nói: “Cậu nào sáng tác bài này đáng được thưởng!”. Lương Ngọc Trác báo cáo với Đại tướng mình là tác giả “Qua miền Tây Bắc”. Đại tướng xiết chặt tay mình, hỏi cuộc đời chiến sĩ của mình. Sau đó ít lâu, mình được tặng thưởng một Huân chương chiến công…”
Một nụ cười rất sẽ sàng trên gương mặt anh. Ôi Tây Bắc! Tôi hiểu những năm tháng Tây Bắc đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn và cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Thành. Khuôn mặt anh thuần phác, thâm trầm. Những gì mãnh liệt nhất thường ấp ủ bên trong, ít được thổ lộ thành lời. Anh nói về mình khó khăn, nhưng đã nói, thì thật thà, nhiều khi hồn nhiên dễ yêu, dễ mến. Cuộc đời chiến sĩ, cuộc đời nghệ thuật của anh từ ấy. Và cả cái phần đời của anh cũng từ ấy. Vợ anh, chị Ngọc Thảo, nữ diễn viên múa, nữ đạo diễn truyền hình cũng là diễn viên văn công của Sư đoàn 316, và buổi đầu hai người gặp nhau, cũng chính bởi những kỷ niệm về Tây Bắc, một chiến trường mà hai người đã gắn bó…
Đến “Cảm xúc tháng 10”

Bài hát của người lính  Sư đoàn Quân Tiên Phong
“Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.”
 20 năm sau, người yêu âm nhạc "choáng" về một sáng tác mới của người nhạc sĩ Tây Bắc: “Cảm xúc tháng 10”, với lời thơ của Tạ Hữu Yên. Hay quá, đẹp quá, rạo rực lòng người quá. Bài hát viết về Hà Nội, về Sư đoàn 308 thân thiết từ ngày chống Pháp của các anh, với lời ghi đầu bài hát: "Kính tặng Sư đoàn Quân Tiên Phong".
“Đêm, cái đêm anh rút qua gầm cầu
Anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ xa hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca.”
Thú thực, lúc đầu tôi nghe bài hát này qua tiếng hát Lê Dung, thấy thật tuyệt vời; rồi nghe qua tiếng hát Kiều Hưng, Quang Thọ, rồi Quang Lý, Trọng Tấn, Tố Uyên, Vũ Thắng Lợi… vẫn vẹn nguyên cảm xúc ấy. Điều lạ kỳ rằng dường như ai hát bài hát này cũng đều rất hay, ca sĩ thế hệ nào hát bài hát này cũng đều rất tuyệt. 
Và, từ “Cảm xúc tháng 10”, mọi người yêu Hà Nội hơn, yêu những người lính Quân Tiên Phong hơn. Dường như trời Hà Nội xanh hơn và những ngôi nhà cũng cao hơn; mắt người thiếu nữ nào cũng trong hơn, thiết tha hơn, và sóng sông Hồng cũng dào dạt, cuộn đỏ hơn vì “Cảm xúc tháng 10”. Có gì hơn một Hà Nội tháng 10 giải phóng, một Hà Nội với những người lính trở về, hoa Ngọc Hà tươi thắm và một cuộc đời mới đã bắt đầu…
“Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm…”
Lại như một nghịch lý, những người làm nên bài ca say lòng người ấy, lại có một cuộc sống vật chất, lại sống trong một cuộc sống Hà Nội hết sức khiêm tốn và nhiều khi… tương phản. Hà Nội với họ - nhạc sĩ Nguyễn Thành và nhà thơ Tạ Hữu Yên, là những căn hộ chung cư chật hẹp, đêm mùa hè thường phải thức với sao trời, đi hứng nước, xách nước lên những tầng cao để ngày mai vợ con có cái mà dùng...
Tôi đã biết căn hộ chung cư của nhạc sĩ Nguyễn Thành với người vợ và hai đứa con chật hẹp thế nào, lại nhói lòng hơn khi biết cuộc sống của nhà thơ Tạ Hữu Yên, người viết những lời thơ và ca từ về một Hà Nội đắm say lòng người. (Ông cũng là tác giả bài thơ “Đất nước” được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc, và 150 bài thơ được các nhạc sĩ khác phổ nhạc). Nhà thơ Vương Tâm kể: "Nhà thơ Tạ Hữu Yên sống với một gia cảnh nhiều khó khăn tại khu nhà lắp ghép Trương Định thuộc quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, nhưng nhà thơ chẳng bao giờ kêu than. Ngày nào ông cũng cọc cạch với chiếc xe đạp đi khắp đó đây để lấy tài liệu viết bài hay sáng tác kiềm tiền nuôi vợ con. Có thể nói, nhà thơ Tạ Hữu Yên là một Đại tá duy nhất còn sót lại ở thế kỷ 20 kéo sang tới 13 năm sau của thế kỷ 21, với cuộc viễn du trọn đời cùng chiếc xe đạp Thống Nhất được tiêu chuẩn mua từ những năm 1970. Khi về hưu, đời sống vẫn còn nhiều vất vả lo toan, đến ngôi nhà cũng do một ông hàng xóm thương tình để lại cho giá rẻ chứ nếu không gia đình ông vẫn phải ở trong căn phòng tập thể chừng 10 mét vuông, mỗi khi mưa lụt nước tràn vào nhà ngập lên tới cả mét...”
 Cũng trong ngôi nhà ấy, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã viết những lời thơ cực kỳ bay bổng, đẹp đến huyền ảo của Hà Nội để rồi người đồng đội, người bạn thân thiết của ông là nhạc sĩ Nguyễn Thành chắp cánh với những giai điệu tuyệt vời, say đắm bao thế hệ hàng chục năm qua:
“Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.
Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thầm gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn…”
Vâng, “không thể nói trời không trong hơn”. Không thể nói Hà Nội không đẹp và tuyệt vời hơn. Và cũng không thể nói có những bài ca về Hà Nội đắm say và làm ta yêu Hà Nội hơn.
Xin cảm ơn các anh - những người sáng tạo nên bài ca bất hủ! Xin cảm phục các anh, một thế hệ nghệ sĩ với một trái tim vàng, một tình yêu vô bờ bến và một niềm lạc quan đầy tươi sáng về Hà Nội.
 Xin cảm ơn các anh, những người lính của Sư đoàn Quân Tiên Phong…
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Bài hát của người lính Sư đoàn Quân Tiên Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO