10.000 người sẽ tham gia “Ngày Văn hóa vì hòa bình” Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
UBND Thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” vào ngày 6/10, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2024).
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Đây là sự kiện nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô về ý nghĩa lịch sử 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 25 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO (16/7/1999-16/7/2024); đồng thời thiết thực kỷ niệm 1.014 năm đức vua Lý Thái Tổ định đô tại Kinh thành Thăng Long.
“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh giá trị của hòa bình, thể hiện niềm tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Thành phố sáng tạo, năng động trong hội nhập và phát triển nhưng vẫn giữ những nét truyền thống Việt Nam, vươn lên với sức bật mạnh mẽ, xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Đồng thời, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tạo không khí vui tươi phấn khởi, góp phần khơi dậy niềm tự hào, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến, văn minh, hiện đại”. Là dịp để tôn vinh, giới thiệu các Di sản văn hóa nhân loại được UNESCO vinh danh; các di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, các Di sản văn hóa tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian tiêu biểu của Thủ đô, quảng bá làng nghề truyền thống, quảng bá văn hóa ẩm thực Hà Nội. Qua đó, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao ý thức, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội; tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội với bạn bè trong nước và quốc tế.
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu 100% các quận, huyện, thị xã, các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia vinh danh, các làng nghề tiêu biểu, nghệ nhân bố trí lực lượng, tham gia luyện tập và trình diễn các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương theo kế hoạch phân công đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội Thành phố, bố trí lực lượng tham gia theo kế hoạch, nhiệm vụ được phân công đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn.
Cụ thể, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn trong ngày 6/10/2024 tại Vườn hoa tượng đài Vua Lý Thái Tổ và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Quy mô tổ chức với khoảng 10.000 người, gồm các đại biểu Trung ương và các địa phương bạn; Bộ trưởng, Thủ trưởng các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn Thành phố; đại diện Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc.
Ngày hội còn có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội các thời kỳ; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, đại diện các tổ chức nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tôn giáo Thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã… thuộc Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, các cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động. Mẹ Việt Nam Anh hùng, Ban Liên lạc chiến sĩ bị địch tù đày, đại diện Cựu chiến binh, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyển trực tiếp tham gia chiến đấu và tiếp quản Thủ đô cũng sẽ tham dự ngày hội.
Lực lượng tham gia diễu hành và trình diễn trong Ngày hội là nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhạc công, bạn bè quốc tế, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.
Điểm nhấn của “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là chương trình Lễ khai mạc dự kiến được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là chương trình thực cảnh tái hiện hình tượng và biểu diễn Liên khúc Truyền thuyết Hồ Gươm - Người Hà Nội - Cảm xúc Tháng 10 - Khí phách Hà Nội - Hát vang lý tưởng tuổi trẻ. Tiếp đến là khai mạc Ngày hội với Lễ Chào cờ, phát biểu của Chủ tịch UBND Thành phố -Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội; phát biểu của Đại diện UNESCO tại Hà Nội.
Phần 3 là các nội dung biểu diễn trình diễn, diễu hành. Trong đó chương 1 có Chủ đề “Hà Nội ngày về chiến thắng” đem tới cho công chúng chương trình thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn Quân tiên phong vào tiếp quân Thủ đô và các lực lượng tham gia cách mạng, lực lượng quần chúng chào đón đoàn quân chiến thắng trở về (Liên khúc “Tiền về Hà Nội - Sẽ về Thủ đô - Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, biểu diễn của dàn kèn với chủ đề khúc “Khải hoàn ca”, biểu diễn ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Chương 2 mang chủ đề “Hà Nội - dòng chảy di sản” gồm có phần trình diễn Trống hội Thăng Long, mùa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu Di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia ghi danh; diễu hành, giới thiệu Di sản văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của Thủ đô; diễu hành và trình diễn nghệ thuật dân gian, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực tiêu biểu của Thủ đô và diễu hành giới thiệu làng hoa Hà Nội, trình diễn áo dài nữ sinh Hà thành trên nền ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.
Chương 3 có chủ đề “Hà Nội Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo” sẽ có trình diễn trống chào mừng của thiếu nhi Thủ đô; biểu diễn liên khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” và “Xin chào Hà Nội của tương lai”; diễu hành, biểu dương lực lượng của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô (Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đại diện các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, các tổ chức tôn giáo, dân tộc thiểu số) và bạn bè Quốc tế; biểu diễn ca khúc “Hà Nội Thành phố vì hòa bình” (700 thiếu nhi Thủ đô thể hiện); diễu hành của Khối bạn bè Quốc tế và biểu diễn ca khúc “We are the world” (Ca sỹ và 700 thiếu nhi hợp xướng).
Sau Lễ khai mạc, từ 10 giờ đến 22 giờ ngày 6/10/2024, tại các sân khấu phụ của Ngày hội sẽ tổ chức các hoạt động trình diễn, biểu diễn nghệ thuật: Thi Chung kết, xếp hạng Cuộc thi Nhảy hiện đại “Nhịp sống trẻ” lần thứ II - Hà Nội năm 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao, Thành đoàn Hà Nội tổ chức; Biểu diễn nghệ thuật của các Nhà hát nghệ thuật Thủ đô; biểu diễn, trình diễn, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, múa cổ Hà Nội; trình diễn của các Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống…
UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, các đoàn thể Thành phố; yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch, kèm theo Kịch bản “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” đã được Thành phố ban hành.
Trong quá trình triển khai Kế hoạch có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh qua Sở Văn hóa và Thể thao để được hướng dẫn thực hiện và tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền./.